Nâng hạng thị trường chứng khoán: Hành trình xây dựng niềm tin
(Chinhphu.vn) - Việc nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ là một mục tiêu kỹ thuật, mà còn là quá trình xây dựng nền tảng phát triển bền vững. Yếu tố then chốt chính là củng cố niềm tin, nâng cao chất lượng quản trị và trải nghiệm của nhà đầu tư.
Báo Chính Phủ•17/07/2025
Hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán" - Ảnh: VGP/HT
Nâng hạng là hành trình kiến tạo hệ sinh thái thị trường bền vững
Phát biểu tại Hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán" ngày 17/7, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẳng định: Việc nâng hạng không phải là đích đến cuối cùng mà là cả một hành trình lâu dài, nhằm phát triển một thị trường chứng khoán (TTCK) minh bạch, hiện đại và hội nhập.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, thời gian qua, TTCK Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô, thanh khoản và chất lượng hàng hóa. Thanh khoản trung bình 10 phiên gần nhất dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, trở thành tín hiệu tích cực cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
UBCKNN đánh giá, thu hút vốn đầu tư gián tiếp - đặc biệt từ các quỹ tổ chức lớn - có thể tạo ra hiệu ứng tích cực đa chiều cho TTCK, đồng thời phát triển kênh huy động vốn trung dài hạn phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Trong các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nâng hạng thị trường là biện pháp được ưu tiên hàng đầu. Nghị quyết 86 năm 2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội đã đặt ra mục tiêu cụ thể nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Tiếp đó, Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 (Quyết định 1726) đề ra đích mốc 2025 phải đạt được nâng hạng.
Gần đây, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương nâng hạng TTCK và tái cơ cấu toàn diện để mở rộng kênh vốn cho khu vực tư nhân. Trên cơ sở đó, UBCKNN đã xây dựng các kế hoạch cụ thể, công bố lộ trình đáp ứng tiêu chí quốc tế, thường xuyên tổ chức hội nghị với nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức xếp hạng như MSCI, FTSE Russell để trao đổi, phản hồi và cải tiến chính sách.
Theo bà Chân Phương, việc nâng hạng không thể do một mình cơ quan quản lý thực hiện, mà là trách nhiệm đồng hành của tất cả các chủ thể tham gia thị trường. Đặc biệt, trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố trọng yếu để các tổ chức xếp hạng đánh giá nâng hạng.
Do đó, các công ty chứng khoán cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo minh bạch, công bố thông tin song ngữ, góp phần nâng cao trải nghiệm và niềm tin của nhà đầu tư quốc tế. Các doanh nghiệp niêm yết cũng cần cải thiện quản trị, công khai thông tin tài chính chính xác, kịp thời.
Nhà đầu tư trong nước, chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, cần được đào tạo bài bản để tránh đầu tư cảm tính, góp phần ổn định thị trường. UBCKNN hiện đang hoàn thiện 2 đề án quan trọng: Đào tạo nhà đầu tư và Tái cấu trúc nhà đầu tư. Đặc biệt, đề án phát triển ngành quỹ đầu tư sẽ nâng tỷ trọng ngành quỹ lên mức tương đương 6% GDP (khoảng 29 tỷ USD), tạo ra dòng vốn dài hạn và bền vững.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại Hội thảo - Ảnh:VGP/HT
Cần cải cách đồng bộ từ thể chế đến nền tảng công nghệ
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, Việt Nam đã đáp ứng phần lớn tiêu chí nâng hạng, đặc biệt sau khi triển khai cơ chế NPF (non-pre-funding) giúp nhà đầu tư nước ngoài giao dịch linh hoạt hơn. Hiện hơn 50% lệnh mua của khối ngoại là thông qua NPF, cho thấy sự tín nhiệm cao đối với cải cách chính sách.
