Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nét đẹp dân ca, dân vũ của dân tộc Mông - Báo Cao Bằng điện tử

Dân ca, dân vũ không chỉ là nghệ thuật biểu diễn mà còn là “hồn cốt” trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh. Giữa bốn mùa mây núi điệp trùng, tiếng khèn, tiếng sáo, lời hát giao duyên và những điệu múa uyển chuyển đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo, trường tồn qua bao thế hệ.

Báo Cao BằngBáo Cao Bằng17/07/2025

Được hòa mình trong tiếng sáo, tiếng khèn và cả lời ca bay bổng, đầy cảm xúc của các chàng trai, cô gái người Mông trong ngày lễ, tết, chúng tôi phần nào cảm nhận được tình yêu, sự trân trọng của mỗi người Mông với nét đẹp trong bản sắc văn hóa này. Những ca từ mộc mạc, chân thành, say đắm nhưng tinh tế hòa lẫn tiếng khèn du dương, réo rắt, vang vọng khắp núi rừng, làm rộn rã lòng người.

Bà Hoàng Thị Duyên ở xóm Nà Pù, xã Nam Quang cho biết: Dân ca của dân tộc Mông là những bài hát do đồng bào tự sáng tác và được lưu truyền từ lâu đời. Dân ca có nhiều loại, hiện nay còn lưu giữ được một số loại hình dân ca: Hát trong sinh hoạt có hát ru, hát vui chơi của trẻ em; hát mang tính nghi lễ có hát lên nhà mới, hát trong đám cưới, hát tiễn đưa hồn...; hát giao duyên, hát than thân... Ngay từ lúc mới sinh ra, trẻ em người Mông đã được đắm mình trong cái nôi văn hóa cộng đồng với những làn điệu dân ca nói về cuộc sống, xây dựng bản làng. Những bài hát dân ca không chỉ thể hiện bằng lời mà còn có thể giãi bày thông qua những nhạc cụ như: sáo, khèn, kèn lá, đàn môi. Đây là cách để lưu giữ bản bắc văn hóa cũng như làm giàu thêm cho những làn điệu dân ca dân tộc Mông.

Trong các làn điệu dân ca dân tộc Mông thì các làn điệu hát đối đáp của trai gái đặc sắc hơn. Khi trên nương, dưới ruộng, gặp nhau tại các chợ phiên, đám cưới…, các chàng trai dùng lời ca, tiếng hát để bày tỏ tình cảm, ước nguyện của mình. Khi tìm hiểu nhau cũng mượn lời hát để hỏi về dòng họ của nhau. Nội dung bài hát thường là “Tối nay anh cùng em ngồi hát cho nhau nghe hay như vậy nhưng có khi hai chúng mình biết đâu lại cùng dòng họ, cùng gia đình, cùng tổ tiên. Do vậy phải hỏi để biết, nếu không phải như vậy thì chúng mình sẽ có cơ hội đến làm bạn với nhau”. Cách bày tỏ tình yêu của các chàng trai Mông bộc trực thẳng thắn nhưng hết sức mãnh liệt “Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng, em không có lòng thì thôi, có lòng thì về ta ở với nhau một đêm, em không có lòng thì thôi, có lòng thì về ta ở với nhau một ngày”. Những hình ảnh trong lời hát chân thành mộc mạc nhưng cũng phản ánh sâu sắc tâm tư, ước nguyện vươn tới hạnh phúc vẹn tròn. Qua lời hát, tiếng khèn họ tìm hiểu nhau và nên vợ nên chồng.

Theo ông Dương Văn Sáng, xã Hà Quảng, những làn điệu dân ca gắn với các chàng trai, cô gái suốt quá trình từ làm quen, tìm hiểu, đến đi hỏi dâu, vào nhà xin chỗ ngồi, xin giao lễ và xin đón dâu về... Vì thế, khi đám cưới người Mông diễn ra đều là những ngày hội sinh hoạt văn hóa hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với cộng đồng thôn bản, thông qua đây mọi người có thể thổ lộ tâm tư tình cảm của mình.

Cùng với hát dân ca trong những ngày lễ, hội thì trong đám tang, ngoài việc đọc bài lễ chỉ đường “Khúa kê”, người Mông còn hát một bài vào buổi tối hôm trước ngày đưa tang. Khi hát bài hát này, kèn, trống phải dừng lại để mọi người nghe tiếng hát. Cách thức thể hiện bài hát mang đậm tính nghi lễ. Tất cả những xót thương cho người đã khuất được chuyển tải thành lời hát, bài hát kể về người đã chết, vì sao chết, công lao người chết, ca ngợi người chết và cũng tỏ lòng tiếc thương với người chết; lời khuyên răn cho cả cộng đồng, con cháu; lời vợ khóc chồng, chồng khóc vợ; người đến phúng viếng cũng dành những lời tốt đẹp để nói về người đã chết… Trong đám ma có trên 20 bài hát, nội dung các bài hát không chỉ thấm đẫm tình người mà còn chắp cánh cho con người vươn tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Tiết mục múa khèn truyền thống của dân tộc Mông thể hiện sự dẻo dai, mạnh mẽ và tinh thần gắn kết cộng đồng trong các dịp lễ hội văn hóa.

Tiết mục múa khèn truyền thống của dân tộc Mông thể hiện sự dẻo dai, mạnh mẽ và tinh thần gắn kết cộng đồng trong các dịp lễ hội văn hóa.

Trong quá trình sinh sống và phát triển, đồng bào Mông đã sáng tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phong phú. Trong đó, bằng sự mô phỏng các động tác lao động, sản xuất, đồng bào đã tạo ra những điệu múa làm đắm say lòng người với rất nhiều thể loại như: múa sinh hoạt, múa tập thể, múa tín ngưỡng, múa độc diễn, múa đạo cụ… Mỗi điệu múa đều có nội dung khác nhau, nhưng chung quy lại đều thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Bằng sự uyển chuyển của cơ thể, những hình ảnh sinh hoạt, lao động hết sức bình dị của cộng đồng được tái hiện một cách sâu sắc. Tiêu biểu, phổ biến nhất là điệu múa khèn, điệu múa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các động tác của tay và chân được lặp đi lặp lại nhiều lần theo tiết tấu âm nhạc, không quy định khi múa chân nào bước trước, chân nào bước sau. Nhưng qua các động tác, người xem có thể nhận biết được cảm xúc, tình cảm của từng nghệ nhân múa, tất cả đều hướng về một tâm điểm như để chia sẻ, nhận lấy sự đồng cảm, tri ân với cộng đồng, thấy trong lòng được yên vui, vỗ về...

Không những vậy, chính các điệu múa mô phỏng các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của đồng bào cũng là cách giáo dục thế hệ trẻ hướng về nguồn cội. Do đó, trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng thì cuộc vui đều bắt đầu bằng những điệu múa khèn, bản hòa tấu sáo nhị hay một nhạc cụ riêng lẻ. Âm thanh của các nhạc cụ này như thúc giục mọi người xích lại gần nhau, cùng nhau chung vui với niềm hân hoan của cộng đồng. Sự xúc cảm, hưng phấn trong lúc vui chơi tập thể, bao gồm cả nam lẫn nữ, người già lẫn người trẻ tăng dần lên, rồi tạm ngừng khi cuộc vui kết thúc. Với đồng bào Mông, múa là sợi dây gắn kết, đưa các thành viên trong cộng đồng xích lại gần nhau hơn. Múa không chỉ làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú mà còn là cách để quảng bá những đặc trưng văn hóa của dân tộc.

Chị Hoàng Thị Mai, xã Hà Quảng chia sẻ: Tôi rất tự hào vì dân tộc mình có những điệu múa đắm say, uyển chuyển đến vậy. Chính các điệu múa đã giúp chúng tôi quên đi bao vất vả của cuộc sống cũng như giáo dục thế hệ trẻ có ý thức sống vì cộng đồng, hiểu biết về văn hóa dân tộc.

Thông qua các làn điệu dân ca, điệu múa, đồng bào Mông luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, cuộc sống ấm no, con cháu khỏe mạnh, hạnh phúc.   

Vân Khánh

Nguồn: https://baocaobang.vn/net-dep-dan-ca-dan-vu-cua-dan-toc-mong-3178647.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm