Trong bối cảnh Việt Nam tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới cho giai đoạn 2026–2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đầu tư phát triển công nghệ chiến lược được nhiều chuyên gia xác định là yếu tố mang tính quyết định.
Đây không chỉ là chìa khóa để chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ và đầu tư lớn sang mô hình dựa trên hiệu quả và đổi mới sáng tạo, mà còn là nền tảng giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần xác định rõ các lĩnh vực công nghệ ưu tiên, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh đầu tư có trọng điểm và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, việc phát triển hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và cải tiến cơ chế tài chính sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng.
Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cho rằng, công nghệ chiến lược là nhân tố then chốt giúp Việt Nam vượt qua giới hạn của các động lực tăng trưởng truyền thống.
Trong giai đoạn tới, cần tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực đột phá như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và vật liệu mới. Đây là những lĩnh vực vừa tạo giá trị gia tăng cao, vừa tăng tính tự chủ cho nền kinh tế trong bối cảnh nhiều biến động toàn cầu.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, phát triển công nghệ chiến lược cần được tiếp cận theo hướng toàn diện và có trọng tâm, trước hết là xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên mang tính nền tảng.
Các quốc gia thành công đều xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với cấu trúc đồng bộ, bao gồm khung pháp lý, cơ chế tài chính, đào tạo và nghiên cứu - đây là tiền đề bắt buộc để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới.
Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng đề xuất, cần triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu cấp quốc gia; xây dựng mạng lưới phòng thí nghiệm trọng điểm và trung tâm dữ liệu lớn.
Các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp phải được trao quyền tự chủ toàn diện và hưởng cơ chế tài chính đặc thù để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Song song với đó là việc xây dựng luật công nghệ chiến lược nhằm điều phối tổng thể các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, bao gồm quy định cơ chế thử nghiệm giới hạn, bảo hộ sở hữu trí tuệ rút gọn, ưu đãi đầu tư và thiết lập “vùng thử nghiệm” được miễn áp dụng một số quy định hiện hành trong thời gian nhất định.
Từ góc nhìn thể chế, Tiến sỹ Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam nhận định: thể chế là điểm nghẽn lớn trong mô hình tăng trưởng hiện tại.
Việt Nam đang chuyển từ tăng trưởng dựa vào lao động, đầu tư sang mô hình dựa vào hiệu quả và tri thức, nên việc cải cách thể chế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ là vô cùng cấp thiết.
Tiến sỹ Nguyễn Bá Hùng cho rằng, cần tạo môi trường cạnh tranh thực chất, giảm can thiệp hành chính, bảo đảm quyền tiếp cận công bằng thông tin, tài nguyên và cơ hội giữa các thành phần kinh tế.
Vai trò của nhà nước nên là định hướng thay vì can thiệp sâu; luật pháp cần minh bạch, ổn định, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; chính sách phải khuyến khích rủi ro hợp lý, thay vì chỉ hỗ trợ các hoạt động “an toàn”, để thúc đẩy đổi mới.
Một vấn đề khác được ông nhấn mạnh là cần tái cấu trúc thị trường lao động, nâng cao kỹ năng số và kỹ năng mềm nhằm đáp ứng nhanh với yêu cầu công nghệ mới.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mô hình tăng trưởng hiện tại đã dần cạn dư địa khi vẫn dựa vào đầu tư và nhân công giá rẻ.
Do đó cần chuyển hẳn sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nếu muốn tăng trưởng dài hạn.
Để làm được điều này, cần xác định rõ các trụ cột công nghệ chiến lược, từ đó phân bổ nguồn lực hợp lý và hoàn thiện thể chế phù hợp. Không thể tách nghiên cứu khoa học khỏi thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, các viện nghiên cứu, trường đại học phải kết nối với khu vực tư nhân, trở thành nguồn cung ứng công nghệ, nhân lực và tri thức.
Đồng thời nhà nước có vai trò “đầu tư mồi”, cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp sáng tạo và cải cách mạnh mẽ giáo dục đại học theo hướng tự chủ, liên kết và thực tiễn./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-cong-nghe-chien-luoc-don-bay-cho-mo-hinh-tang-truong-moi-post1049887.vnp
Bình luận (0)