Ngày 11-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Trong đó, Luật Nhà giáo đã có các quy định mới về lương giáo viên.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng đã giới thiệu những nội dung chính của Luật Nhà giáo. Theo đó, Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 5 chính sách lớn gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, luật đã quy định các chính sách về thu nhập đối với nhà giáo. Trong đó, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Điều 23 Luật Nhà giáo quy định "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh liên quan đến lương của nhà giáo, bảo đảm chủ trương xếp cao nhất.
Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, hiện Bộ GD-ĐT đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương mới cho nhà giáo, chế độ hưu trí, để thực thi đối với nhà giáo có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực.
Bộ GD-ĐT đang tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương, xây dựng các mức lương phù hợp giáo viên mầm non, phổ thông, đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các nhóm nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác, cũng như đảm bảo mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến sự nghiệp giáo dục.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Luật Nhà giáo đã quy định nhà giáo được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, dân tộc, miền núi, hải đảo,... góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.
Luật Nhà giáo bổ sung các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân sự chất lượng cao vào công tác tại ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo viên. Ngoài ra, giáo viên mầm non nếu có nguyện vọng được nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 năm mà không bị giảm lương hưu (nếu đủ 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội).
Nguồn: https://nld.com.vn/lanh-dao-bo-gd-dt-gioi-thieu-quy-dinh-moi-ve-luong-giao-vien-196250711111152881.htm
Bình luận (0)