Song, nâng hạng chỉ là một bước khởi đầu. UBCKNN đang phối hợp triển khai cơ chế CCP (trung tâm thanh toán bù trừ) - một bước tiến cần thiết để duy trì vị thế mới. Cùng với đó, cần phát triển sản phẩm tài chính xanh, ESG, cải cách hành chính và gỡ bỏ rào cản về room ngoại và các quy định phức tạp về ngành nghề đăng ký.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán nhấn mạnh, dù TTCK đã chuẩn bị nâng hạng, nhưng đào tạo, nâng cao nhận thức nhà đầu tư vẫn là việc cần làm liên tục. Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm hơn 99,7% khiến thị trường dễ bị tổn thương trước biến động. Do đó, cần đẩy mạnh đào tạo, phát triển các quỹ đầu tư và có chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư qua định chế chuyên nghiệp.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Hoàng Thế Hưng, đại diện Eximbank cho rằng cần minh bạch hóa thị trường qua chuẩn hóa quản trị, công bố thông tin đầy đủ và công bằng, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Tài chính của Quốc hội - Ảnh: VGP/HT
Nhấn mạnh yêu cầu nâng cao năng lực trung gian, khuyến khích đầu tư dài hạn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Tài chính của Quốc hội đánh giá, việc đào tạo để 99,98% nhà đầu tư cá nhân trở nên chuyên nghiệp là không dễ. Do đó, cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ tư vấn tài chính, quản lý gia sản, cũng như dịch vụ đầu tư thông qua quỹ chuyên nghiệp.
Để làm được điều này, ông Hiếu kiến nghị rà soát các rào cản gia nhập thị trường quỹ, đa dạng hóa sản phẩm quỹ đầu tư và chính sách thuế ưu đãi cho nhà đầu tư tổ chức.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng: Nhà đầu tư thường đầu tư theo cảm tính, thiếu chiến lược dài hạn. Đầu tư qua quỹ giúp nhà đầu tư tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm và quản trị chuyên nghiệp. Với đội ngũ hơn 75 năm kinh nghiệm quốc tế, VCBF là ví dụ điển hình cho quản lý hiệu quả danh mục đầu tư dài hạn.
Cùng quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS cho biết: Công ty liên tục tổ chức hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư về cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và tài chính cá nhân. Hướng đầu tư dài hạn 5–10 năm sẽ giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận bền vững và giảm rủi ro.
Ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á cho rằng, tài chính toàn diện là công cụ hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế, gồm người dân vùng sâu xa, công nhân, doanh nghiệp nhỏ. Trên TTCK, nhà đầu tư cá nhân cũng cần được bảo vệ thông qua tiếp cận công bằng thông tin và hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng, công ty chứng khoán.
Cần xây dựng nền tảng thông tin minh bạch, giảm cú sốc tâm lý và khôi phục niềm tin vào thị trường – điều đã từng bị tổn thương trong khủng hoảng trái phiếu và bảo hiểm.
Nhấn mạnh vai trò của truyền thông, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhận định, phát triển thị trường chứng khoán là động lực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025. Để thực hiện thành công lộ trình nâng hạng, vai trò của truyền thông trong nâng cao nhận thức nhà đầu tư là vô cùng thiết yếu.
Ông Phan Xuân Thủy đề xuất 5 giải pháp trọng tâm gồm: Đẩy mạnh truyền thông chính thống; yêu cầu DN minh bạch và kịp thời cung cấp thông tin; đào tạo đội ngũ báo chí tài chính chuyên sâu; phổ cập kiến thức đầu tư cho nhà đầu tư cá nhân; xử lý nghiêm các thông tin sai lệch gây lũng đoạn thị trường.
Có cùng quan điểm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh vai trò của báo chí chuyên sâu về tài chính chứng khoán. Để nhà đầu tư hiểu rõ sản phẩm ngày càng đa dạng và phức tạp, cần các chuyên mục chuyên sâu và đội ngũ phóng viên được đào tạo bài bản. Thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và dòng tiền thị trường, nhất là đối với nhà đầu tư F0.
"Cần tăng cường phối hợp giữa UBCKNN, báo chí và các định chế tài chính trong đào tạo, cung cấp thông tin chính xác, có chiều sâu", ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị.
Bình luận (0)