Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình Nguyễn Hữu Mạnh cho biết, Ninh Bình hiện có 27.280 liệt sĩ chưa rõ thông tin, phần mộ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Vận động xã hội hóa gắn với trách nhiệm chính trị và tình cảm nhân văn
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm Kế hoạch số 356/KH-BCA-C06 về việc triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên toàn quốc, chiều 25/7, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mạnh - Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình cho biết Ninh Bình hiện có 44.694 liệt sĩ, trong đó có 27.280 liệt sĩ chưa rõ thông tin, phần mộ.
Trong những năm qua, thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình luôn xác định công tác chăm lo cho gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là trách nhiệm chính trị, tình cảm thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung, Công an tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Trong đó, việc tổ chức công tác thu nhận, giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ là trách nhiệm, là nghĩa cử thiêng liêng để tri ân những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đến nay Công an tỉnh đã cập nhật 100% dữ liệu liệt sĩ chưa rõ thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiến hành thu nhận 9.412 mẫu ADN thân nhân của 6.061 liệt sĩ; trong đó Cục C06 phân bổ 904 mẫu, tỉnh chủ động bằng nguồn kinh phí xã hội hóa thu 8.508 mẫu.
Từ thực tiễn triển khai, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình đã chia sẻ một số kinh nghiệm, kết quả nổi bật trong công tác vận động xã hội hóa phục vụ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Ngay từ khi Bộ Công an ban hành Kế hoạch về việc thu nhận ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, Công an tỉnh Ninh Bình đã chủ động báo cáo, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo: Giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp Sở Nội vụ và các sở, ngành, địa phương thực hiện. Nhờ đó, tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị, là cơ sở quan trọng để huy động nguồn lực xã hội hóa.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của Nhân dân. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ có liên quan và Công an cấp xã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo, Báo và Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh, các tổ chức đoàn thể... để tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, mục đích của công tác thu nhận và giám định ADN, phân công cán bộ đến gặp gỡ trực tiếp gia đình liệt sĩ vận động, giải thích rõ ràng, cặn kẽ. Nhờ đó, đã tạo được sự tin tưởng, tự nguyện hưởng ứng từ phía người dân, đặc biệt là các gia đình thân nhân liệt sĩ.
Công an cấp xã là lực lượng gần dân, sát dân, được giao nhiệm vụ rà soát, xác minh thông tin; cập nhật vào cơ sở dữ liệu và phối hợp với nhân viên y tế tổ chức thu nhận mẫu sinh phẩm. Do đó, phải phân công cán bộ có uy tín, kinh nghiệm trực tiếp phụ trách công tác tuyên truyền, vận động để tăng hiệu quả thuyết phục.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mạnh, công tác vận động nguồn lực xã hội hóa được tiến hành theo phương châm: "Minh bạch - Thiết thực - Đúng đối tượng". Cụ thể là huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; kết nối với doanh nghiệp có đủ năng lực về lấy mẫu ADN để giảm chi phí giám định; đảm bảo chính xác, khách quan.
Các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí trực tiếp ký hợp đồng với công ty xét nghiệm thể hiện việc sử dụng nguồn xã hội hóa đúng mục đích, công khai, khách quan, tạo niềm tin cho cộng đồng và doanh nghiệp.
Tính đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã vận động được mười chín tỷ một trăm ba mươi triệu đồng (trong đó, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tự nguyện đóng góp một tỷ bảy trăm hai mươi triệu đồng) phục vụ thu nhận và giám định tương đương 8.508 mẫu sinh phẩm thân nhân của 6.061 liệt sĩ.
"Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp Cục C06, các đơn vị liên quan đối sánh, xác định danh tính liệt sĩ, để xác định phần mộ góp phần xoa dịu nỗi đau của gia đình, người thân liệt sĩ", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mạnh cho biết.
Để có được những kết quả trên, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình Nguyễn Hữu Mạnh cũng cho biết Công an tỉnh Ninh Bình đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là, phải gắn công tác vận động xã hội hóa với trách nhiệm chính trị, sự gương mẫu, quyết liệt chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo các cấp.
Phải sâu sát cơ sở, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ để có cách tuyên truyền, vận động phù hợp.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ, rõ ràng, nhất là giữa Công an - Sở Nội vụ - Quân đội trong công tác rà soát, xác mình số liệt sĩ chưa xác định danh tính, thân nhân của liệt sĩ.
Cuối cùng là phải minh bạch trong tiếp nhận, sử dụng và công khai kết quả xét nghiệm để tạo sự tin tưởng, lan tỏa trong xã hội.
"Chiến tranh đã dần lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu, nhất là đối với những gia đình thân nhân liệt sĩ. Ngày nào hài cốt của các liệt sĩ chưa được tìm thấy và chưa được xác định thông tin thì chúng ta vẫn còn trăn trở, day dứt.
Bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm và quyết tâm chính trị, thời gian tới, Công an tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của các bộ, ngành và địa phương làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mạnh nhấn mạnh.
Tập trung tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin
Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình Nguyễn Hữu Mạnh cho hay, trong thời gian tới sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tích cực, hiệu quả một số nội dung quan trọng.
Một là, tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện; đồng thời chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện chính sách tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin; vận động các tổ chức, nhân dân cung cấp thông tin và phối hợp tham gia tìm kiếm thông tin thân nhân liệt sĩ chưa rõ danh tính.
Hai là, tiếp tục rà soát, xác minh, bổ sung thông tin về liệt sĩ, phần mộ liệt sĩ; đối chiếu làm sạch và bổ sung thông tin, nhập dữ liệu người có công trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ba là, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện và tiếp tục vận động tuyên truyền các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tài trợ để phục vụ lấy mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và xét nghiệm mẫu xương phân tích ADN hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin.
Bốn là, thường xuyên quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với Người có công và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", đặc biệt là việc quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, Mẹ liệt sĩ còn sống.
Phương Liên
Nguồn: https://baochinhphu.vn/xa-hoi-hoa-kinh-phi-phuc-vu-thu-nhan-xet-nghiem-adn-cua-liet-si-minh-bach-thiet-thuc-dung-doi-tuong-102250725193324995.htm
Bình luận (0)