Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Senegal mong muốn đẩy mạnh hợp tác đa lĩnh vực với Việt Nam, từ nghị viện, thương mại đến chuyển đổi số

Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Cộng hòa Senegal, ông Samba Dang, Phó Chủ tịch thứ 7 của Quốc hội Senegal, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại châu Phi về ý nghĩa chuyến thăm, triển vọng quan hệ song phương, cũng như vai trò cầu nối khu vực của hai nước trong thúc đẩy hợp tác Nam - Nam.

Báo Tin TứcBáo Tin Tức21/07/2025

Chú thích ảnh

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn: 

Thưa Ngài Phó Chủ tịch, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn được coi là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Ngài đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm này đối với quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam và Senegal?

Trước hết, thay mặt Chủ tịch Quốc hội Senegal và với tư cách là đại biểu nhân dân tại cơ quan lập pháp, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Thông tấn xã Việt Nam đã cho tôi cơ hội chia sẻ về mối quan hệ gắn bó và hiệu quả giữa hai quốc gia thân thiết của chúng ta.

Senegal và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử và văn hóa sâu sắc – được xây dựng trên nền tảng của những cuộc đấu tranh chung, tinh thần sẻ chia, tình hữu nghị và sự đoàn kết. Hai quốc gia chúng ta cùng có chung di sản thuộc địa, cùng sử dụng tiếng Pháp và đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), trong đó Senegal là một thành viên sáng lập. Đặc biệt, mối quan hệ giữa hai nước còn được gắn kết bởi những mối quan hệ huyết thống: một số người dân Senegal có gốc gác Việt Nam, phản ánh yếu tố con người và tình anh em trong quan hệ song phương. Cũng cần nhấn mạnh đến sự hiện diện ngày càng rõ nét của môn võ cổ truyền Việt Nam – Việt Võ Đạo – trong đời sống thể thao của Senegal.

Về mặt kinh tế, hai nước đã tăng cường hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Chỉ riêng trong năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Senegal và Việt Nam đã tăng 52,4% so với năm 2022. Xu hướng tích cực này phản ánh rõ nét mức độ gắn bó ngày càng cao trong quan hệ kinh tế và khát vọng của cả hai nước nhằm chuyển hướng chiến lược trong quan hệ song phương – hướng đến thịnh vượng chung cho nhân dân hai nước.

Về mặt ngoại giao, chuyến thăm này có ý nghĩa đặc biệt trong việc tái định hình quan hệ song phương. Trên trường quốc tế, ngoài OIF, cả hai nước đều là thành viên của Phong trào Không liên kết (NAM) và Nhóm G77 – cho thấy sự tương đồng trong các lập trường ngoại giao. Trở lại với chuyến thăm quan trọng lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Ngài Trần Thanh Mẫn – chuyến thăm mang dấu ấn của ngoại giao nghị viện. Quốc hội của hai nước chính là cầu nối giữa nhân dân hai dân tộc. Việc củng cố quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp là nền tảng cho một cuộc đối thoại thường xuyên và có tính hệ thống giữa hai quốc gia. Chúng tôi đặc biệt hoan nghênh sáng kiến thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Senegal, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương thông qua trao đổi đoàn, duy trì tiếp xúc cấp cao, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và phối hợp tại các diễn đàn đa phương.

Trong bối cảnh cả Senegal và Việt Nam đều đang có nhiều bước phát triển tích cực về chính trị - kinh tế, theo Ngài, đâu là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng mà hai bên có thể thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới, như thương mại, nông nghiệp, giáo dục hay chuyển đổi số ?

Tầm quan trọng chiến lược của hợp tác giữa hai nước trước hết có thể thấy qua sự phát triển trong thương mại song phương. Trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đã đạt 43,43 triệu USD – gần bằng cả năm 2024 với 43,91 triệu USD. Ngoài ra, Senegal phụ thuộc vào Việt Nam để đáp ứng 10% nhu cầu tiêu thụ gạo – mặt hàng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal. Ngược lại, Senegal xuất khẩu chủ yếu là điều thô (chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam), bột cá, hải sản và các loại hạt. Những con số này là minh chứng tiêu biểu cho một mô hình hợp tác Nam - Nam điển hình, dựa trên nền tảng thịnh vượng chung.

Việc xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác hiện nay của Senegal được gắn với chiến lược phát triển quốc gia “Tầm nhìn Senegal 2050”. Đất nước chúng tôi đang xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh với 4 trụ cột tăng trưởng: công nghiệp khai khoáng (dầu khí, hóa dầu, phốt phát, vật liệu xây dựng, sắt và luyện kim), công nghiệp chế biến nông sản (lạc và dầu, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, muối, rau quả), công nghiệp chế tạo (hóa dược, da giày, dệt may, lắp ráp, tái chế) và các loại dịch vụ giá trị gia tăng (công nghệ số, du lịch, công nghiệp văn hóa - sáng tạo). Đây đều là những lĩnh vực mà chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.

Trong lĩnh vực số hóa, Senegal đang triển khai chiến lược “New deal technologique” với mục tiêu biến Senegal thành trung tâm kỹ thuật số của khu vực, dựa trên 4 trụ cột: chủ quyền số (hạ tầng, công nghệ, nhân lực, an toàn và khả năng chống chịu), số hóa dịch vụ công, phát triển kinh tế số và khẳng định vai trò lãnh đạo tại châu Phi – trở thành mảnh đất cho các doanh nghiệp công nghệ số quốc gia phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, một cuộc gặp song phương giữa hai Bộ trưởng phụ trách công nghệ là điều chúng tôi đánh giá cao để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực số.

Hợp tác trong nghiên cứu nông nghiệp với Việt Nam có ý nghĩa chiến lược đối với Senegal. Chúng tôi đang tích cực xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới sáng tạo năng động, đặc biệt trong nông nghiệp (chất lượng đất, phân bón, kỹ thuật canh tác...) nhằm tăng năng suất, cải thiện sản lượng và hướng tới tự chủ lương thực. Do đó, chúng tôi rất hoan nghênh dự án hợp tác khoa học giữa Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Senegal (ISRA).

Senegal đặc biệt coi trọng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Cần nhấn mạnh rằng dân số Senegal rất trẻ, với 75% dưới 35 tuổi, 41% dưới 14 tuổi và độ tuổi trung vị là 19 tuổi. Vì vậy, đào tạo con người – nguồn tài sản quý giá nhất – là trụ cột trong tầm nhìn xây dựng một Senegal có chủ quyền, công bằng và thịnh vượng. Do đó, phát triển hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề với Việt Nam nằm trong các ưu tiên của chúng tôi.

Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh đến mô hình phát triển mới của chúng tôi: Senegal đang hướng tới mô hình phát triển các cực lãnh thổ bền vững và cạnh tranh. Do đó, chúng tôi hoan nghênh dự án kết nghĩa giữa thành phố Ziguinchor (cực phía Nam) và thành phố Cần Thơ của Việt Nam.

Xét trên tất cả các ưu tiên chiến lược này, Senegal đánh giá cao việc ký kết các biên bản ghi nhớ giữa các bộ, ngành hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và vận tải. Với tư cách là nghị sĩ, tôi đặc biệt hoan nghênh dự thảo thỏa thuận giữa hai Quốc hội, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, đồng thời duy trì kênh đối thoại bền vững giữa hai dân tộc.

Senegal là một cửa ngõ quan trọng vào thị trường Tây Phi, trong khi Việt Nam giữ vai trò tích cực trong Cộng đồng ASEAN. Ngài có cho rằng hai nước có thể tăng cường vai trò kết nối khu vực cho nhau, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác Nam - Nam một cách thiết thực và hiệu quả hơn không?

Senegal nhận thức rõ tầm quan trọng của ASEAN – một cộng đồng kinh tế năng động, với thị trường hơn 650 triệu dân và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Vai trò tích cực của Việt Nam – nền kinh tế năng động nhất trong ASEAN – khiến Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của Senegal trong việc tiếp cận thị trường châu Á và thu hút đầu tư từ khối này vào nền kinh tế chúng tôi.

Về phần mình, Senegal là một trung tâm ngoại giao và kinh tế của Tây Phi. Nhờ vị trí địa lý chiến lược, Senegal là một trong số ít quốc gia có cửa ngõ mở ra cả 3 châu lục: châu Mỹ, châu Âu và một phần châu Á – lợi thế lớn trong hợp tác quốc tế.

Senegal – đất nước của lòng hiếu khách – duy trì quan hệ hữu nghị với hầu hết các quốc gia châu Phi và được biết đến nhờ sự ổn định chính trị, hòa bình và gắn kết xã hội. Những yếu tố này rất quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi – được củng cố nhờ các cải cách trong Bộ luật Hải quan, Bộ luật Thuế và Bộ luật Đầu tư.

Các thế mạnh này được hỗ trợ bởi một hiệp ước quốc gia mang tên “Jub, Jubal, Jubbanti”, đề cao tính minh bạch và chống tham nhũng.

Cuối cùng, với vai trò hàng đầu trong các tổ chức khu vực như Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Senegal là cửa ngõ chiến lược cho Việt Nam và các nước ASEAN tiếp cận thị trường Tây Phi – nơi có dân số trẻ, nhiều tài nguyên, tiềm năng kinh tế lớn và là một trung tâm của hợp tác Nam - Nam trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn Ngài!

Trung Khánh  (TTXVN)

Nguồn:https://baotintuc.vn/thoi-su/senegal-mong-muon-day-manh-hop-tac-da-linh-vuc-voi-viet-nam-tu-nghi-vien-thuong-mai-den-chuyen-doi-so-20250721095748772.htm




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm