Phong trào đổi công, hỗ trợ nhau dựng nhà mới tiếp tục được nhân rộng, trở thành nét đẹp nghĩa tình ở các địa phương
Cán đích sớm, vượt xa chỉ tiêu
Riêng trên địa bàn Lào Cai (cũ), theo báo cáo của UBND tỉnh, kế hoạch đặt ra là hỗ trợ 10.707 căn nhà, gồm 7.352 căn xây mới và 3.355 căn sửa chữa. Đến nay, toàn bộ số nhà trên đã được hoàn thành, đạt 100% kế hoạch; về đích sớm gần ba tháng so với mốc 31/8 được giao.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình lên tới hơn 1.087 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn: ngân sách trung ương trên 208,7 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 179 tỷ đồng, người dân tự nguyện đóng góp gần 499 tỷ đồng và xã hội hóa hơn 201 tỷ đồng.
Điểm ấn tượng nhất của chương trình không chỉ là tiến độ "thần tốc" mà còn ở chất lượng và giá trị thực tế vượt xa quy định. Trung bình mỗi căn nhà được hỗ trợ xây mới tại địa phương có giá trị khoảng 154 triệu đồng, gấp hơn 2,5 lần mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương (60 triệu đồng/hộ khi xây dựng mới). Đối với nhà sửa chữa, mức đầu tư trung bình cũng lên tới 59 triệu đồng, gần gấp đôi mức hỗ trợ theo quy định (30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa).
Ngoài ra, chương trình cũng huy động trên 19.500 ngày công lao động từ lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh niên, tổ chức đoàn thể và người dân – cho thấy sức mạnh của tinh thần "Nhà nước và Nhân dân cùng làm" được phát huy tối đa.
Giá trị nhà ở cao gấp ba lần định mức hỗ trợ
Còn tại Yên Bái (cũ), chương trình cũng được triển khai bài bản và hiệu quả. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ 2.208 căn nhà, gồm 1.815 căn xây mới và 393 căn sửa chữa, đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, có 272 căn dành cho người có công và thân nhân liệt sĩ, 1.546 căn cho hộ nghèo và 390 căn cho hộ cận nghèo.
Tổng nguồn lực huy động đạt 120,69 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 12,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 25,4 tỷ đồng, phần còn lại được huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội và đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, theo thống kê của UBND tỉnh, giá trị trung bình mỗi căn nhà xây mới tại đây đạt tới 187 triệu đồng – gấp hơn 3 lần định mức hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, 30,1% số nhà có giá trị trên 200 triệu đồng, 41,1% từ 100–200 triệu đồng. Nhà sửa chữa cũng đạt trung bình 60 triệu đồng/căn.
Ngoài phần "cứng" là kết cấu, chương trình còn quan tâm tới sự tiện nghi, bảo đảm sinh hoạt, với: 1.883 căn nhà có đầy đủ công trình vệ sinh, bếp nấu; 59 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi tham gia chương trình. Mỗi căn nhà đều đạt chuẩn "3 cứng" (nền, khung tường, mái) và phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán từng vùng, từng dân tộc.
Hội viên phụ nữ tỉnh Lào Cai góp ngày công, địu cát vượt đường núi hỗ trợ xây nhà mới ở địa bàn vùng cao, giao thông khó khăn
Tổ chức thực hiện bài bản, sáng tạo từ cơ sở
Một trong những điểm sáng của chương trình là cách làm linh hoạt, bài bản, phát huy vai trò chủ thể của chính quyền cơ sở và người dân.
Ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Lào Cai (Lào Cai, Yên Bái) đã đồng loạt tổ chức lễ phát động xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, tạo khí thế thi đua lan tỏa từ tỉnh đến tận thôn, bản. Tại cơ sở, trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín trong cộng đồng trở thành "cầu nối" quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia, khắc phục tư tưởng chờ đợi, e ngại "xung tuổi" để chủ động làm nhà đúng thời điểm.
Chính quyền xã đóng vai trò như "nhạc trưởng" điều phối các khâu thi công, vật liệu, nhân lực; phối hợp với lực lượng công an, quân đội, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp... Tại nhiều khu vực xa xôi, khó tiếp cận, con đường vận chuyển vật liệu được mở ra bằng sức dân, bằng lòng người đã giúp tiết giảm chi phí mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Việc thành lập các tổ đổi công để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần đẩy nhanh tiến độ chương trình.
Đặc biệt, công tác rà soát, xét duyệt danh sách hộ được hỗ trợ được thực hiện công khai, minh bạch từ thôn, bản, dưới sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Điều này góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân, bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao.
Những căn nhà mới là biểu tượng sống động của tinh thần đoàn kết, sẻ chia và quyết tâm xây dựng vùng cao phát triển bền vững
Chặng đường tiếp nối: Không để nhà tạm tái phát sinh
Dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, tỉnh Lào Cai hiện xác định chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không phải nhiệm vụ một sớm một chiều, mà là hành trình lâu dài, bền bỉ. Là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, dân cư phân tán, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, việc phát sinh thêm các trường hợp nhà tạm, nhà hư hỏng là điều khó tránh khỏi.
Trước thực tế đó, tỉnh kiên định quan điểm xuyên suốt: "Phát sinh nhà tạm, nhà dột nát đến đâu, xóa gọn đến đó". Lào Cai sẽ tiếp tục lồng ghép hiệu quả các nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia và các dự án an sinh xã hội khác để kịp thời hỗ trợ người dân; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò của cộng đồng và đẩy mạnh huy động xã hội hóa để tạo nguồn lực lâu dài, bền vững.
Mái ấm vững chãi – Nền tảng phát triển bền vững
Từ những ngôi nhà nhỏ giữa non cao, một thông điệp lớn đang được lan tỏa - An cư là tiền đề của an sinh, và an sinh là gốc rễ của phát triển bền vững. Những căn nhà mới không chỉ giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, mà còn góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn vùng cao, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Giá trị mỗi căn nhà được xây dựng không nằm ở con số vài trăm triệu đồng, mà ở chỗ đó là kết tinh của tình người, trách nhiệm và khát vọng vươn lên. Lào Cai sau sáp nhập đang bước vào giai đoạn mới với tâm thế mới, phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.
Sơn Hào
Nguồn: https://baochinhphu.vn/lao-cai-hang-nghin-can-nha-vuot-chuan-ve-dich-som-102250724130946721.htm
Bình luận (0)