Văn nghệ sĩ kháng chiến Khu V thăm mộ nghệ sĩ múa Võ Thị Phương Thảo. Ảnh: XUÂN HIỀN
Nằm lại với Thu Bồn
Trong những cuộc tìm hiểu tư liệu về năm tháng chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường Khu V, nhà văn Nguyễn Bá Thâm chia sẻ thông tin quý về văn nghệ sĩ đã nằm lại trên những vùng đất dọc sông Thu Bồn, như Phương Thảo, Văn Cận, Nguyễn Trọng Định, Trần Văn Anh, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Hồng...
“Có thể nói, nghệ sĩ múa Phương Thảo là một trong các văn nghệ sĩ Khu V hy sinh sớm nhất, vào năm 1967. Năm 1968, nhạc sĩ Văn Cận hy sinh ở Gò Nổi khi cùng đoàn Văn công Quảng Đà tập dượt các tiết mục chuẩn bị phục vụ người dân Quảng Đà và có thể ra Đà Nẵng biểu diễn xuân Mậu Thân.
Cũng trong năm này, Nguyễn Trọng Định và Trần Văn Anh hy sinh ở cầu Kỳ Lam, Điện Thọ (nay là phường Điện Bàn Tây, thành phố Đà Nẵng). Năm 1969, Dương Thị Xuân Quý hy sinh tại thôn Thi Thại, Duy Thành (nay là xã Duy Nghĩa, thành phố Đà Nẵng). Năm 1971, Chu Cẩm Phong hy sinh ở xã Xuyên Phú (nay là xã Thu Bồn, thành phố Đà Nẵng) và Nguyễn Mỹ nằm lại bên dòng Đăk Ta, Trà My. Năm 1973, Nguyễn Hồng hy sinh tại Điện Bàn”, nhà văn Nguyễn Bá Thâm nhớ lại.
“
Có điều lạ, hầu hết văn nghệ sĩ Khu V ngã xuống ở chiến trường đều rải dọc theo sông Thu Bồn... Cho nên cuộc hành hương lần này của chúng tôi chẳng khác nào chuyến ngược dòng, từng bước thấy hiện lên trong tâm tưởng các gương mặt thân quen: Họ bây giờ đã trở thành cát bụi, chút gì còn lại chỉ là những nấm mộ và câu chuyện tiếp theo được người đang sống kể lẫn với bao huyền thoại khởi lên từ hai phía con sông Thu Bồn xanh nghít tre và ngàn dâu...”.
Nhà văn Cao Duy Thảo, trích Ngàn xanh
Các mốc thời gian, địa điểm hy sinh của văn nghệ sĩ Khu V vẫn hằn in trong ký ức đồng đội đến bây giờ.
Trong “Quảng Nam miền ký ức”, từng gương mặt, từng cái tên của văn nghệ sĩ nơi chiến trường được bạn văn nhớ về: Những người cầm bút bạn tôi ở chiến trường, lớp trước, lớp sau, những Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Hồng, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ, Văn Cận, Phương Thảo…
Văn nghệ sĩ Khu V chia sẻ ký ức chiến trường cùng phóng viên Báo và Phát thanh, truyền hình Đà Nẵng. Ảnh: X.H
Đó là các anh chị đã ngã xuống những ngày đánh Mỹ trên đất Quảng Nam. Có lẽ điều quan trọng không chỉ là họ đã ngã xuống. Điều quan trọng hơn nhiều là họ đã sống và làm việc như thế nào giữa nhân dân trên chiến trường những năm tháng ấy.
Và đây là những dòng về sự hy sinh của nghệ sĩ múa Phương Thảo: “Một mảnh pháo rất nhỏ găm vào ngực, đúng giữa tim. Mộ Phương Thảo bây giờ nằm ở thôn La Tháp, xã Xuyên Thanh (nay là xã Thu Bồn, thành phố Đà Nẵng), nơi con sông Thu Bồn rẽ đôi dòng, dang hai cánh tay vạm vỡ bọc một hòn đảo lớn, khu Gò Nổi, đất đai màu mỡ vào bậc nhất miền Trung, vốn nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm…”.
Sự hy sinh của nhạc sĩ Văn Cận ở Gò Nổi năm 1968 còn hằn sâu trong ký ức của nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Ông nhắc đi nhắc lại chi tiết riêng hai đoàn văn công Quảng Nam và Quảng Đà ngoài các diễn viên bị bắt thì có đến 32 người hy sinh.
“Phần lớn các anh chị hy sinh khu vực dọc theo sông Thu Bồn. Đoàn văn công Quảng Đà trong một buổi tập dượt tiết mục văn nghệ bị trúng bom, 12 người hy sinh, trong đó có Văn Cận”, nhà văn Nguyễn Bá Thâm cho hay.
Phóng viên Báo và Phát thanh, truyền hình Đà Nẵng cùng văn nghệ sĩ Khu V trong chuyến về thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: X.H
Chứng nhân của lịch sử
“Ai đặt tên, cho dòng sông như tên em đi vào nỗi nhớ/ Con sông quê mềm như lụa anh mãi gọi/ Mãi gọi ới Thu Bồn, mãi gọi ới Thu Bồn”.
Nhạc sĩ Lê Anh viết “Thu Bồn ơi” trong hòa bình nhưng tôi lại liên tưởng đến niềm thiết tha, nỗi nhớ của đồng đội dành cho Dương Thị Xuân Quý khi chị hy sinh năm 1969.
Đọc “Nhật ký chiến trường” của chị, lúc nào cũng tỏa ra một tính cách kiên gan trước kẻ thù và tình yêu cuộc sống: “17/7/1968. Tại A 7. Chiến trường đã “đón” mình với tất cả những ác liệt, những dữ dội, tóm lại là khuôn mặt đầy khắc nghiệt của chiến trường đã hiện ra nguyên vẹn trước mặt mình rồi... Có đi mới thấy lạ không hiểu sao luồng bom tới đúng bãi trú quân của bọn mình nó lại chênh từ sườn núi xuống suối. Nếu nó nhích một chút xíu thôi thì bọn mình ngỏm hết rồi. Mình cũng sợ, nhưng nỗi sợ thường tan biến rất nhanh. Mình vẫn còn nguyên vẹn tấm lòng thiết tha đi đồng bằng, đi phía trước”.
Sau này khi hòa bình, nhà văn Nguyễn Bá Thâm cùng nhiều văn nghệ sĩ đã trở lại Thi Thại tìm hài cốt Dương Thị Xuân Quý.
“Chúng tôi đã tìm nhiều ngày, kể cả dùng máy bơm hút nước ở khu vực xung quanh để tìm kiếm nhưng chỉ dấu đồng đội vẫn biệt tăm”. Có lẽ nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã đi về phía bầu trời, hóa vào mây trắng quê hương xứ sở.
Nhà báo chiến trường Phan Xuân Quang ghi lại khoảnh khắc văn nghệ sĩ Khu V về thăm lại chiến trường Quảng Đà. Ảnh: X.H
Những năm tháng chiến trường Khu V ác liệt, các anh, các chị đã nằm lại bên bờ sông Thu. Phải chăng dòng sông quê hương đã chảy tràn, vỗ về những người con nằm lại đất lành; như nhà văn Chu Cẩm Phong đã nằm lại vào ngày 1/5/1971.
Nhà văn Cao Duy Thảo đã rơi nước mắt khi hay tin Chu Cẩm Phong hy sinh trong “Chiến trường”: “Ngày 1/5/1971, Trần Tiến hy sinh anh dũng dưới căn hầm bí mật gần bờ sông Thu Bồn ở thôn Vinh Cường, xã Xuyên Phú, khi vừa 30 tuổi. Tôi nghe tin này vào buổi trưa lúc từ ngoài rẫy về đến cơ quan... Và đó là lần đầu tiên tôi rơi nước mắt ở chiến trường”.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung sau này đi làm công tác liệt sĩ, dọc theo sông Thu Bồn và đường 100, mới nhận ra điều này: Ủa, hóa ra các bạn tôi lại bám hết dọc theo con sông Thu Bồn này mà chết. Ngọc Anh, Nguyễn Mỹ chết ở đầu nguồn. Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý chết ở cuối, gần nơi dòng sông cắt đường số 1. Ngã xuống trên những làng mạc ven sông ở đoạn giữa là Văn Cận, Nguyễn Hồng, Hà Xuân Phong, Phương Thảo, Nguyễn Trọng Định...
----------------
Bài cuối: Hát cho người nằm lại
Nguồn: https://baodanang.vn/ky-uc-chien-truong-khu-v-bai-2-tram-tich-thu-bon-3297816.html
Bình luận (0)