Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thách thức từ “chất và chuẩn”

"Chất và chuẩn" là 2 tiêu chuẩn rất quan trọng, nếu không muốn nói là có tính bắt buộc để được thị trường chấp nhận đối với mọi sản phẩm. Ðối với con tôm cũng vậy, bên cạnh yếu tố mẫu mã, chất lượng, giá thành, thì việc đạt các chứng nhận quốc tế trên sẽ mở ra cánh cửa rộng hơn để xâm nhập nhiều thị trường khó tính nhưng có sức tiêu thụ lớn, giá trị cao.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ04/07/2025

Chỉ có phát triển nuôi tôm quy mô trang trại lớn hoặc phải hợp tác giữa hộ nuôi nhỏ lẻ tôm nuôi mới có điều kiện đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Thách thức đang ở cấp cao

Bên cạnh câu chuyện về thuế tại thị trường Mỹ hay chuyện cạnh tranh với nguồn tôm giá rẻ các nước, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, ngành tôm còn phải đối mặt với các quy định về truy xuất nguồn gốc và chứng nhận quốc tế. Ðối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, theo ông Lực là đòi hỏi chung của tất cả thị trường, nhưng tình hình cấp mã số cơ sở nuôi tôm của chúng ta còn quá chậm, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc chứng minh, thuyết phục khách hàng về khả năng kiểm soát nguyên liệu của mình.

Ðơn cử như thị trường EU (tính cả Vương Quốc Anh), mặc dù chúng ta có nhiều lợi thế về: ưu đãi thuế quan (thông qua các hiệp định thương mại tự do), về trình độ chế biến sâu đạt chuẩn cao của thế giới, về giá tiêu thụ… nhưng mức độ tăng trưởng ở thị trường này trong những năm gần đây không như mong muốn, mà một trong những nguyên nhân là do sản lượng tôm Việt Nam được cấp chứng nhận ASC chưa nhiều. Riêng đối với phân khúc cao cấp hiện hầu hết các thị trường đều chấp nhận có tiêu chuẩn ASC được, nên chỉ có vùng nuôi tôm đạt chuẩn ASC mới thâm nhập phân khúc này một cách thuận lợi. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm đạt chuẩn ASC cả nước hiện rất thấp, mà một trong những nguyên nhân chính là phần lớn hộ nuôi nhỏ lẻ nên khó theo đuổi chuẩn nuôi ASC do chi phí đánh giá sẽ làm tăng chi phí không nhỏ.

Ðối với thị trường tôm lớn như EU, các hệ thống phân phối lớn ở đây yêu cầu kiểm tra chất lượng tôm theo chuỗi giá trị. Trong đó, cơ sở cung ứng tôm giống và thức ăn phải đạt chuẩn như ASC, BAP, ISO... Bên cạnh đó, từ năm 2026, có thể EU sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) mở rộng sang thủy sản. Ðiều này có nghĩa sản phẩm tôm vào châu Âu muốn được hưởng các ưu đãi thuế quan sẽ phải đáp ứng tiêu chí phát thải carbon trong toàn bộ chuỗi giá trị và không gây hại hệ sinh thái. Còn thị trường tôm lớn thứ hai là Nhật Bản hiện vẫn duy trì kiểm tra toàn bộ lô hàng tôm từ Việt Nam với nhiều tiêu chí dư lượng khắt khe. Ngoài ra, Nhật Bản cũng bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn phúc lợi động vật, yêu cầu quy trình nuôi không gây căng thẳng cho thủy sản.

Ðối với thị trường Hoa Kỳ, tuy có dễ tính hơn nhưng lại là nơi hội tụ tôm từ nhiều nguồn tôm rẻ trên thế giới, nhất là Ấn Ðộ, Ecuador và Indonesia khiến việc tiêu thụ tôm Việt Nam vào đây bị hạn chế do phải cạnh tranh về giá. Còn thị trường Canada coi trọng hậu kiểm, tức họ kiểm hàng doanh nghiệp nào đó trên kệ trong siêu thị, nếu không đạt, hàng của doanh nghiệp đó đang lưu hành ở Canada sẽ bị triệu hồi, trả về Việt Nam khiến rủi ro không còn ở từng lô hàng mà cho toàn bộ hàng đang tiêu thụ. Riêng 2 thị trường mới khá lớn là Hàn Quốc và Úc thì tập trung kiểm tra bệnh tôm, mà bệnh tôm khá phổ biến ở ÐBSCL nên cũng rất khó cho doanh nghiệp.

Ðể con tôm vượt thách thức

Trước tình hình này, theo các doanh nghiệp, toàn ngành phải nỗ lực đẩy nhanh hơn các chương trình hành động, mang tính đồng bộ, thiết thực và có tác dụng cụ thể, như tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn các chế phẩm không được sử dụng trong nuôi tôm, nhất là các kháng sinh cấm một cách quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ và duy trì dài hạn. Quy hoạch lại vùng nuôi và đầu tư cơ sở hạ tầng; tổ chức lại sản xuất nuôi tôm quy mô trang trại, hợp tác xã đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường để sản phẩm có thể tiêu thụ ở các hệ thống lớn, giá tốt, tạo nền tảng đột phá cho chất lương, uy tín, thương hiệu tôm Việt Nam. Ông Lực cho biết thêm: "Về lâu dài, lợi thế chế biến sẽ không còn vì các nước hiện cũng đang đầu tư cho chế biến rất nhiều, nên ngành tôm cần có giải pháp khả thi trong việc giảm giá thành sản xuất để tăng thêm tính cạnh tranh.

Thách thức đối với ngành tôm là rõ ràng và đang ở mức cao nhất, nên để vượt qua những thách thức này con tôm Việt Nam trước hết cần phải sạch, có chứng nhận quốc tế và dễ truy xuất nguồn gốc. Hay nói cách khác, chỉ khi nào chúng ta cải thiện được giá thành tôm nuôi, kiểm soát chặt chẽ dư lượng chất cấm, tăng cường cấp mã số cơ sở nuôi, tăng nhanh diện tích nuôi đạt chuẩn quốc tế (ASC, BAP…) thì thị phần tôm Việt tại những thị trường lớn mới được gia tăng, vị thế ngành tôm mới ngày càng lớn mạnh.

Muốn làm được điều này, cần kiểm soát tốt các chế phẩm đầu vào nuôi tôm; có chương trình xây dựng hợp tác, hình thành trang trại lớn, chuẩn mực để dễ truy xuất nguồn gốc, dễ thực hành và đạt các chứng nhận quốc tế để thuyết phục hệ thống tiêu thụ cao cấp chấp nhận giá cao. Khi diện tích nuôi đạt chuẩn ASC đạt hàng trăm ngàn héc-ta, chắc chắn tôm Việt sẽ chiếm lĩnh phân khúc thị phần tôm cao cấp ở tại các thị trường, góp phần đáng kể cho việc hoàn thành mục tiêu nâng tầm tôm Việt.

Chất và chuẩn thời nào cũng cần, cũng có giá trị riêng của nó và mỗi thị trường đều có một yêu cầu khác nhau về chất và chuẩn. Ðó là tính tất yếu của thị trường nên không có gì phải bàn cãi, mà điều đáng nói ở đây chính là con đường từ chất đến chuẩn là một hành trình không chỉ đòi hỏi ở sự quyết tâm, kiên trì, mà còn cả sự thay đổi tư duy, nhận thức để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bởi chỉ có tư duy kinh tế nông nghiệp mới giúp người nông dân và cả nhà quản lý nhận ra giá trị to lớn của chất và chuẩn để từ đó có những điều chỉnh trong thực hành sản xuất tốt, sản phẩm làm ra có chứng nhận đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ

Nguồn: https://baocantho.com.vn/thach-thuc-tu-chat-va-chuan--a188116.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm