Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mức giảm trừ gia cảnh: Cần thích ứng với biến động giá cả

Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết và cần bảo đảm công bằng, thích ứng với biến động giá cả.

Hà Nội MớiHà Nội Mới25/07/2025

Bộ Tài chính vừa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo hai phương án. Phương án 1, với người nộp thuế là 13,3 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng. Phương án 2, với người nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng và với mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ mới áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026. Theo chuyên gia, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết và cần bảo đảm công bằng, thích ứng với biến động giá cả.

gia-canh-1.jpg
Người nộp thuế giao dịch tại bộ phận “một cửa” Thuế cơ sở 7 (Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

Hai phương án điều chỉnh

Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án điều chỉnh mức giảm trừ để cấp thẩm quyền xem xét.

Phương án 1, điều chỉnh theo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). CPI lũy kế từ năm 2020 đến năm 2025 tăng khoảng 21,24%. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng. Phương án này đúng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, bám sát phương diện cơ sở áp dụng các khoản giảm trừ theo nhu cầu thiết yếu cuộc sống và mức trượt giá từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020).

Phương án 2, căn cứ theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người năm 2025 so với năm 2020, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên 15,5 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên khoảng 6,2 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 12.000 tỷ đồng theo phương án 1 và 21.000 tỷ đồng theo phương án 2. Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng.

Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) cũng đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án sửa đổi biểu thuế, theo hướng giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập. Phương án 1, thu nhập tính thuế được chia thành 5 bậc: Phần thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng áp dụng thuế suất 5%; thu nhập từ trên 10 đến 30 triệu đồng chịu thuế suất 15%; trên 30 đến 50 triệu đồng là 25%; trên 50 đến 80 triệu đồng là 30%; trên 80 triệu đồng áp dụng thuế suất 35%.

Phương án 2, vẫn là 5 bậc thuế nhưng điều chỉnh lại khoảng cách thu nhập theo hướng nới rộng hơn ở các bậc cao. Cụ thể, thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng chịu thuế suất 5%; thu nhập trên 10 đến 30 triệu đồng áp thuế 15%; trên 30 đến 60 triệu đồng áp mức 25%; trên 60 đến 100 triệu đồng là 30%; trên 100 triệu đồng chịu thuế suất 35%.

gia-canh-2.jpg
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Winmart (phường Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Quang

Thiết lập cơ chế điều chỉnh tự động

PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, đánh giá: Việc đề xuất hai phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân là động thái kịp thời và cần thiết. Trong hai phương án trên, phương án 2 có thể làm giảm thu ngân sách nhiều hơn song là lựa chọn đúng đắn nếu đánh giá từ góc nhìn công bằng xã hội. "Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh không làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu chính mà chủ yếu giúp giảm gánh nặng cho người lao động phổ thông, lực lượng đang chịu nhiều tổn thương nhất bởi chi phí sinh hoạt tăng cao”, ông Ngô Trí Long nói.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Giang (Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng) cho rằng, phương án 2 là hợp lý và có căn cứ khoa học hơn. CPI chủ yếu đo lường biến động giá hàng hóa và dịch vụ, nhưng không phản ánh toàn diện mức cải thiện thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh mức sống và năng lực chi trả của người dân ở các đô thị lớn ngày càng cao. Ngược lại, các chỉ số về thu nhập và GDP bình quân đầu người bao quát hơn, bám sát sự phát triển thực tiễn của nền kinh tế cũng như khả năng tài chính của các hộ gia đình. Vì vậy, mức đề xuất giảm trừ gia cảnh 15,5 triệu đồng/người/tháng cho người nộp thuế và 6,2 triệu đồng/người/tháng cho người phụ thuộc phù hợp hơn với chi phí sống tại các thành phố lớn.

Còn PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) kiến nghị, nên giảm trừ gia cảnh theo mức sống thực tế từng vùng miền, bởi chi tiêu cơ bản ở nông thôn và thành thị khác nhau.

Liên quan đến biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế, chuyên gia Nguyễn Thị Cẩm Giang cho rằng, việc rút gọn biểu thuế lũy tiến từng phần từ 7 xuống 5 bậc như trong hai phương án đề xuất của dự thảo là bước đi đúng hướng, phù hợp với xu thế quốc tế nhằm đơn giản hóa chính sách, giảm áp lực kê khai. Tuy nhiên, cả hai phương án vẫn có hạn chế. Cụ thể, khoảng cách giữa các bậc thấp (dưới 30 triệu đồng/tháng) còn quá hẹp, trong khi mức sống tối thiểu, đặc biệt ở các đô thị lớn, đang tăng nhanh. Chênh lệch thuế suất từ bậc 2 sang bậc 3 (từ 15% lên 25%) là khá lớn, có thể gây cảm giác áp lực thuế không hợp lý cho nhóm có thu nhập trung bình khá.

Trên cơ sở đó, biểu thuế nên thiết kế theo hướng tiếp tục giữ 5 bậc nhưng giãn rộng hơn khoảng thu nhập ở các bậc thấp. Chẳng hạn, bậc 1 đến 15 triệu đồng/tháng, bậc 2 là trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng/tháng, qua đó giảm nghĩa vụ thuế cho đa số người lao động; đồng thời, giữ nguyên hoặc nới xa biên độ các bậc cao, chỉ áp mức thuế suất tối đa 35% với phần thu nhập rất cao, nhằm tránh triệt tiêu động lực tích lũy và thu hút nhân lực trình độ cao.

Ngoài ra, cần duy trì cơ chế điều chỉnh định kỳ biểu thuế căn cứ vào thu nhập bình quân, lương tối thiểu vùng và biến động chi phí sống thực tế, đồng thời xem xét mở rộng các khoản giảm trừ hợp lý như chi phí giáo dục, y tế, chăm sóc người phụ thuộc để phản ánh đúng gánh nặng chi tiêu thực tế của người nộp thuế.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/muc-giam-tru-gia-canh-can-thich-ung-voi-bien-dong-gia-ca-710449.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm