Thu hoạch lúa tại mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại HTX Tiến Thuận, xã Thạnh Quới, TP Cần Thơ.
Vai trò quan trọng
Các HTX đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết chuỗi và thúc đẩy nông dân ứng dụng các công nghệ trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa. Thực tế cho thấy, các mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp được triển khai thực hiện trong thời gian qua tại vùng ÐBSCL hầu như đều được thực hiện tại các cánh đồng của các HTX. Các HTX đã thể hiện khá rõ vai trò trong kết nối giữa các hộ dân để áp dụng các quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp và kết nối, ký kết hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ, vật tư nông nghiệp đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để hình thành liên kết chuỗi.
Liên kết chuỗi giá là giải pháp trọng tâm, quan trọng hàng đầu nhằm tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả và đảm bảo sự tham gia có trách nhiệm của các bên trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Liên kết chuỗi cũng là điều kiện tiên quyết để giúp nông dân tiếp cận tín dụng ưu đãi, thực hiện truy xuất nguồn gốc, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật canh tác bền vững và tham gia vào thị trường tín chỉ carbon trong tương lai. Trong các mục tiêu, định hướng được đề ra trong Ðề án 1 triệu héc-ta lúa cũng đã xác định, đến năm 2030 có 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Dự kiến có khoảng 2 triệu hộ nông dân trồng lúa, 1.230 HTX, tổ hợp tác và 210 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tham gia vào Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư và khả năng tiếp cận các công nghệ mới của các bên liên quan còn hạn chế, đặc biệt là nông dân và các HTX. Vì vậy, cần tăng cường thu hút đầu tư, đào tạo cho HTX và cần sự phối hợp tốt từ các bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Kịp thời củng cố và nâng cao khả năng quản trị, quản lý của các HTX. Thúc đẩy đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu của sản xuất như tưới nước, gieo sạ, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật một cách tiết kiệm, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số và phát triển sản xuất theo hướng xanh, thực hiện truy xuất nguồn gốc, nâng cao thương hiệu…
Hỗ trợ
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Ðặc biệt, các mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp đã khẳng định hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo Bộ NN&MT, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới. Năng suất lúa tăng 2,4-7%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Mô hình đã giúp giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm các loại khí thải trung bình tương đương 2-12 tấn CO₂/ha. Các mô hình cũng thúc đẩy liên kết theo chuỗi, nông dân được doanh nghiệp bao tiêu mua lúa với giá cao hơn bên ngoài.
Phát huy các kết quả đã đạt được, hiện các bộ ngành Trung ương và địa phương, nhất là Bộ NN&MT và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ tiếp tục quan tâm phối hợp các đơn vị có liên quan để nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Ðẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ xây dựng, phát triển HTX và các tổ chức nông dân, đào tạo nhân lực quản lý HTX, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo bền vững. Khuyến khích nông dân tham gia vào HTX và tạo điều kiện để các HTX đầu tư, ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực quản trị, quản lý sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo minh bạch và hiệu quả. Ðồng thời, tăng cường gắn kết giữa sản xuất, chế biến và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm giúp các địa phương vùng ÐBSCL và đơn vị chức năng có điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ cho HTX, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&MT vừa phối hợp Liên minh HTX Việt Nam và Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam tổ chức lớp tập huấn giảng viên nguồn (ToT) tại TP Cần Thơ. Lớp tập huấn được tổ chức nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên nguồn và chuẩn bị lực lượng nòng cốt để triển khai, nhân rộng các mô hình phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp. Lớp học này cũng đã hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, giảng viên các trường, đơn vị hỗ trợ HTX và HTX sử dụng phần mềm quản lý bán hàng (Hanbai) để phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao và phát thải thấp. Ðồng thời, hướng dẫn sử dụng kết hợp đồng bộ với phần mềm nhật ký sản xuất điện tử (FaceFarm) và phần mềm kế toán HTX (WACA) và khởi động Dự án thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi giá trị gạo chất lượng cao và phát thải thấp do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tài trợ.
Theo ông Nguyễn Thanh Mộng, Giám đốc Phát triển thị trường của Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam, thời gian qua công ty đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam cùng các viện, trường, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN&MT triển khai nhiều hoạt động đào tạo và chương trình, dự án chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các HTX tại ÐBSCL thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và xây dựng mô hình HTX số. Tính đến tháng 6-2025 đã đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi số cho gần 10.000 HTX và đào tạo 72 giảng viên nguồn để hỗ trợ thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa, xây dựng 15 mô hình HTX số…
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&MT, từ năm 2018, Cục đã đồng hành cùng Công ty Sorimachi Việt Nam trong các chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, với các phần mềm FaceFarm và WACA và nay là Hanbai, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều HTX nông nghiệp trên cả nước. Góp phần quan trọng vào các chương trình và dự án trọng điểm của Chính phủ và từng bước hình thành một hệ sinh thái số toàn diện cho chuỗi giá trị lúa gạo minh bạch, hiệu quả và phát thải thấp.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến cho biết năm 2025, Công ty Sorimachi Việt Nam tiếp tục được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hỗ trợ triển khai Dự án thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp thông qua ứng dụng phần mềm chuyển đổi số tại khu vực ÐBSCL của Việt Nam. Dự án lần này là bước tiến mới khi 3 phần mềm chuyển đổi số được tích hợp triển khai đồng bộ đến hàng trăm HTX tại ÐBSCL. Từ đó, tạo nền tảng để nâng cao năng lực quản trị, cải thiện thu nhập cho nông dân và mở rộng kết nối thị trường trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://baocantho.com.vn/nang-cao-nang-luc-cua-hop-tac-xa-trong-thuc-hien-e-an-1-trieu-hec-ta-lua-a188296.html
Bình luận (0)