
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án Xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn năm 2024 và chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) với UBND TP Hồ Chí Minh, giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp hữu ích để đưa nông sản an toàn của tỉnh Lâm Đồng đến tay người tiêu dùng thành phố nhiều hơn.

Lâm Đồng - Đối tác chiến lược cung ứng nông sản an toàn của TP Hồ Chí Minh
Theo thông tin từ Hội nghị, Lâm Đồng hiện là tỉnh cung cấp tới 90% tổng sản lượng chuỗi rau, củ, quả và 6,97% tổng sản lượng chuỗi thịt heo cho TP Hồ Chí Minh. Con số này cho thấy vai trò, vị trí của Lâm Đồng trong việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định và an toàn cho thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản an toàn với 15 tỉnh, thành; trong đó, Lâm Đồng được TP Hồ Chí Minh chọn là tỉnh đầu tiên để sơ kết quá trình hợp tác do những đóng góp đáng kể của tỉnh vào nguồn cung thực phẩm an toàn cho thành phố.

Theo đó, năm 2024, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai Đề án Xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn với 5 cơ sở tham gia, cung cấp rau, củ, quả và thịt heo cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Sản lượng bình quân đạt hơn 2.835 tấn rau, củ, quả/năm và 1.330 tấn thịt heo/năm.
Tính đến đầu tháng 7/2025, số lượng cơ sở tham gia đề án đã tăng lên con số 18, trong đó có 12 cơ sở rau củ quả và 6 cơ sở chăn nuôi heo thịt. Tổng sản lượng rau, củ, quả đạt 19.888 tấn/năm, chiếm 88,93% tổng sản lượng chuỗi, và 8.081 tấn thịt heo/năm, chiếm 6,97% tổng sản lượng chuỗi thịt heo.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện Lâm Đồng có 107.306 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với nhiều loại sản phẩm nông sản đa dạng, từ rau củ quả, hoa, chè, cà phê đến sầu riêng, thanh long và các loại thủy hải sản.
Diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 1.052.000 ha, trong đó 107.306 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 149.760 ha được chứng nhận sản xuất an toàn bền vững, trong đó 23.489 ha cây trồng được chứng nhận GAP và tương đương; 4.024 ha cây trồng được chứng nhận hữu cơ; 122.247 ha cà phê được chứng nhận UTZ, 4C...
Tỉnh cũng có 960 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích 39.363,3 ha và 33 mã cơ sở đóng gói đối với các loại nông sản chủ lực.

Kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm vì sự phát triển
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cũng nhấn mạnh, nông sản Lâm Đồng thời gian qua không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính ở nước ngoài như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đặc biệt, việc triển khai Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển do Canada tài trợ (SAFEGRO) thời gian qua đã hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng trong việc thông tin, tuyên truyền, tập huấn, quảng bá cho các cơ sở sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn; giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm nông - lâm - thủy sản chất lượng, an toàn.

Chất lượng nông sản Lâm Đồng ngày càng đảm bảo khi Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã triển khai lấy 332 mẫu rau, củ, quả có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 331 mẫu an toàn, chỉ có 1 mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định.
Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng để kiểm soát chất lượng nông sản, tạo điều kiện để sản phẩm của Lâm Đồng có mặt và hiện diện sâu, rộng hơn nữa ở thị trường TP Hồ Chí Minh.
Nguồn: https://baolamdong.vn/lam-dong-cung-cap-90-san-luong-rau-cu-qua-an-toan-tieu-thu-tai-tp-ho-chi-minh-383816.html
Bình luận (0)