Điện ảnh Vĩnh Long gắn bó với quá trình xây dựng và phát triển của ngành truyền hình. Với từ 10-15 bộ phim được sản xuất mỗi năm, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân miền Tây Nam Bộ được phản ánh đậm nét. Những bộ phim là phương tiện truyền tải, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó góp phần tôn vinh văn hóa và xây dựng nền văn hóa dân tộc trong đời sống hiện đại.
“Thế giới cổ tích” phát sóng trên THVL góp phần phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Ảnh: Trang thvlphim |
Tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam
Chi hội Điện ảnh tỉnh Vĩnh Long được thành lập sau khi ngành truyền hình ra đời và phát triển mạnh trong thập niên những năm 2000. Trước đó, vào những năm 1980-1990, hoạt động điện ảnh ở Vĩnh Long chủ yếu tập trung vào việc chiếu phim phục vụ nhu cầu của quần chúng Nhân dân. Lúc đó, hệ thống chiếu phim bao gồm 3 rạp chiếu phim là Lê Thanh, Vũ Đông, và một rạp khác đóng tại địa điểm bây giờ là khu nhà hành chính Bảo tàng tỉnh.
Ngoài ra, có hàng chục đội chiếu phim lưu động, thường xuyên chiếu phim phục vụ bà con trong tỉnh, mà người dân gọi là đi “xem phim bãi”. Những cuộc chiếu phim bãi này thu hút được đông đảo người xem, con số có khi lên đến vài trăm người.
Sau năm 1990, hoạt động chiếu phim rạp, phim bãi dần bị đình trệ rồi mất dần do khuynh hướng phim video gia đình lên ngôi. Đến năm 1992, Đài Truyền hình tỉnh được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lớn trong hoạt động điện ảnh ở Vĩnh Long.
Từ giữa những năm 2010 cho đến nay, ngành điện ảnh đã có bước đột phá, đạt được những thành tựu nổi bật. Từ những thể loại cơ bản ban đầu của báo chí là tin tức và phóng sự, theo thời gian, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL) phát triển lên những thể loại có tầm mức chuyên môn cao hơn là ký sự và phim tài liệu.
Sau đó, khi nền tảng kỹ thuật bắt đầu phát triển mạnh, để đáp ứng nhu cầu phát sóng, THVL dần lấn sân sang một lĩnh vực khó khăn hơn nhiều là sản xuất các chương trình giải trí, trong đó có thể loại phim truyện. Theo Chi hội Điện ảnh tỉnh, phim truyện của THVL được đánh giá là đặc sắc với chỉ số người xem rất cao, không chỉ tại địa phương hay vùng ĐBSCL, mà còn ở nhiều địa bàn xa xôi khác trên cả nước.
Ông Huỳnh Tấn Phát- Phó Tổng Biên tập Báo và phát thanh, truyền hình Vĩnh Long cho biết, từ năm 2010, đài bắt đầu phát sóng mỗi ngày 1 tập phim Việt Nam mới trong khung giờ vàng lúc 20 giờ trên kênh THVL1. Một thành công lớn của đài trong tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật thời gian qua là xây dựng kịch bản, chuyển thể các tác phẩm văn học thành kịch bản phim truyện và tổ chức sản xuất phim truyện Việt Nam.
Thông qua các bộ phim, đời sống văn hóa, tinh thần và những nét văn hóa đặc sắc của người dân miền Tây Nam Bộ được phản ánh đậm nét. Đặc biệt là dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh như “Lời sám hối”, “Ải trần gian”... và các phim chuyển thể từ cải lương như: “Con gái chị Hằng”, “Tình mẫu tử”, “Tiếng sét trong mưa”...
Đài cũng chú trọng sản xuất các bộ phim về đề tài lịch sử góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc như: phim “Khí phách anh hùng” kể về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Phim đạt Giải Cánh diều vàng năm 2009- một trong những giải thưởng danh giá do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức. Hay bộ phim “Trọn nghĩa thủy chung”, kể về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt…
Ông Huỳnh Tấn Phát chia sẻ, các tác phẩm văn học dân gian đặc biệt là các câu truyện cổ tích Việt Nam cũng được đài chuyển thể thành phim để phát sóng trong các chương trình như: “Thế giới cổ tích”, “Chuyện xưa tích cũ” góp phần giữ gìn các loại hình văn học dân gian Việt Nam, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ những bài học cốt lõi của văn hóa Việt.
THVL còn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc hợp tác sản xuất phim hoạt hình 3D thuần Việt như: “Cổ tích Việt Nam”, “Thế giới cổ tích”... Đây là những chương trình có nội dung nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng mang tính giáo dục cao, có giá trị thẩm mỹ sâu sắc, không chỉ phục vụ cho lứa tuổi thiếu nhi mà còn góp phần phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam cho nhiều đối tượng khán giả xem đài.
Định hướng thông điệp sâu sắc
15 năm qua là chặng đường đáng nhớ trong lịch sử phát triển của điện ảnh tỉnh nhà. Không thành lập hãng phim, THVL chọn định hướng tổ chức sản xuất. Đài quản lý những khâu quan trọng nhất trong quy trình sản xuất như kịch bản- đạo diễn- diễn viên... Đội ngũ biên kịch giỏi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Có kịch bản hay, cộng với việc có đạo diễn và dàn diễn viên tài năng thì sẽ cho ra đời tác phẩm điện ảnh hay.
Chỉ tính riêng 5 năm, từ năm 2020-2025, THVL sản xuất được 40 bộ phim truyền hình, tương đương với 2.200 tập, bao gồm các thể loại phim truyện, phim cổ tích và phim ngắn, trong đó có các phim đạt chỉ số người xem cao như “Duyên kiếp”, sản xuất năm 2022; phim “Nghiệp sinh tử” và phim “Tham vọng sang giàu”, cùng sản xuất trong năm 2024. Ngoài ra còn có phim “Vua bánh mì”, “Lưới trời”, phim ngắn cuối tuần “Gã hoàn lương”; “Dòng nhớ”… Nhiều phim đạt giải cao tại các kỳ liên hoan truyền hình, liên hoan phim toàn quốc.
Những người tiên phong trong sản xuất phim truyện trên sóng THVL đã đúc kết và đưa ra nhận định: “Nguyên nhân của mọi thành công hay thất bại của việc sản xuất phim chính là chủ đề tư tưởng- mục tiêu- thông điệp có đủ lớn để gửi gắm đến người xem hay không”.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Trong kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tỉnh xác định điện ảnh là một lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần được phát huy và đẩy mạnh bởi vì điện ảnh mang tính nghệ thuật, mang tính quốc tế, là kênh thông tin bổ ích, hữu hiệu quảng bá hình ảnh, con người, đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam…”
Từ năm 2017, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó về đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh đã có 2 rạp chiếu phim tại Trung tâm Thương mại Vincom (mỗi rạp 200 chỗ ngồi) với vốn đầu tư 19,5 tỷ đồng và Nhà hát truyền hình- Cụm rạp chiếu phim với các hạng mục như: khối nhà hát truyền hình với khán phòng 600 chỗ, khối rạp chiếu phim 3 phòng (mỗi phòng 200 chỗ ngồi), khối phim trường có 3 khán phòng giao lưu khán giả… tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Đây là tiền đề để tiếp tục phát triển hoạt động điện ảnh và phát thanh- truyền hình của tỉnh.
Những người làm nghề, những người quản lý ngành điện ảnh cần nhận diện xu thế phát triển chính trị, kinh kế, xã hội của đất nước, từ đó định hướng cho điện ảnh con đường phát triển phù hợp, hài hòa. Sản xuất phim truyền hình, phim điện ảnh không chỉ nhắm đến mục tiêu giải trí đơn thuần. Đó còn là hoạt động nghệ thuật có tính đặc trưng rất cao, thông qua việc phản ánh đời sống hiện thực mà chuyển tải tới người xem những thông điệp có tính nhân văn, hướng đến những giá trị cao quý của văn hóa dân tộc, cũng như của văn hóa nhân loại từ ngàn đời nay, là chân- thiện- mỹ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/202507/phat-trien-dien-anh-mang-dau-an-van-hoa-dan-toc-0d716d9/
Bình luận (0)