Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhiều hợp tác xã phía tây không còn 'một mình một vùng'

Từ chỗ 'một mình một vùng', nhiều hợp tác xã ở phía tây Hải Phòng đã nhìn thấy những cơ hội liên kết sản xuất - tiêu thụ hàng hóa trong một không gian phát triển mở rộng, liên thông.

Báo Hải PhòngBáo Hải Phòng09/07/2025

hop-tac-xa (3)
Các hợp tác xã ở phía tây Hải Phòng mong sớm có cơ chế kết nối liên vùng để nông sản tiêu thụ thuận lợi trong thành phố

Kết nối nông sản liên vùng

Nhiều năm qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Cường (xã Hà Đông) vẫn sản xuất theo mô hình truyền thống: trồng vải, chăm bón bằng kinh nghiệm, tiêu thụ theo mùa vụ và chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Dù cách trung tâm Hải Phòng không xa nhưng ranh giới hành chính giữa hai địa phương giống như một bức tường vô hình khiến sản phẩm của hợp tác xã khó vươn ra ngoài.

Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Cường cho biết hiện nay vải đã được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng mỗi mùa vải, người dân thường chờ thương lái ở phía đông thành phố sang mua. Do không có kênh kết nối chính thức, sản phẩm thường chỉ bán được giá khi thị trường khan hàng.

Hợp nhất Hải Dương - Hải Phòng, ông Hùng vui mừng và kỳ vọng không chỉ vải thiều mà các loại nông sản khác có thể được kết nối với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, doanh nghiệp chế biến ở trung tâm thành phố. Không còn tách biệt hành chính, người dân và hợp tác xã sẽ dễ liên kết sản xuất hơn.

hop-tac-xa (1)
Sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã ở phía tây được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Nhiều hợp tác xã khác ở khu vực xã An Thành, Kim Thành, Bắc An Phụ… cũng đang nhìn thấy cơ hội kết nối sản phẩm với thị trường rộng lớn từ TP Hải Phòng, nơi có hệ thống logistics, cảng biển, kho lạnh và mạng lưới bán lẻ sầm uất.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (xã Tuệ Tĩnh) hiện có 360 ha cà rốt với 9 vùng sản xuất tập trung, trong đó có 90 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm hợp tác xã thu khoảng 15.000 tấn cà rốt.

Mặc dù được xuất khẩu thuận lợi sang thị trường các nước Hàn Quốc, Malaysia nhưng những lúc giá cả bấp bênh, tiêu thụ nội địa vẫn rất khó khăn. Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc hợp tác xã cho biết hợp nhất tỉnh là cơ hội đưa cà rốt vào siêu thị mà không cần bên trung gian. Từ nhiều năm nay, thành viên của hợp tác xã đã đầu tư hệ thống sơ chế, đóng gói cà rốt nhưng chi phí vận chuyển và thủ tục đi qua địa bàn Hải Phòng cũng là một rào cản. Khi hợp nhất, các cơ chế chính sách thông suốt, đồng bộ sẽ giảm chi phí vận chuyển, tăng lợi nhuận và mở rộng vùng cung ứng sang các phường nội thành Hải Phòng, nơi có nhu cầu rau sạch rất cao.

Mở không gian phát triển nông nghiệp chung

hop-tac-xa (4)
Với thế mạnh về logistics, thương mại và hạ tầng giao thông, nông sản Hải Phòng sớm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới

TP Hải Phòng hiện có gần 600 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Dù hợp nhất Hải Dương - Hải Phòng nhưng hiện tại các hợp tác xã vẫn hoạt động độc lập, chờ hướng dẫn của cấp trên về thay đổi tên gọi sau hợp nhất. Tuy nhiên, thực tế phần lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ và hoạt động rời rạc. Trong khi đó, Hải Phòng có với thế mạnh về logistics, thương mại và hạ tầng giao thông lại thiếu hụt sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, nhất là vào mùa cao điểm du lịch.

Theo đại diện Liên minh hợp tác xã TP Hải Phòng sau hợp nhất, cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp liên vùng tỉnh, xác định lợi thế bổ sung giữa các hợp tác xã. Hiện nay nhiều hợp tác xã phía tây Hải Phòng vẫn “một mình một vùng”, nhiều sản phẩm phải tiêu thụ ở Hưng Yên, Hà Nội. Việc hợp nhất sẽ dỡ bỏ “ranh giới vô hình”, tạo ra vùng nông sản chất lượng có giá trị gia tăng cao.

hop-tac-xa (2)
Cà rốt của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính được xuất khẩu lượng lớn ra nước ngoài nhưng vẫn mong muốn tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, đặc biệt là trong thành phố Cảng lớn của miền Bắc

Tuy nhiên, sự hợp nhất không chỉ mở ra cơ hội mà còn đặt ra yêu cầu đổi mới cho chính các hợp tác xã. Trước thực tế này, thành phố cần sớm chỉ đạo rà soát lại năng lực các hợp tác xã, phân loại theo nhóm ngành hàng chủ lực. Trên cơ sở đó, kết nối với hệ thống tiêu thụ, chế biến ở Hải Phòng để hình thành cụm liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản mới.

“Một số hợp tác xã mạnh hoàn toàn có thể đóng vai trò đầu tàu, từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhưng cũng có những hợp tác xã nên được định hướng làm vệ tinh, chuyên về một khâu như sơ chế, đóng gói hoặc logistics nông sản”, ông Phạm Gia Vụ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lê Lợi (xã Gia Lộc) nói.

Hiện tại, nhiều hợp tác xã đã sẵn sàng tâm thế để đón làn sóng kết nối sau hợp nhất. Ông Nguyễn văn Thuấn, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng (xã Bắc An Phụ) mong muốn có thành phố sớm có trung tâm phân phối nông sản ở khu vực giáp ranh giữa hai địa phương. Cùng với đó, thành phố cần hỗ trợ các hợp tác xã về tem truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và chứng nhận tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, việc xây dựng sàn giao dịch nông sản điện tử chung cho vùng cũng rất cần thiết.

Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng với các hợp tác xã nông nghiệp ở phía tây, việc hợp nhất địa giới với thành phố là bước đi được kỳ vọng nhất từ nhiều năm qua. Nó không chỉ mang lại thị trường tiêu thụ lớn hơn mà còn giúp họ tiếp cận công nghệ, quy trình quản lý, chuỗi cung ứng hiện đại.

MINH NGUYÊN

Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/nhieu-hop-tac-xa-phia-tay-khong-con-mot-minh-mot-vung-416014.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm