Ở miền biên giới Lạng Sơn, nữ biên tập viên ấy lặng thầm gìn giữ “biên cương” văn hóa tư tưởng bằng trái tim son sắt với Đảng và tư duy hiện đại. Không chỉ là cây bút sắc sảo trong mảng chính luận, chị còn là người góp phần đưa báo chí địa phương bước ra khỏi “vùng trũng”, tiếp cận giới trẻ bằng những hình thức truyền thông mới mẻ, hiệu quả.

Nhà báo Hoàng Diệp Hằng, Biên tập viên Phòng Báo điện tử - Nội dung số, Báo và Đài Phát thanh Truyền hình (PT-TH) tỉnh Lạng Sơn là minh chứng cho tinh thần của những người làm báo địa phương giàu lý tưởng, tận tâm với dân, trung thành với Đảng trong dòng chảy của kỷ nguyên số.

Nhà báo Hoàng Diệp Hằng (người thứ nhất, bên trái) đang tác nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Người giữ vững trận địa tư tưởng nơi biên cương số 

Sinh ra trong gia đình cách mạng ở phường Đông Kinh (tỉnh Lạng Sơn), lớn lên với ký ức từ ông ngoại - Cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Diệp Hằng sớm nuôi khát vọng kể lại chuyện thời đại bằng ngòi bút. Tốt nghiệp loại giỏi Khoa Văn học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), chị trở về công tác tại Báo và Đài PT-TH tỉnh Lạng Sơn.

Những ngày đầu vào nghề, hành trình tác nghiệp ở miền núi biên giới không ít gian nan: Thiếu thiết bị, đường sá cách trở, kinh nghiệm còn ít. Chị mang theo chiếc máy ghi âm, rong ruổi đến tận các bản làng để lắng nghe và ghi lại phản ánh của người dân.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị là chuyến công tác đến thôn Cốc Mặn, xã Hoàng Văn Thụ (tỉnh Lạng Sơn) - nơi cả thôn chỉ có chiếc đài cát-sét làm món ăn tinh thần, và bác trưởng thôn Hứa Văn Long dù không biết chữ vẫn kiên trì vận động bà con góp công làm đường nông thôn mới. Khi gặp chị, bác trưởng thôn xúc động nói: “Hằng ngày đi trèo cây hồi, chúng tôi giắt theo một ít cơm nắm và cột cái đài cát-sét nhỏ lên lưng. Bà con đã nghe nhiều bài phát thanh của cô. Giờ mới được gặp người thật, quý quá!”. 

Chính câu nói mộc mạc ấy khiến chị thấm thía: Làm báo không chỉ là ghi chép sự kiện, mà còn mang tiếng nói đời thường đến những nơi cần được lắng nghe. Suy nghĩ ấy khiến chị càng thêm kính nghiệp, hết mình vì những tác phẩm phục vụ nhân dân.

Gần 15 năm theo nghề báo, chị đã thực hiện hàng trăm tác phẩm báo chí và đạt nhiều giải thưởng như: Giải Ba toàn quốc Cuộc thi viết “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (2017); giải C Giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc (2022); cùng nhiều giải báo chí tỉnh Lạng Sơn.

Nhà báo Hoàng Diệp Hằng (người đứng thứ 7, từ trái sang) nhận giải B, Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Từ chuyện bản làng đến chính luận quốc gia 

Không dừng lại ở những tác phẩm về dân sinh, đời sống vùng cao, Diệp Hằng từng bước khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp khi dấn thân vào lĩnh vực báo chí chính luận.

Tại Hội nghị kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam do tỉnh Lạng Sơn tổ chức, chị được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí. Có dịp gặp, trao đổi với chị bên lề hội nghị, tôi hỏi: “Cơ duyên nào đưa chị đến với chính luận?”.

Chị mỉm cười: “Tôi vốn yêu văn chương, viết những điều nhẹ nhàng. Nhưng từ năm 2019, khi làm Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Lý luận trẻ Tỉnh đoàn, tôi bắt đầu tiếp xúc và nhận thấy mạng xã hội tràn ngập thông tin xuyên tạc, tôi hiểu mình không thể đứng ngoài cuộc”.

Tác phẩm đầu tiên “Không gian mạng - Mặt trận không thể xem thường” chị viết từ chính những trăn trở ấy và gửi dự thi Cuộc thi chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 2, năm 2022. Bài viết vượt qua hơn 116.000 tác phẩm trên toàn quốc và giành giải C. “Tôi không nghĩ sẽ đạt giải, chỉ mong ai đó đọc và thấm. Nhưng làm sao để chính luận khô khan chạm tới giới trẻ? Tôi biết mình phải đi xa hơn”, chị chia sẻ.

Năm 2023, chị dự thi với loạt 3 bài “Bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng từ sức mạnh nội sinh”. Tác phẩm cảnh báo nguy cơ mai một văn hóa dân tộc, chỉ ra sự xâm nhập tinh vi văn hóa ngoại lai, với văn phong gần gũi, dẫn chứng dễ tiếp cận. Tác phẩm đoạt giải B, khẳng định sự trưởng thành của chị trong dòng chính luận hiện đại.

Năm 2024, chị tiếp tục gây ấn tượng với loạt 3 bài “Ánh sáng và Đức tin”, tác phẩm dũng cảm khai thác chủ đề nhạy cảm: Tôn giáo trong xã hội hiện đại. Tiếp cận nhiều nạn nhân của tà đạo, chị trăn trở khi thấy có trường hợp cả trí thức, đảng viên vẫn mê muội tin theo. “Càng khó tiếp cận, tôi càng phải tìm ra vì sao họ tin. Không thể im lặng trước những thủ đoạn ấy”, chị nói. Tác phẩm vượt qua hơn 468.000 bài dự thi toàn quốc, giành giải C.

Ba năm liên tiếp đoạt giải chính luận toàn quốc, Diệp Hằng không chỉ ghi dấu ấn cá nhân mà còn khẳng định vị trí của báo chí địa phương trong mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng chí Nguyễn Đông Bắc, Tổng biên tập Báo và Đài PT-TH tỉnh Lạng Sơn nhận xét: “Đồng chí Diệp Hằng là một nhà báo trẻ có tư duy sắc bén, chính luận vững vàng, dám nghĩ, dám viết và đặc biệt là luôn giữ vững lập trường chính trị trong mọi đề tài”.

Tổ sản xuất và phát triển nội dung số - một mô hình mới

Không chỉ sắc sảo trong chữ nghĩa, là Tổ trưởng tổ sản xuất và phát triển nội dung số, Diệp Hằng còn tiên phong truyền thông chính luận theo hướng chủ động. Chị cùng các thành viên trong tổ xây dựng ngân hàng video sử dụng ngôn ngữ mạng xã hội truyền tải tư tưởng đúng, đập tan tin giả từ mầm mống, được UBND tỉnh đánh giá là mô hình tiên phong, hiệu quả trong chuyển đổi số báo chí địa phương.

Một video gần đây nhận diện và phản bác thông tin sai lệch về lễ hội truyền thống đã thu hút gần 500.000 lượt xem; hơn 7.000 bình luận chỉ sau 3 ngày đăng tải. Bạn Vi Thị Thu Hằng, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn chia sẻ: “Lần đầu hiểu rõ vì sao cần cảnh giác khi chia sẻ thông tin!”. Đó không chỉ là hiệu quả truyền thông, mà là hiệu quả tư tưởng khi thông điệp đến đúng lúc, đúng cách, đúng người.

Tính đến tháng 5-2025, tổ đã sản xuất hơn 23.100 video trên các nền tảng Facebook, TikTok, YouTube... thu hút 27,9 triệu lượt xem, hơn 9,3 triệu lượt tương tác, phần lớn từ giới trẻ vùng cao. Nhiều clip giúp thanh niên nhận diện thông tin giả, “gạn đục khơi trong”. Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lạng Sơn đánh giá: “So với nhiều địa phương khác còn lúng túng, tổ sản xuất và phát triển nội dung số là mô hình đột phá, kết hợp hiệu quả chính luận và mạng xã hội, góp phần tạo “vùng xanh” tư tưởng trên không gian số”.

 Nhà báo Hoàng Diệp Hằng trong một lần tác nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chiến sĩ thầm lặng trên không gian mạng

Không chỉ làm truyền thông số, Diệp Hằng còn tích cực tham gia bồi dưỡng lý luận cho thanh niên. Trên cương vị Phó chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ Tỉnh đoàn, chị trực tiếp tham gia tập huấn tại các trường học, cơ sở đoàn, nói về vai trò báo chí trong đấu tranh tư tưởng, giúp người trẻ nhận diện thông tin sai lệch, vững vàng bản lĩnh chính trị.

“Giới trẻ hôm nay rất nhạy bén. Chỉ cần có người đồng hành đúng cách, họ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng”, chị khẳng định. Không giáo điều, không khuôn mẫu, chị chọn cách tiếp cận gần gũi, nói bằng ngôn ngữ người trẻ, giải thích thông tin sai bằng dẫn chứng đời thường, dễ hiểu, dễ nhớ. Cách làm của Diệp Hằng đi trước một bước, bền bỉ gieo mầm tư tưởng đúng để từ đó, những hạt giống nhận thức tích cực có thể nảy nở trong lòng người trẻ.

Từ cô gái yêu con chữ đến nhà báo chính luận sắc sảo, Hoàng Diệp Hằng lặng lẽ nhưng kiên cường trên mặt trận tư tưởng. Như đóa hoa đào xứ Lạng - mộc mạc, bền bỉ giữa vùng biên giá lạnh, chị kết hợp tinh thần báo chí cách mạng với tư duy số, phản ứng nhanh, chính xác trước thông tin đa chiều. Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, khi tư tưởng bị xâm thực bởi “virus” ngôn từ ngụy tạo, chị chọn dấn thân không mỏi mệt để lan tỏa lý tưởng Đảng bằng tư duy hiện đại, trái tim nhiệt huyết và ngòi bút sắc sảo.

Chị là minh chứng rằng: Từ tuyến tỉnh, báo chí địa phương vẫn có thể tạo nên những chiến sĩ tư tưởng quả cảm, góp phần giữ vững thành trì chính trị tinh thần của Đảng. Với chị, báo chí không chỉ là ghi chép thời cuộc, mà là sứ mệnh thắp niềm tin, giữ bản sắc, bồi đắp lý tưởng. Đó là hình ảnh nhà báo thời đại mới: Bản lĩnh - tận tụy - nhạy bén, luôn nơi tuyến đầu tư tưởng.

Trung tá HOÀNG ANH TUẤN, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nha-bao-hoang-diep-hang-nguoi-truyen-lua-ly-tuong-trong-ky-nguyen-so-838993