Đầu tháng 7 vừa qua, sau nhiều tuần cân nhắc, chị Trần Mỹ Hạnh (40 tuổi, phường Lĩnh Nam, Hà Nội) đã chuẩn bị sẵn vali, đóng gần 6 triệu tiền phí để cho con trai lớp 4 tham gi chương trình trại hè học kỹ năng sống, về với thiên nhiên kéo dài 5 ngày tại ngoại ô Hà Nội.
Mọi thứ tưởng chừng đã đâu vào đấy, chưng chỉ vài ngày trước lịch khởi hành, chị quyết định huỷ.
"Hôm đó, tôi lướt điện thoại thì thấy những hình ảnh về trại hè Làng Háo Hức: trẻ bị muỗi đốt, chỗ ngủ tạm bợ, nhà vệ sinh nhếch nhác, có em bị thương nhưng không ai phát hiện… tự nhiên tôi sững lại. Tôi nghĩ ngay đến con. Nó nhạy cảm, hơi yếu bụng, lại lần đầu xa nhà, nếu có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm?”, nữ phụ huynh nói.
Chị Hạnh lập tức quay lại website của đơn vị tổ chức để kiểm tra kỹ thông tin. Dù nội dung truyền thông được trình bày bắt mắt, đầy hứa hẹn về kết quả sau khóa trại, nhưng chị nhanh chóng nhận ra những lỗ hổng đáng lo: không thấy tên người phụ trách chính thức, không thông tin về đội ngũ y tế đi kèm, cũng không nêu rõ quy trình xử lý khi trẻ bị ốm, gặp tai nạn hay có vấn đề khẩn cấp trong thời gian tham gia.

Sau những phản ánh liên quan đến Làng Háo Hức, nhiều phụ huynh trở nên thận trọng khi đăng ký trại hè cho con. (Ảnh: Làng Háo Hức)
"Trước đây, tôi bị thuyết phục bởi những lời giới thiệu mùi mẫn "giúp trẻ vượt qua giới hạn bản thân, sống bản lĩnh giữa thiên nhiên, học kỹ năng sống như người lớn"… nhưng sau vụ việc ở trại hè Làng Háo Hức, tôi thận trọng hơn. Con tôi không cần mạnh mẽ sau 5 ngày, nó cần được chăm sóc và an toàn trước đã", chị Hạnh nói.
Ngay sau đó, chị liên hệ với đơn vị tổ chức để xin rút hồ sơ đăng ký. Dù phải chấp nhận mất một nửa chi phí đã đóng, chị không thấy tiếc, thay vào đó là cảm giác nhẹ người và an tâm hơn, "không đánh cược con vào nơi bản thân chưa hiểu rõ".
Nhiều năm qua, vào mỗi kỳ nghỉ hè, chị Dương Bích Lụa (37 tuổi, phường Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều cho con gái lớp 5 tham gia chương trình trại hè ngắn ngày. Không phải vì con tha thiết muốn đi, mà bởi hai vợ chồng đều làm hành chính, không ai trông con. Những chương trình kéo dài 5-7 ngày được chị Lụa coi là giải pháp hai trong một - con được vui chơi, còn bố mẹ yên tâm công tác.
Nữ phụ huynh kể, con gái chưa từng phàn nàn gì sau mỗi chuyến đi. Bé về nhà chỉ kể lại vài trò chơi, hoạt động ngoài trời với bố mẹ rồi nhanh chóng trở lại với nhịp sinh hoạt thường ngày. Không có dấu hiệu nào bất thường, càng không có lời than phiền khiến chị Lụa hoàn toàn tin tưởng và đều đặn ghi danh mỗi năm như một việc hiển nhiên.
Thế nhưng năm nay, tất cả thay đổi. Giống như đa số phụ huynh khác, sau hàng loạt phản ánh về trại hè Làng Háo Hức, chị Lụa hoang mang. Những gì trước kia chị cho là an toàn giờ lại trở thành nỗi bất an lớn nhất.
"Con tôi trước giờ ít nói, có khi từng bị gì đó mà không kể. Sau vụ Làng Háo Hức, tôi giật mình nếu con mình rơi vào tình huống đó thì sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có chuyện chẳng lành?", chị Lụa lo lắng.
Con nghỉ hè dài ngày, hai vợ chồng chị Lụa đều bận rộn, không ông bà hỗ trợ, cho đến lớp học thêm thì con chán nản, không tập trung. Cuối cùng không còn lựa chọn nào khả dĩ, chị đành để con ở nhà. Hết ngày này đến ngày khác, cô bé chỉ quanh quẩn giữa bốn bức tường với chiếc iPad làm bạn.
"Để con ở nhà ít nhất tôi còn biết con đang ở đâu, ăn gì, có an toàn không, chứ giờ cho đi trại hè, lỡ có chuyện gì xảy ra thì ân hận cũng muộn rồi", nữ phụ huynh cho hay.

Nhiều phụ huynh hối hận khi cho con đi trại hè. (Ảnh: Làng Háo Hức)
Theo ThS. Vũ Thị Vân, hiện công tác tại một Trung tâm tham vấn tâm lý ở Hà Nội, sau loạt sự cố liên quan đến các trại hè gần đây, nhiều phụ huynh bắt đầu cẩn trọng hơn. Họ nhận ra rằng niềm tin không thể trao dễ dãi, đặc biệt khi người gánh chịu rủi ro trực tiếp lại chính là những đứa trẻ.
"Vết côn trùng cắn có thể bôi thuốc rồi khỏi, vết trầy xước cũng sẽ lành theo thời gian, nhưng những tổn thương tinh thần khi trẻ bị bỏ mặc, không được lắng nghe, không được bảo vệ thì có thể hằn sâu trong tâm trí, để lại hệ quả lâu dài", bà Vân nhấn mạnh.
Theo bà, phụ huynh cần hiểu rằng chọn trại hè không đơn thuần là chọn một địa điểm đẹp hay bảng giá hợp lý, mà là chọn một đơn vị đồng hành đáng tin cậy cho con.
Trong bối cảnh chưa có hệ thống kiểm định chặt chẽ cho các hoạt động trại hè tại Việt Nam, sự tỉnh táo, chủ động và khắt khe của phụ huynh chính là lớp bảo vệ đầu tiên và quan trọng nhất. Bà Vân khuyến nghị, trước khi quyết định cho con tham gia bất kỳ trại hè nào, phụ huynh cần yêu cầu đơn vị tổ chức cung cấp đầy đủ thông tin: từ người phụ trách chuyên môn, đội ngũ giám sát, đến kế hoạch ăn ở, lịch trình sinh hoạt, phương án y tế và cách xử lý khi xảy ra sự cố.
“Một trại hè tử tế sẽ không ngại minh bạch. Đây không chỉ là nơi gửi gắm con trong vài ngày nghỉ hè, mà phải là không gian giúp trẻ phát triển cảm xúc, hình thành nhân cách. Trẻ cần được chăm sóc bằng sự trách nhiệm và chân thành, chứ không phải trở thành đối tượng trong những chương trình được dựng lên chỉ để truyền thông", nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Vụ việc tại trại hè của Làng Háo Hức gây xôn xao trên các nền tảng mạng xã hội khi một phụ huynh đăng tải bài viết thể hiện sự buồn bực sau khi cho con trai 10 tuổi tham gia trại hè 8 ngày, 7 đêm tại Làng Háo Hức (Thái Nguyên).
Vị phụ huynh này cho biết, con gặp nhiều vấn đề sức khỏe da liễu như mẩn ngứa, viêm da, đồng thời tiết lộ con trai bị ảnh hưởng tâm lý do bạn bắt nạt. Nhiều phụ huynh khác cũng đồng loạt lên tiếng sau bài đăng của chị L., chia sẻ khi con trở về nhà, có dấu hiệu bị côn trùng cắn với lưng nổi sần, mặt xuất hiện các vết sưng đỏ. Số khác phản ánh tình trạng cơ sở vật chất và điều kiện vệ sinh tại trại rất kém: nhà vệ sinh không sạch sẽ, bể bơi có bọ gậy, nhiều muỗi, màn bị thủng, chỗ ngủ không đệm, chăn mỏng không đủ dùng.
Nguồn: https://vtcnews.vn/sau-vu-trai-he-lang-hao-huc-nhieu-phu-huynh-giat-minh-tung-giao-trung-cho-ac-ar953652.html
Bình luận (0)