
Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, hàng chục phương tiện cơ giới và lực lượng công nhân tranh thủ tối đa thời gian để tăng tốc triển khai công trình được xác định là hạ tầng kỹ thuật cấp bách.
Vượt khó thi công
Theo ghi nhận, những ngày giữa tháng 6 đầu tháng 7, tại công trường xây dựng hộc rác số 7, tiếng xe tải, xe ben, máy xúc hoạt động rộn ràng từ sáng sớm đến chiều muộn. Đoàn xe chở đất đá liên tục ra vào công trường, nối đuôi nhau đổ đất, san gạt, lu nền.
Dưới nền đất rộng hàng nghìn mét vuông, các tổ, đội thi công làm việc hối hả trong nắng nóng và mùi hôi bốc lên từ các hộc rác lân cận.
Ông Phùng Văn Ngọc, phụ trách kỹ thuật của nhà thầu, Liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Kỹ thuật Seen - Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP (nhà thầu thi công dự án) cho biết: "Chúng tôi huy động 15 xe đào đất, 30-40 xe ben và bố trí khoảng 50 công nhân làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, anh em trên công trường làm gần như không có thời gian nghỉ. Tăng ca ban đêm, làm xuyên cả ngày Chủ nhật, tất cả đều chung một quyết tâm bám sát tiến độ, đẩy nhanh khối lượng thi công.
Làm ở đây cực lắm, vừa nắng gắt vừa ám mùi rác nhưng ai cũng xác định đây là công trình môi trường cấp thiết của thành phố nên phải cố gắng hết sức. Nếu làm xong sớm thì thành phố càng sớm giải tỏa nỗi lo về rác thải”.
Công trình hộc rác số 7 do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án; được khởi công từ tháng 4/2025, với tổng mức đầu tư hơn 225 tỷ đồng; trong đó gói thầu xây lắp 94,9 tỷ đồng.
Đây là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp đặc biệt, có công suất thiết kế hơn 900.000m3, tương đương khoảng 648.000 tấn rác thải rắn.
Ông Triệu Trân Hy, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng thông tin: “Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 44% khối lượng đào đất đá, tương đương 150.000m3/340.000m3.
Chúng tôi đang đẩy nhanh thi công các hạng mục như hộc rác, đường giao thông phía tây, hệ thống thu gom nước rỉ rác, trạm bơm, phòng cháy chữa cháy và các công trình phụ trợ...
Mục tiêu là hoàn tất phần đào hộc trong tháng 9 để tránh mưa lớn, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật vào cuối năm 2025 và đưa vào vận hành trong quý 1/2026”.
Cấp bách vì rác thải đã quá tải
Theo Trung tâm Quan trắc và Quản lý hạ tầng tài nguyên, môi trường và nông nghiệp Đà Nẵng, đơn vị quản lý, vận hành bãi rác Khánh Sơn (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng), mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận khoảng 1.400 tấn rác sinh hoạt.
Hầu hết các hộc rác từ số 1 đến số 6 cơ bản đã đầy, một số hộc gần như không còn khả năng tiếp nhận.
Trước áp lực này, trong khi hộc rác số 7 đang được gấp rút thi công, các đơn vị đồng thời thực hiện giải pháp tình thế là đắp bù rác vào các khu vực sụt lún của hộc rác từ số 1 đến số 6 để kéo dài thời gian chôn lấp rác.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Bởi dự án Nhà máy xử lý rác kết hợp phát điện công suất 1.000 tấn/ngày đêm được kỳ vọng là lời giải căn cơ cho bài toán rác thải đô thị, đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Điều này khiến thành phố buộc phải tập trung cho phương án trung gian là hoàn thiện hộc rác số 7 để tránh nguy cơ quá tải cục bộ tại bãi rác Khánh Sơn.
Theo ông Triệu Trân Hy, việc thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hộc rác số 7 là yêu cầu cấp bách để duy trì hoạt động tiếp nhận và xử lý rác.
Vì vậy, đây không chỉ là một công trình xây dựng thông thường, mà còn là "phao cứu sinh" cho hệ thống quản lý rác thải đô thị trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp tạm thời và bài toán dài hạn
Theo ông Ngô Lê Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - Chi nhánh miền Trung, việc chôn lấp rác không còn là xu hướng phù hợp trong dài hạn, nhất là với một đô thị lớn như Đà Nẵng đang hướng tới mục tiêu trở thành “thành phố môi trường". Giải pháp căn cơ phải là đầu tư vào công nghệ xử lý rác hiện đại, ví dụ như đốt rác phát điện, phân loại rác tái chế để vừa giảm thể tích rác, vừa tận dụng tài nguyên từ rác.
Trên thực tế, thành phố Đà Nẵng đã chủ trương kêu gọi đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày, theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.777 tỷ đồng, dự kiến áp dụng hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), với thời gian vận hành 25 năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, nhà máy này không chỉ xử lý hiệu quả khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, mà còn có khả năng phát điện với công suất lên tới 20MW.
Đây được xem là hướng đi bền vững, bảo đảm an ninh môi trường trong dài hạn, đồng thời giúp thành phố đáp ứng các tiêu chí phát triển xanh - sạch - tuần hoàn tài nguyên.
Việc triển khai đồng thời cả hộc rác số 7 và dự án nhà máy xử lý rác công nghệ cao thể hiện quyết tâm lớn của thành phố Đà Nẵng khi đối mặt với bài toán môi trường đô thị.
Trong bối cảnh lượng rác ngày càng tăng, quỹ đất chôn lấp ngày càng hạn hẹp và người dân ngày càng quan tâm đến chất lượng sống, thì đầu tư cho hạ tầng xử lý chất thải không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là chiến lược phát triển bền vững của địa phương.
Nguồn: https://baodanang.vn/tang-toc-thi-cong-o-bai-rac-khanh-son-3296966.html
Bình luận (0)