Chùa Thiên Mụ từ góc nhìn trên cao |
Thêm cơ hội khám phá nét độc đáo
Trong không gian thanh tịnh của một ngôi chùa xứ Huế, tiếng chuông ngân vang bên khói hương trầm lan tỏa, khách được các sư ở chùa hướng dẫn tham gia thiền định. Sau khi học cách tĩnh tâm, khách được mời thưởng thức trà, giúp tâm hồn lắng đọng. Khoảnh khắc ấy, những âu lo mệt mỏi của khách đều trở nên nhẹ bẫng. Một vị khách nói ngắn gọn: “Hành trình đầy chánh niệm giữa lòng Cố đô thật tuyệt”.
Anh Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty TNHH Kết nối Huế (Connect Travel) chia sẻ, tour “thiền trà” mang lại cho du khách những cảm nhận mới trong chuyến hành trình đến Huế. Tại chùa Đức Sơn phường Thủy Xuân, khách được thưởng trà, tập ngồi thiền, nghe quý sư chia sẻ và thăm, trò chuyện với các em nhỏ mồ côi. Từ những chuyến đi ấy, nhiều du khách chia sẻ cảm nhận được những giá trị văn hóa tâm linh và cảm giác được chữa lành một cách sâu sắc.
Du lịch văn hóa tâm linh đang được xem là một trong những sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn lớn với du khách trong và ngoài nước. Huế có nhiều cơ sở tôn giáo và di tích tâm linh đa dạng, bao gồm chùa, nhà thờ, đình, đền, miếu... Sự đa dạng này tạo nên một môi trường thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
Chỉ nói riêng lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hàng năm tại Trung tâm Du lịch tâm linh Phật giáo Quán Thế Âm, núi Tứ Tượng phường Thủy Xuân. Lễ hội không chỉ thu hút đông đảo người hành hương, chiêm bái mà còn có rất đông du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những người quan tâm đến văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Hay, lễ hội điện Huệ Nam hằng năm luôn thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu với hàng vạn lượt người từ khắp nơi về Huế tham dự.
Theo đại diện Hội Lữ hành TP. Huế, Huế có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, trong đó có khoảng 100 ngôi cổ tự. Nét kiến trúc cổ kính của ngôi chùa hầu như vẫn giữ nguyên, chứa đựng những giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử của vùng đất Cố đô. Điều tuyệt vời này đã thôi thúc khách hành hương, tham quan, chiêm bái đến từ nhiều địa phương khác trong cả nước về Huế. Nhìn vào chùa Thiên Mụ để thấy, không chỉ ngày rằm, mùng 1 âm lịch, mà dường như các ngày trong tháng đều có đông khách thập phương đến đây.
Một điểm nhấn khác là ẩm thực chay ở Huế. Đây là một trong những dòng ẩm thực đặc sắc, vừa giàu giá trị dinh dưỡng đồng thời cũng mang lại những giá trị tâm linh. Nhiều vị khách đến Huế du lịch không quên tìm đến các nhà hàng, quán chay để trải nghiệm. Với họ, đó không chỉ là cách thưởng thức ẩm thực xứ Huế mà còn là cơ hội cảm nhận nét văn hóa tâm linh ở mảnh đất miền Hương Ngự.
Thúc đẩy du lịch văn hóa tâm linh
Dù có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng lâu nay, các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại Huế chưa nhiều. Bên cạnh nỗi lo làm sao phát triển du lịch văn hóa tâm linh không gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, môi trường, tính thiêng liêng của các địa điểm tâm linh thì sự phối hợp giữa các đơn vị và doanh nghiệp lữ hành, việc đầu tư nghiên cứu xây dựng sản phẩm vẫn còn những hạn chế.
Với mong muốn thúc đẩy du lịch, năm 2024, đại diện lãnh đạo UBND thành phố cùng các sở, ban, ngành đã có buổi làm việc với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố về xây dựng, phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với các cơ sở Phật giáo trên địa bàn. Tại buổi làm việc đó, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để thúc đẩy loại hình du lịch tâm linh phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, cần có cơ chế phối hợp nhất quán giữa các sở, ngành, địa phương, đơn vị với các cơ sở tâm linh và các đơn vị lữ hành. Qua đó, cần đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm quảng bá sâu rộng, chuyên nghiệp đối với loại hình du lịch này đến với khách du lịch trong và ngoài nước.
Một hướng đi thể hiện quyết tâm hơn là mới đây, UBND TP. Huế cũng đã ban hành kế hoạch về việc “Phát triển du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Phật giáo trên địa bàn thành phố Huế” giai đoạn 2025 - 2030. Bên cạnh việc đưa ra các mục tiêu cụ thể gồm: Tổng hợp, đánh giá tiềm năng và thực trạng khai thác sản phẩm du lịch tâm linh tại TP. Huế; khảo sát sản phẩm, đánh giá dịch vụ du lịch gắn với cơ sở Phật giáo để đưa ra giải pháp đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch khai thác sản phẩm này trên địa bàn. Kế hoạch cũng xây dựng, định hướng một số chương trình du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Phật giáo trên địa bàn để đưa vào khai thác sử dụng, phát triển hài hòa theo hướng bền vững. Đồng thời, khuyến khích một số doanh nghiệp và cá nhân đầu tư các loại hình dịch vụ du lịch vào sản phẩm này.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chiến lược phát triển du lịch của thành phố định hướng sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch mà Huế có thế mạnh, phù hợp với thị trường để khai thác tốt các tiềm năng, tài nguyên du lịch của địa phương. Trong đó, ngành du lịch sẽ cùng với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh một cách phù hợp, bài bản để khai thác được chiều sâu của văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và mang lại những trải nghiệm cho khách.
Nguồn: https://huengaynay.vn/du-lich/phat-trien-du-lich-van-hoa-tam-linh-155274.html
Bình luận (0)