Không để ai bị bỏ lại phía sau, các lớp học trang bị kỹ năng số cơ bản miễn phí dành cho người cao tuổi “Công dân số bạc” đang từng bước thu hẹp khoảng cách số giữa các thế hệ, mở ra một mô hình giáo dục cộng đồng thiết thực và giàu ý nghĩa.
Người cao tuổi hào hứng "vượt cạn" công nghệ
Ngày cuối tuần tháng 7, tại văn phòng khu phố ở phường Tân Hưng, TPHCM, lớp học kỹ năng số miễn phí dành cho những “Công dân số bạc” rộn ràng tiếng cười nói.
Đây là một trong ba nội dung trọng tâm thuộc mô hình “khu phố 4D” do chính quyền địa phương kết hợp với dự án “Công dân số bạc” triển khai. Chương trình được thiết kế riêng cho người cao tuổi, giúp họ tiếp cận công nghệ một cách đơn giản, dễ hiểu và an toàn trong thời đại số.
Ngày đầu khai giảng, văn phòng khu phố đã đón những học viên đặc biệt. Những mái đầu bạc, bước chân chậm rãi, tay xách giấy bút, kính lão, điện thoại thông minh… háo hức đến lớp.
Bên cạnh họ, những bạn trẻ tình nguyện nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn từng thao tác nhỏ như cài đặt ứng dụng, sử dụng mạng xã hội hay tìm kiếm thông tin trên mạng.
Tham gia lớp học, bà Phạm Quỳnh Anh (77 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hiệp (76 tuổi) rủ nhau ngồi hàng ghế đầu, chăm chú lắng nghe và giúp đỡ nhau học tập.
Bà Quỳnh Anh chia sẻ, việc được học cùng nhóm bạn già là một niềm vui không nhỏ: “Tôi và mấy chị em trong chung cư thấy đây là cơ hội quý. Giờ tôi muốn học thêm những thứ như chuyển tiền online, tìm livestream (xem trực tuyến) của những lớp học yêu thích. Có lớp như này để học hỏi thêm, tôi yên tâm hơn hẳn”.

Dù ngón tay run run nhưng các ông bà vẫn kiên nhẫn học từng thao tác (Ảnh: Khánh Ly).
Không chỉ là niềm vui được học hỏi những điều mới, những người "công dân số bạc" còn tìm thấy sự đồng cảm và giải pháp cho những trăn trở thường ngày.
Bà Thái Thị Ánh Hồng, cư dân sống trong khu phố, không ngại chia sẻ những khó khăn và lý do tham gia lớp học: “Bình thường tôi hỏi con về cách sử dụng điện thoại, nhưng nó rành rồi nên chỉ nhanh quá, mình mới chỉ biết cơ bản nên không hiểu kịp”.
Buổi học kỹ năng số khác tại thư viện số Nguyễn An Ninh (phường Bến Nghé) mới đây cũng đầy thú vị cho những người lớn tuổi. Trong không khí vừa lạ lẫm vừa đầy háo hức, bà Nguyễn Thị Hoài Xuân, một trong những học viên cao tuổi, không giấu nổi sự hồi hộp ban đầu.
Bà chia sẻ: “Ban đầu tôi nghĩ mình không theo kịp”. Nhưng rồi, với sự kiên nhẫn và tận tình hướng dẫn từng bước của các bạn tình nguyện viên, những ngón tay run run đã dần quen với màn hình cảm ứng, ánh mắt nheo lại tìm kiếm thông tin trên những dòng chữ.
Sự hồi hộp ban đầu nhanh chóng được thay thế bằng niềm vui vỡ òa khi bà Hoài Xuân và nhiều học viên khác dần làm chủ công nghệ. Bà đã có thể tự mình gọi video cho con cháu, đọc báo online, tra cứu thông tin y tế...

Rào cản lớn nhất khiến nhiều người cao tuổi e ngại việc học công nghệ không phải là khả năng tiếp thu, mà là tâm lý sợ học chậm, ngại hỏi hoặc sợ làm sai.
Nhận thấy điều đó, các tình nguyện viên luôn nỗ lực tạo ra một không gian học tập an toàn, hỗ trợ từ kỹ thuật đến tinh thần.
Vương Gia Mỹ (phường Tân Hưng) là một trong những tình nguyện viên của lớp "Công dân số bạc". Ngày đầu khai giảng, Mỹ có mặt từ rất sớm, chuẩn bị bàn ghế, kiểm tra kết nối và cẩn thận mở từng chiếc điện thoại giúp các cô chú truy cập đúng bài học.
Dáng người nhỏ nhắn nhưng luôn nhanh nhẹn, giọng nói nhẹ nhàng mà truyền cảm, Mỹ đặc biệt kiên nhẫn với những học viên lớn tuổi chưa quen thao tác.
Mỹ cho biết, thao tác điện thoại thông minh đối với nhiều người lớn tuổi còn khá khó khăn. Vì vậy, tình nguyện viên phải luôn cố gắng tìm cách hướng dẫn thật chi tiết, nhẹ nhàng.
“Mình luôn nghĩ các cô chú giống như ông bà, cha mẹ của mình. Nên khi giúp, mình đặt cả sự quan tâm và thấu hiểu vào từng bước hướng dẫn”, Gia Mỹ chia sẻ.




Từng thao tác thành công, từng cuộc gọi video kết nối với người thân ở xa, hay việc tự mình tìm kiếm thông tin sức khỏe trên mạng, đều mang lại cho các cụ cảm giác chiến thắng và niềm hạnh phúc được hòa nhập, được khám phá.
Ánh mắt rạng ngời, nụ cười mãn nguyện trên những khuôn mặt đã kể thay tất cả về hành trình đầy ý nghĩa này, nơi công nghệ không còn là rào cản mà trở thành cầu nối yêu thương và tri thức.
Hơn cả kỹ năng số: Cởi mở - kết nối - an toàn - tự tin
Tại lớp học “Công dân số bạc”, người cao tuổi sẽ được cung cấp nội dung học tập thiết thực như sử dụng điện thoại thông minh, kết nối với gia đình qua mạng xã hội, đăng ký dịch vụ công trực tuyến, tìm hiểu về các ứng dụng di chuyển, giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe hiện đại…
Đặc biệt, dự án ra đời còn để giúp họ bước vào thế giới số một cách tự tin và an toàn. Ở đây, họ không chỉ học cách dùng công nghệ, mà còn trang bị biện pháp bảo vệ bản thân trong không gian mạng, phát hiện lừa đảo, tránh tin giả và tận hưởng những tiện ích mà trước đây họ nghĩ là quá phức tạp.
Từng tham gia lớp học đặc biệt này, có cụ bị lừa 60 triệu đồng, nhưng nhờ đến lớp đã biết đặt câu hỏi có phải đây là lừa đảo khi nhận được tin nhắn từ người lạ, có người bắt xe buýt 2-3 tiếng chỉ để ngồi học 2 giờ đồng hồ.
Lớp học cũng đón những cụ 80 tuổi nhưng vẫn đến lớp, có cả những vợ chồng cùng dắt tay nhau tới lớp, kiên nhẫn chỉ cho nhau từng thông tin.

Những lớp học mang đến niềm vui, sự tự tin cho người cao tuổi (Ảnh: BTC).
Ra đời từ những loay hoay thường ngày của chính cha mẹ mình, dự án “Công dân số bạc” được sáng lập bởi ThS Phan Bảo Thy, người từng chứng kiến sự bối rối của mẹ khi không biết phóng to chữ trên màn hình điện thoại và sự mất lòng tin của ba sau một lần mua hàng trực tuyến không như hình ảnh quảng cáo với cảm giác “có vẻ như mình bị lừa".
ThS Bảo Thy cho biết, hưởng ứng tinh thần “Bình dân học vụ số” đang được Đảng và Nhà nước triển khai, xuất phát từ những trăn trở của người lớn tuổi và mong muốn cá nhân kiến tạo một cộng đồng đa thế hệ hỗ trợ và chăm sóc tinh thần cho người cao tuổi, dự án “Công dân số bạc” đã và đang triển khai các lớp học kỹ năng số dành riêng cho người cao tuổi tại TPHCM.
Lớp tổ chức thành các mô hình Trạm Tech (dành cho các cụ đăng ký vãng lai, như ở Đường sách TPHCM), “Lớp bình dân học vụ” phối hợp với khu phố, Ban quản lý chung cư và chính quyền địa phương như ở phường Cát Lái, Tân Hưng và các nhóm lớp gia đình do học viên là người cao tuổi điều phối.

Đây không chỉ đơn thuần tổ chức các lớp học kỹ năng số mà còn xây dựng một môi trường học tập cởi mở, thân thiện và thấu hiểu dành riêng cho người lớn tuổi.
Với chị Bảo Thy, những lớp học “Công dân số bạc” là nơi để dành yêu thương chân thành cho người thân của mình. Chị mong muốn ở lớp học này, sẽ luôn có niềm vui và hạnh phúc với tình yêu thương và kiên nhẫn, để không ai bị bỏ lại trong thế giới số.
Lớp học được tổ chức định kỳ 6 buổi/khóa cơ bản, khai giảng hàng tuần tại nhiều cộng đồng dân cư, trung tâm sinh hoạt và được hỗ trợ bởi đội ngũ tình nguyện viên trẻ tuổi, nhiệt huyết, được tập huấn định kỳ.
Ngoài lớp học trực tiếp, chương trình cũng xây dựng trang website riêng để học viên thuận tiện theo dõi thông tin. Người cao tuổi muốn học nâng cao cũng sẽ đăng ký theo chuyên đề.
Ngoài ra, dự án còn duy trì hoạt động cộng đồng như nhóm học viên chia sẻ kinh nghiệm, nhóm hỗ trợ học tập trực tuyến và sự kiện truyền cảm hứng để kết nối những người cao tuổi cùng chí hướng.
Tinh thần “học hỏi không ngừng nghỉ” đã trở thành động lực để nhiều ông bà, cô chú vượt qua giới hạn bản thân, trở thành hình mẫu tích cực trong gia đình và xã hội.
Trong tương lai, chương trình dự kiến kết nối với các trường đại học, tổ chức để lan tỏa mô hình này đến nhiều khu dân cư trên toàn quốc.

Lớp học được tổ chức định kỳ 6 buổi/khóa cơ bản, khai giảng hàng tuần tại nhiều cộng đồng dân cư, trung tâm sinh hoạt
Ông Lê Đức Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiêm Bí thư Đoàn phường Tân Hưng, cho biết lớp học kỹ năng số với “Công dân số bạc” tổ chức trên địa bàn phường Tân Hưng là một hoạt động của ban Công tác Mặt trận khu phố 3, 8, chi đoàn, chi hội liên hiệp thanh niên các khu phố 1, 2, 3, 4, 6 trên địa bàn phường phối hợp với các đơn vị tổ chức.
“Đây là một dự án rất ý nghĩa bởi người lớn tuổi thường gặp khó khăn trong sử dụng công nghệ, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số, khi công nghệ phát triển rất nhanh. Lớp học sẽ hỗ trợ thêm cô chú lớn tuổi trong chuyển đổi số, nhận diện lừa đảo”, ông Đạt chia sẻ.
Về với lớp học, Đoàn phường Tân Hưng cũng phối hợp triển khai đội hình truyền thông chuyển đổi số để phát huy các bạn đoàn viên thanh niên trên địa bàn phường để hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài ứng dụng “Trợ lý ảo phường Tân Hưng” được xây dựng trên nền tảng nền tảng ChatGPT.
Ứng dụng giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin thủ tục hành chính, được giải đáp thắc mắc và hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ một cách nhanh chóng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về việc sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn.
Huyên Nguyễn & Khánh Ly
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/lop-hoc-cong-dan-so-bac-doc-dao-u80-tu-tin-luot-mang-thoat-bay-lua-dao-20250727202245869.htm
Bình luận (0)