Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhân 225 năm Ngày sinh danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800-2025) Một khí phách mãi ngời sáng

Vùng đất phương Nam hôm nay đang vươn mình đi lên sau sắp xếp đơn vị hành chính, các giá trị văn hóa tồn tại song hành cùng lịch sử cũng được phát huy theo cách nhìn mới, những danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc được tôn vinh trong đời sống đương đại. Trong đó, một vị anh hùng dân tộc có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước, đó là danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai26/07/2025

Bàn thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương trong chánh điện. Ảnh: Phan Văn Thành
Bàn thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương trong chánh điện. Ảnh: Phan Văn Thành

Một đời tận tâm vì nước

Trong cuộc đời 53 năm làm quan dưới 3 triều vua: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, ông luôn là công thần tận tụy và được trọng dụng hàng đầu, giữ nhiều trọng trách cao trong triều đình nhà Nguyễn.

Làm quan dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840), năm 1833, một biến cố xảy ra trên vùng đất Nam Bộ, đó là sự phản kháng của Lê Văn Khôi đã khởi binh chống lại triều đình nhà Nguyễn chiếm thành Phiên An, khiến đất Gia Định lâm vào cảnh tương tàn, loạn lạc. Năm 1835, Nguyễn Tri Phương được cử vào Gia Định cùng với các tướng lĩnh đánh thành dẹp loạn. Trước sự kháng cự của quân Lê Văn Khôi và sự viện binh của Xiêm La, với cái nhìn toàn cục thấu đáo, ông đã cho quân thám thính nắm chắc tình hình địch rồi mới đề ra phương án đánh thành. Sau đó, ông chỉ huy quân sĩ trực tiếp tấn công chiếm lại thành Phiên An, lập lại cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Nhân dân Đồng Nai vinh dự được thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương như một vị phúc thần ở đình Mỹ Khánh bên hữu ngạn sông Đồng Nai với tất cả lòng thành kính, tri ân công đức khai mở, bảo vệ vùng đất Trấn Biên xưa.

Bước sang thời vua Thiệu Trị (1841-1847), Nguyễn Tri Phương lại đảm nhận trọng trách yên định biên giới phía Tây lục tỉnh Nam Kỳ suốt 7 năm. Lúc bấy giờ, quân Xiêm cấu kết với thổ phỉ phủ Ba Xuyên ở An Giang nổi loạn nhiều lần. Vua phong ông làm Tuần phủ An Giang, hộ lý quan phòng Tổng đốc An Hà, tổng chỉ huy quân đội trấn áp các cuộc nổi loạn trên và xuất quân bình ổn được xứ Cao Miên.

Hết thời vua Thiệu Trị sang thời vua Tự Đức (1848-1883), Nguyễn Tri Phương lại tận tâm cống hiến cho triều đình, một nhiệm vụ rất quan trọng mà bấy lâu nay ít người biết đến đó là công trạng khai mở vùng đất Nam Kỳ (1850-1857). Khi vào kinh lược, Nguyễn Tri Phương thực hiện kế sách chiêu dụ lưu dân và mở mang lập ấp, lập đồn điền, đem lại và công nhận quyền sở hữu đối với mảnh đất mà họ đã bỏ công khai phá, giải thoát họ khỏi ách áp bức, bóc lột của bọn địa chủ cường hào, miễn thuế cho người dân vào những năm đồn điền mới lập, lại tiếp tục miễn thuế, hoãn lính nhiều năm ở nơi nào chưa thu hiệu quả. Nhờ đó, dân mới phục hồi, tạo lập thêm hàng trăm làng xóm liền kề nhau. Nguyễn Tri Phương cũng đã hoạch định, thành lập ngay từ đầu những trận địa bố trí sẵn, những lực lượng án ngữ thường trực, ứng phó hiệu quả với các cuộc tấn công của giặc ngoại xâm khi cần thiết. Có thể nói, chính sách đồn điền đã tạo ra một lực lượng cầm cái cày cũng được, vác cây súng cũng được, bám lấy đất tăng gia sản xuất, lúc cần thì đem xương máu ra bảo vệ giang sơn.

Một khí phách kiên cường

Trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của triều đình nhà Nguyễn hồi nửa cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Tri Phương là danh tướng tiêu biểu cho tinh thần dân tộc, quyết tâm đánh Pháp ở cả 3 mặt trận là: Đà Nẵng (1858-1860), Gia Định (1860-1861) và Hà Nội (1873).

Năm 1858, Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức phong Tổng thống quân thứ Quảng Nam/Tổng chỉ huy quân binh và cử vào mặt trận Đà Nẵng đánh Pháp, ông đã thể hiện thái độ kiên quyết đánh giặc, với chiến lược vừa xây dựng phòng tuyến phòng thủ kiên cố, di tản dân thực hiện kế “vườn không nhà trống”, vừa đánh du kích nhằm tiêu hao dần sinh lực địch. Mặc dù địch mạnh ta yếu, nhiều lúc phòng tuyến ngoài bị phá vỡ nhưng ông vẫn bám chắc, chặn đánh khiến thực dân Pháp không có cách gì để mở rộng phạm vi chiếm đóng, không thực hiện được kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh, ngược lại, quân Pháp còn gặp khó khăn. Chính vì thế, đến ngày 23-3-1860, toàn bộ quân Pháp lặng lẽ rút khỏi Đà Nẵng.

Đến khi ông được cử vào Gia Định đánh Pháp, thái độ đối với địch đã được gói gọn trong câu “Ta chỉ chuyên mặt đánh và giữ. Sao lại tin lời nói dối của chúng mà mắc mưu chúng”. Ông được vua Tự Đức phong làm Tổng thống quân vụ đại thần quân thứ Gia Định chỉ huy quan quân đánh giặc bảo vệ vùng đất Nam Kỳ. Tại đây, ông vừa thực hiện chính sách an dân, tập trung sản xuất, xây dựng thành lũy, lãnh đạo quân, dân đánh tỉa các đồn trại làm suy giảm tinh thần chiến đấu của kẻ thù.

Sau cùng là mặt trận Hà Nội, năm 1872, mặc dù tuổi cao nhưng Nguyễn Tri Phương vẫn được vua Tự Đức tin dùng, phong chức Khâm Mạng Tuyên Sát Đông Đức đại thần và cử ra Bắc Kỳ giải quyết xung đột giữa các quan cầm quyền quân sự.

Trăm năm qua, danh tướng được nhân dân dựng tượng đài và lập đền thờ ở nhiều địa phương. Tên tuổi của Nguyễn Tri Phương được lịch sử ghi dấu đến ngày nay, được đặt tên cho nhiều đường phố, trường học và bệnh viện… trên cả nước.

 

Xuân Nam

 

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/nhan-225-nam-ngay-sinh-danh-tuong-nguyen-tri-phuong-1800-2025-mot-khi-phach-mai-ngoi-sang-57a275f/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm