Quản trang Nguyễn Văn Mạnh chăm sóc từng phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng.
Bên quốc lộ, nơi hàng thông rì rào trong gió, quản trang Lưu Văn Hồng, 63 tuổi cần mẫn dọn cỏ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hậu Lộc. Mỗi ngày ông có mặt từ rất sớm bắt đầu một ngày lao động thầm lặng kéo dài đến khi mặt trời tắt bóng. Công việc của ông không chỉ là cắt cỏ, quét lá, mà còn chỉnh trang lại những ngôi mộ, từng phần đất linh thiêng nếu thân nhân liệt sĩ nhờ cậy.
Gắn bó với nơi này từ năm 2005, ông Hồng bảo: “Làm vì lòng tri ân thôi. Các anh ấy hy sinh vì đất nước, giờ mình chăm sóc là chuyện phải làm”.
Lý do khiến ông chọn gắn bó lâu dài với nghĩa trang lại bắt đầu từ một nỗi đau trong gia đình. Liệt sĩ Trần Văn Hùng, anh trai cả của vợ ông hy sinh năm 1972, khi mới ngoài 20 tuổi. Trong gia đình có bốn cô con gái, anh là con trai duy nhất, là niềm hy vọng, chỗ dựa cả về tinh thần lẫn tương lai. Cả nhà đi tìm mộ anh ròng rã hàng chục năm trời, mãi đến năm 2000 mới tìm thấy hài cốt tại một nghĩa trang ở tỉnh Bình Định. Ngày đưa anh về, người mẹ gần 80 tuổi chỉ biết ôm nấm đất mà khóc”. Từ đó, mẹ vợ ông, giờ đã bước sang tuổi 102 nhất quyết hằng ngày đến thăm mộ con trai. Mỗi lần đau ốm hay không đi được, bà lại nhờ ông Hồng đi thay. Từ lời hứa với mẹ vợ, ông Hồng gắn bó luôn với nghĩa trang. Không chỉ chăm phần mộ người thân, ông còn nhận chăm lo cả khu nghĩa trang rộng hơn 22.000m2, với khoảng 300 ngôi mộ liệt sĩ. Đặc biệt, có ba phần mộ chưa xác định danh tính, ông xem như ruột thịt. “Ngày lễ, tết tôi đều thắp hương, khấn: “Các chú đừng tủi, coi như tôi là người nhà. Không có ai đến thì tôi ở lại với các chú”.
Có người đùa, “ông Hồng sống được ở nghĩa trang, chắc là... ma quen rồi”. Ông chỉ cười: “Tôi không sợ. Đêm 30 tết tôi làm mâm xôi, con gà, khấn giữa sân: “Nếu các anh dọa tôi, ai lo hương khói cho các anh nữa? Tôi khỏe thì tôi còn chăm được cho các anh”. Thế là yên.
Giữa tháng 7, khi trời nắng chang chang, nghĩa trang vắng tiếng người, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Mạnh, quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng đã hơn 10 năm, đang lặng lẽ tỉa từng chân nhang cũ trên các phần mộ. Diện tích khu nghĩa trang rộng tới 6ha, với 1.935 ngôi mộ và 2 mộ tập thể quy tập 64 và 182 liệt sĩ. Trong đó, gần 1.000 mộ không xác định được danh tính, chủ yếu là liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Lào được đưa về sau chiến tranh.
Giữa hàng ngàn bia đá, anh Mạnh có thể đọc vanh vách từng khu, từng lô, nhớ cả tên, quê quán, ngày hy sinh của những người anh hùng đã nằm lại. “Hôm nào có đoàn thân nhân liệt sĩ từ xa về, chỉ cần họ nói tên, tôi có thể dẫn đến tận mộ trong vài phút”, anh nói.
Dịp đông nhất là ngày 27/7 hằng năm, kế đến là tết nguyên đán, mùng 2/9, tiết thanh minh... Có hôm anh cùng đồng nghiệp phải thắp hàng nghìn nén nhang, chỉnh sửa lại hoa, dọn từng mảnh lá rơi. Anh bảo: “Làm vì cái tâm. Các anh hy sinh vì đất nước, mình giữ gìn mộ phần cho các anh là điều nên làm. Mỗi nén nhang, mỗi bông hoa là sự tri ân, đâu thể làm qua loa”.
Với anh Mạnh, làm quản trang không phải là một nghề, mà là một lời hứa với quá khứ, một sự biết ơn lặng lẽ với những người đã ngã xuống. “Tôi không làm vì lương. Tôi làm vì tôi hiểu, nếu không có các anh, có lẽ tôi không có hôm nay”.
Gắn bó với nghĩa trang nhiều năm, anh Mạnh cũng từng gặp những điều lạ. Có đêm đang ngủ trong nhà trực thì nghe như có tiếng gõ cửa và kêu tên anh. “Tôi mở ra thì chẳng thấy ai, chỉ có mùi khói nhang thoảng qua. Tôi khấn thầm: Nếu là các anh thì cứ vào. Cần gì cứ bảo. Tôi xem các anh như người thân thôi mà”, anh Mạnh kể, nét mặt bình thản, không mảy may sợ hãi.
Hai con người, hai nghĩa trang, nhưng cùng một tấm lòng, đó là những “người giữ ký ức” đúng nghĩa. Họ lặng lẽ sống bên phần mộ của hàng ngàn người đã khuất, làm công việc tưởng chừng giản đơn, nhưng mang ý nghĩa thiêng liêng.
Trong thời đại mà người ta dễ lãng quên quá khứ, dễ sao nhãng những giá trị hy sinh, thì chính họ là sợi dây nối con cháu hôm nay với lớp cha anh đi trước. Những bước chân âm thầm quét lá, những nén nhang thắp buổi sớm mai, đó là cách họ giữ cho ký ức đất nước không bị bụi thời gian phủ mờ.
Thế nhưng, những người làm công tác quản trang vẫn chưa được nhìn nhận tương xứng. Họ làm việc trong môi trường đặc thù, nhưng chế độ đãi ngộ còn rất khiêm tốn. Hầu hết sống dưới mức lương tối thiểu, không có phụ cấp nghề nghiệp đặc thù, cũng không có chính sách nghỉ dưỡng hợp lý.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 740 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 253 đài tưởng niệm liệt sĩ, 368 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 89 tượng đài liệt sĩ, 31 nghĩa trang liệt sĩ, là nơi an nghỉ của trên 10.000 liệt sĩ cùng gần 2.000 liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang dòng họ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Khi ngọn cỏ được tỉa gọn, bậc tam cấp được lau sạch, chân nhang được thay mới... thì cũng là lúc lòng người sống được thanh thản. Không phải ai cũng có thể làm quản trang bởi công việc ấy không chỉ cần sức lực, mà còn cần tấm lòng. Mỗi ngày trôi qua, giữa những hàng mộ lặng yên, họ âm thầm lau bụi thời gian, gìn giữ nơi an nghỉ của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Giữa cuộc sống hiện đại đầy tất bật, họ nhắc nhở chúng ta rằng: Ký ức cần được trân trọng, sự hy sinh cần được gìn giữ, tri ân.
Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nguoi-gin-giu-ky-uc-noi-nghia-trang-256104.htm
Bình luận (0)