Theo thống kê hải quan, từ tháng 1 đến tháng 5, xuất khẩu hoa đạt gần 38 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoa cúc dẫn đầu với mức tăng trưởng hơn 23%, theo sau là các loại hoa như cẩm chướng, hồ điệp và cát tường với mức tăng từ 6-11%.
Hoa Đà Lạt, với độ bền cao, màu sắc ổn định và cánh dày, đã chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Australia.
Một doanh nghiệp tại TP.HCM chia sẻ, mỗi tuần họ xuất khẩu hàng nghìn cành hoa theo đơn đặt hàng liên tục.
Không chỉ hoa, lá cây cũng ghi dấu ấn với doanh thu hơn 5,2 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ. Lá nguyệt quế, gia vị quen thuộc trong các món súp và cà ri, đạt mức tăng trưởng ấn tượng 142%. Lá tre và lá chuối cũng ghi nhận tăng trưởng hơn 52%.
Tiềm năng tăng trưởng của mặt hàng lá cây được đánh giá còn rất lớn, đặc biệt khi ẩm thực châu Á ngày càng phổ biến và cộng đồng người Việt toàn cầu đang ngày càng lớn mạnh.
Dù đạt nhiều thành tựu, ngành xuất khẩu hoa Việt Nam vẫn đối mặt với khó khăn liên quan đến bản quyền giống. Điều này khiến chủng loại hoa chưa thực sự đa dạng, hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang nỗ lực cải thiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các thị trường.
Vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã khuyến khích hợp tác với Trung tâm Thương mại và Đấu giá Hoa Quốc tế Côn Minh (KIFA), nơi có sản lượng giao dịch hoa lớn nhất châu Á và đứng thứ hai thế giới.
Ông Tào Vinh Căn, đại diện KIFA, bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển mô hình hiện đại của Việt Nam nhờ khí hậu và điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Ông kỳ vọng hai bên sẽ hợp tác toàn diện từ cung cấp giống, kỹ thuật trồng trọt, tiêu thụ đến xây dựng sàn đấu giá hoa quốc tế tại Việt Nam. Đây là bước đi chiến lược, giúp Việt Nam không chỉ gia tăng xuất khẩu mà còn hướng đến trở thành trung tâm giao dịch hoa khu vực.
Nguồn: https://baonghean.vn/ngoi-sao-bat-ngo-cua-nong-san-viet-thu-gan-40-trieu-usd-chi-sau-5-thang-xuat-khau-10303357.html
Bình luận (0)