Đầu tư công nghệ tạo ra tiện ích vượt trội nhân tố quan trọng để cạnh tranh và phát triển của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ngân hàng “chậm chân” trong cuộc đua công nghệ, đối mặt với nguy cơ tụt lại phía sau và mất đi lợi thế cạnh tranh.
Công nghệ đã trở thành nhân tố quyết định trong cuộc đua giữa các ngân hàng
Trong kỷ nguyên số, công nghệ đang trở thành yếu tố quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của các ngân hàng. Các ngân hàng có sự chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ tạo ra những cơ hội tăng trưởng và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng nhanh chóng bắt nhịp với xu thế này.
Hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam đang chứng kiến cuộc cách mạng số hóa mạnh mẽ, nơi công nghệ trở thành yếu tố sống còn để thu hút khách hàng và tối ưu hóa vận hành. Từ mở tài khoản trực tuyến (eKYC) đến các dịch vụ tài chính nhúng (embedded finance), các ngân hàng nội địa đang bứt tốc, biến trải nghiệm ngân hàng trở nên nhanh chóng và tiện lợi hơn bao giờ hết.
(ảnh minh họa)
Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và khối tư nhân năng động (VPBank, Techcombank, VIB, HDBank,…), đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ.
Trong đó, đầu tiên phải kể đến eKYC, tính năng cho phép khách hàng mở tài khoản ngân hàng chỉ trong vài phút thông qua ứng dụng di động, không cần đến chi nhánh. Đây là điểm chạm quan trọng thu hút hàng triệu khách hàng mới, đặc biệt là giới trẻ.
Cùng với đó là sự phát triển của ngân hàng di động (mobile banking) với vô vàn tính năng từ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, vay online, đến quản lý tài chính cá nhân. Các ngân hàng này liên tục cập nhật, bổ sung tiện ích, áp dụng AI và Big Data để cá nhân hóa dịch vụ, mang lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng.
Không dừng lại ở đó, họ còn tích cực hợp tác với các fintech, ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong thanh toán quốc tế, phát triển các giải pháp bảo mật nâng cao như xác thực sinh trắc học (nhận diện khuôn mặt, vân tay) theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi một số ngân hàng vẫn còn chậm chạp trong việc áp dụng công nghệ, nhiều ngân hàng khác đã bắt đầu thực hiện các chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ. Techcombank, Vietcombank, VPBank, BIDV là những ví dụ điển hình về các ngân hàng số. Các ngân hàng này không chỉ nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, mà còn đưa ra các sản phẩm dịch vụ số hóa, giúp khách hàng có thể thực hiện các giao dịch nhanh chóng và an toàn từ xa.
Theo đó, rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ đã trở thành chiến lược cốt lõi, giúp các ngân hàng nội địa mở rộng thị phần, giảm chi phí vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhiều ngân hàng vẫn còn “chậm chân”
Trái ngược với sự năng động của khối ngân hàng nội và một số ngân hàng nước ngoài tiên phong và không phải ngân hàng nào cũng nhanh chóng bắt nhịp với xu thế này. Vẫn còn không ít ngân hàng “chậm chân” trong cuộc đua công nghệ, đối mặt với nguy cơ tụt lại phía sau và mất đi lợi thế cạnh tranh.
Ví thể như ở Ngân hàng UOB, dù ứng dụng UOB TMRW có tính năng mở tài khoản online, song chỉ áp dụng cho khách hàng cư trú tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Hay tương tự là tại ứng dụng của Ngân hàng Indovina (IVB) cho thấy sự thiếu ổn định. Khi trải nghiệm mở tài khoản online, ứng dụng liên tục bị thoát ra đột ngột, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm người dùng.
Citibank hiện không hỗ trợ mở tài khoản cho khách hàng hoàn toàn mới thông qua eKYC. Người dùng chỉ có thể mở tài khoản nếu đã có quan hệ với ngân hàng (ví dụ: sở hữu thẻ ghi nợ/tín dụng). Tương tự tại HSBC, dù có quy trình đăng ký trực tuyến cho gói trả lương, nhưng vẫn yêu cầu sự can thiệp đáng kể của con người. Quy trình này chưa đạt đến mức tự động hóa hoàn toàn như các ngân hàng nội địa.
Tại Standard Chartered Bank thì chưa triển khai hình thức mở tài khoản online bằng eKYC cho khách hàng mới. Ứng dụng di động SC Mobile hiện chỉ hỗ trợ đăng ký cho những khách hàng đã có tài khoản hoặc thẻ với ngân hàng, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản/thẻ hiện có để kích hoạt dịch vụ.
Tại Public Bank, khách hàng cũng không thể mở tài khoản trực tuyến tại nhà, cho thấy ngân hàng này chưa triển khai dịch vụ eKYC một cách đầy đủ cho đối tượng khách hàng cá nhân mới.
Việc một số ngân hàng nước ngoài và liên doanh chậm chân trong chuyển đổi số bắt nguồn từ các rào cản chính: tuân thủ quy định kép (vừa quy định Việt Nam, vừa tiêu chuẩn tập đoàn mẹ), chiến lược ưu tiên thị trường (chưa đặt trọng tâm vào khách hàng cá nhân phổ thông) và hạ tầng công nghệ phức tạp.
Một số ngân hàng vẫn đang sử dụng các hệ thống cũ kỹ, không tương thích với các ứng dụng công nghệ hiện đại. Việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đòi hỏi nguồn lực tài chính và thời gian đáng kể, khiến nhiều ngân hàng e ngại đầu tư.
Thiếu nguồn nhân lực chuyên môn, trong khi công nghệ trong ngành ngân hàng đòi hỏi đội ngũ chuyên gia có kiến thức sâu về dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, và các công nghệ mới khác. Việc thiếu hụt nhân lực này khiến một số ngân hàng không thể phát triển nhanh chóng các giải pháp công nghệ.
Bên cạnh đó là không có hoặc thiếu chiến lược phát triển công nghệ rõ ràng và dài hạn. Họ có thể đã thực hiện một số sáng kiến nhỏ, nhưng chưa có kế hoạch toàn diện để tích hợp công nghệ vào mọi khía cạnh của hoạt động ngân hàng.
Sự chậm trễ này đặt ra nhiều thách thức, khiến họ nguy cơ bỏ lỡ lượng lớn khách hàng tiềm năng, đặc biệt là giới trẻ chuộng công nghệ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị phần mà còn làm suy yếu hiệu quả kinh doanh và khả năng mở rộng quy mô về lâu dài.
Những ngân hàng “chậm chân” sẽ cần phải nỗ lực thay đổi trong thời gian ngắn để không bị tụt lại phía sau. Họ cần đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và xây dựng chiến lược công nghệ rõ ràng và đồng bộ. Các ngân hàng cần học hỏi từ những thành công của các ngân hàng tiên phong, đồng thời xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các công ty công nghệ để tối ưu hóa quy trình và dịch vụ.
Chú trọng đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn và phân tích dữ liệu khách hàng, triển khai dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử, và chuyển tiền qua mạng. Bên cạnh đó, việc áp dụng blockchain để bảo mật giao dịch và tăng cường sự minh bạch sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của khách hàng.
Cuộc đua công nghệ đang ngày càng trở nên khốc liệt. Những ngân hàng nào có chiến lược phù hợp và hành động quyết liệt sẽ không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong thị trường tài chính hiện đại và ngược lại./.
Nguồn: https://baolamdong.vn/ngan-hang-cham-chan-o-cuoc-dua-cong-nghe-nguy-co-tut-lai-phia-sau-va-mat-di-loi-the-canh-tranh-382523.html
Bình luận (0)