Chủ động tháo dỡ lưới che
Bão số 3 (Wipha) đang áp sát đất liền, có thể ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Hải Phòng, Quảng Ninh đến Nghệ An. Nhiều hộ nuôi tôm trong nhà lưới không khỏi lo lắng, dồn sức gia cố khung lưới, chằng buộc mái che, đồng thời di chuyển vật tư, thiết bị quan trọng lên nơi cao ráo.

Quan sát cho thấy, một số nhà lưới dùng để nuôi tôm trên địa bàn xã Hải Châu (huyện Diễn Châu cũ) đã được tháo và cuộn lưới vào, tránh thiệt hại do gió bão. Bộ khung cũng đã được chằng chéo bằng dây cáp.
Tại khu vực nuôi tôm công nghệ cao ở xã An Châu (huyện Diễn Châu cũ), nhiều trang trại tiến hành kiểm tra hệ thống điện, máy móc, mực nước ao để phòng trường hợp mưa lớn gây tràn bờ. Các chủ đầm tôm cũng tổ chức trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình diễn biến của cơn bão.

Ông Nguyễn Cường - chủ trại tôm trên địa bàn xã An Châu, cho biết: “Theo dõi thông tin bão trên báo cho thấy, cơn bão này gió giật mạnh, có thể cấp 11-12. Tuy nhiên, đối với Nghệ An sẽ nhẹ hơn, nhưng gia đình vẫn không chủ quan. Trước khi bão vào, gia đình tăng cường dây neo giữ khung nhà lưới. Đối với lưới che, theo thiết kế sẽ chịu được gió cấp 8, do đó gia đình luôn túc trực theo dõi, bố trí nhân lực, nếu gió giật mạnh, sẽ kịp thời tháo dây để kéo lưới xuống, nhằm đảm bảo an toàn”.

Bên cạnh nỗi lo về cơ sở vật chất, nhiều hộ cũng quan tâm đến khả năng ảnh hưởng đến đàn tôm do biến động thời tiết. Theo người nuôi tôm chia sẻ, tôm nuôi mặn lợ nếu nước lũ tràn vào, tôm sẽ bị sốc nước, khó có thể xử lý được, coi như mất trắng. Mặc dù hiện nay các trại tôm đã thiết kế hệ thống thoát nước đối với từng ao đầm, nhưng nước lũ tràn qua khi có mưa lớn là điều dễ xảy ra.
Hiện tại, nhiều vùng nuôi tôm tại Nghệ An đang bước vào giai đoạn giữa và cuối vụ, sản lượng tôm trong ao khá cao. Việc phòng chống thiên tai từ sớm, nhất là tại các hệ thống nuôi tôm công nghệ cao, nhà lưới kín sẽ góp phần quan trọng giúp bà con giảm thiệt hại và ổn định sản xuất sau bão.
Cần kiểm tra toàn bộ khung thép
Cùng với việc bảo vệ nhà lưới, ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ nuôi tôm chủ động theo dõi thông tin thời tiết chính thống, không chủ quan khi bão chưa vào, và cần sẵn sàng phương án khắc phục sau bão. Trong trường hợp khẩn cấp, cần cắt điện toàn bộ khu nuôi, di chuyển người và vật tư quan trọng ra khỏi vùng nguy hiểm.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, để hạn chế nhà lưới không bị hư hỏng do bão gây ra, trước khi bão vào, cần kiểm tra toàn bộ khung thép, cột, dầm xem có bị gỉ sét, lỏng lẻo hay không, nếu có thì hàn, siết chặt lại. Dùng dây cáp thép hoặc dây chằng để neo khung lưới vào trụ bê tông chắc chắn, nhất là ở các điểm góc, nơi dễ bị gió giật mạnh.
Cuộn hoặc tháo bớt lưới chắn gió, lưới che mưa, nếu không cần thiết hoặc có thể bị gió cuốn. Dùng dây buộc chắc lưới vào khung, tránh để lưới bị bung, rách hoặc làm hỏng khung khi gió lớn. Nạo vét mương thoát nước xung quanh nhà lưới, đảm bảo nước mưa thoát nhanh, không gây ngập úng.
Trên địa bàn Nghệ An hiện đã có 105 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích hơn 202 ha, trong đó có 51 cơ sở nuôi trong lồng nổi và nhà lưới.
Nguồn: https://baonghean.vn/nguoi-nuoi-tom-nghe-an-thao-do-hang-ngan-met-vuong-nha-luoi-phong-bao-so-3-10302789.html
Bình luận (0)