Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030

L.T.S: Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/TBVK, ngày 15/7/2025 của Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 về việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của Nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030; Công văn số 33-CV/BTGDV ngày 23/7/2025 của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy về việc đăng tải, tuyên truyền Dự thảo Báo cáo chính trị để lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, bắt đầu từ số báo này, Báo và phát thanh, truyền hình Quảng Trị xin lần lượt đăng tải nội dung của văn kiện. Các ý kiến tham gia đóng góp của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 xin gửi về địa chỉ Email: [email protected].

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị26/07/2025

XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH; PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN LỰC; ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, ĐƯA QUẢNG TRỊ PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG TRONG KỶ NGUYÊN MỚI

(Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030)

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 là sự kiện chính trị trọng đại, dấu mốc lịch sử quan trọng; được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, sâu rộng công cuộc đổi mới, tự tin tiến vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đại hội diễn ra sau khi hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị. Đại hội có nhiệm vụ quan trọng là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; quyết định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giai đoạn 2026 - 2030. Đại hội được tiến hành với phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển.

Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030

Phường Đông Hà, tỉnh Quảng Trị trên đà phát triển - Ảnh: A.Tuấn

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong điều kiện có những thuận lợi cơ bản. Đất nước giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; chính trị - xã hội ổn định; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế được nâng cao. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 được cụ thể hóa và triển khai hiệu quả; Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đoàn kết, đồng thuận cao. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; nguồn lực của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai,... đã tác động, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và đời sống Nhân dân.

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực quyết tâm cao, năng động, sáng tạo, hành động quyết liệt, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đạt thành tựu quan trọng.

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH NHIỆM KỲ 2020 - 2025

1. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

1.1. Công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức tiếp tục được chú trọng

Cấp ủy các cấp luôn kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Bản lĩnh chính trị, trình độ, đổi mới tư duy, năng lực lãnh đạo, hoạch định, sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên.

Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng được chú trọng, kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách thường xuyên. Đã có nhiều đổi mới trong tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng, ứng dụng phương thức truyền thông hiện đại, mang lại hiệu quả thiết thực. Chủ động nắm bắt, kịp thời xử lý thông tin và định hướng tư tưởng, dư luận, gắn với giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của Nhân dân, vấn đề phức tạp phát sinh, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng và đồng thuận xã hội. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt kết quả tích cực.

Cấp ủy các cấp coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, quy định về trách nhiệm nêu gương, về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có chiều sâu, tạo được sức lan tỏa trong toàn xã hội.

1.2. Công tác tổ chức xây dựng Đảng có nhiều đổi mới; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp đồng bộ, quyết liệt, tinh gọn

Các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ, khoa học, phù hợp thực tiễn. Triển khai kịp thời, chủ động, nghiêm túc, đúng quy định, bám sát các kết luận của Trung ương Đảng về kết thúc hoạt động các đảng đoàn, ban cán sự đảng, một số đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và đảng bộ cấp huyện; thực hiện hiệu quả chủ trương hợp nhất tỉnh, tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.

Công tác cán bộ được triển khai thực hiện theo đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai, minh bạch và có nhiều đổi mới, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Coi trọng kỷ cương, kỷ luật và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Thí điểm đổi mới một số khâu trong quy trình công tác cán bộ được cấp ủy các cấp tích cực triển khai. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng, đúng quy định và đạt nhiều kết quả.

Cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần hạn chế tình trạng làm việc cầm chừng, thiếu năng động, sáng tạo, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Công tác sắp xếp, kiện toàn, thành lập mới, củng cố tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được triển khai kịp thời, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ đạo triển khai thí điểm thực hiện một số nội dung mới về tổ chức đảng, đảng viên trước khi có hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh; thực hiện mô hình “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt”, tạo khí thế mới trong công tác xây dựng Đảng; tăng cường công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên; quan tâm chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Trong nhiệm kỳ, đã kết nạp 13.375 đảng viên mới, đạt 2,1%/năm; hằng năm, có trên 99% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trên 99% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

1.3. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, đạt kết quả tích cực

Các quy định, quy chế về kiểm tra, giám sát được các cấp ủy cụ thể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ. Nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm; qua kiểm tra, giám sát đã giúp các tổ chức đảng, đảng viên kịp thời khắc phục, chấn chỉnh được những hạn chế, khuyết điểm, ngăn ngừa vi phạm. Công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đã kịp thời kiểm tra, kết luận rõ và xử lý nghiêm minh những vụ việc khó, nhiều nội dung mới, phức tạp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Thi hành kỷ luật đảng kịp thời, cơ bản bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, dân chủ, khách quan. Công tác giải quyết đơn, thư thực hiện đúng quy định. Kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, giám sát được cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp chú trọng triển khai thực hiện.

Việc công khai kết luận kiểm tra, giám sát và kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện nền nếp, tạo được sự đồng tình, ủng hộ, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

1.4. Công tác nội chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai đồng bộ, hiệu quả

Cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gắn với xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và hiệu quả đạt được, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân; nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài được chỉ đạo giải quyết dứt điểm, ý kiến người dân được xem xét trả lời đúng quy định. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong khối Nội chính ngày càng đồng bộ, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh ngày càng hiệu quả; kịp thời đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo một số vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo phương châm “tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó”. Lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác rà soát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ sai phạm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

1.5. Công tác dân vận tập trung hướng về cơ sở, mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân ngày càng gắn bó mật thiết

Cấp ủy các cấp tăng cường vai trò lãnh đạo trong công tác dân vận; sự phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động Nhân dân tiếp tục được đổi mới thực chất, toàn diện, tập trung hướng về cơ sở; gắn công tác dân vận với thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm và mô hình “Mỗi xã, cơ quan, đơn vị giúp một bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Công tác dân vận chính quyền đã phát huy vai trò “chính quyền tổ chức thực hiện công tác dân vận”, gắn thực hiện công tác dân vận với chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực. Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo được quan tâm; chú trọng hỗ trợ các mô hình sinh kế, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ở các địa bàn; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân ngày càng thắt chặt.

(Còn tiếp)

Nguồn: https://baoquangtri.vn/tham-gia-dong-gop-y-kien-vao-du-thao-bao-cao-chinh-tri-trinh-dai-hoi-dang-bo-tinh-nhiem-ky-2025-2030-196237.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm