Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Năm 1964, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá khu vực Lạch Trường và dọc sông Kênh De nhằm chặn tuyến giao thông đường thủy, cản trở việc tiếp tế lương thực, vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa phát động phong trào chiến tranh du kích, xây dựng thế trận chiến tranh Nhân dân ở hầu khắp các địa phương. Ban Chỉ huy Quân sự xã Hoa Lộc (cũ) đã lựa chọn lực lượng nữ dân quân tham gia tập huấn súng máy PK 12,7 ly. Ngày 19-5-1967, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc được thành lập gồm 14 nữ dân quân với 3 khẩu đội súng máy PK 12,7 ly và súng trường, xây dựng trận địa tại khu vực Đông Ngàn. Các cô gái dân quân Hoa Lộc vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương. Trải qua các thời kỳ đấu tranh, do yêu cầu công tác, lao động và học tập nên lực lượng trung đội dân quân gái thường xuyên có sự điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ngày càng khốc liệt. Tổng số biên chế của trung đội qua 3 đợt luân chuyển, bổ sung lực lượng bao gồm 35 nữ dân quân. Ngày 16-6-1967, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc đã lập nên chiến công vang dội, bắn rơi máy bay ném bom A4Đ của đế quốc Mỹ, là đơn vị dân quân du kích đầu tiên của cả nước bắn rơi máy bay địch bằng súng bộ binh. Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 2-11-1967 bắn rơi máy bay ném bom A3J. Ngày 30-7-1972, bắn rơi máy bay F4H. Chiến công của Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc đã đóng góp lớn vào chiến công chung của quân và dân cả nước, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi; báo chí trong nước và quốc tế đưa tin và coi đây là biểu tượng của tinh thần phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 1991, Trận địa Đông Ngàn thuộc Cụm di tích lịch sử văn hóa Hoa Lộc, xã Hoa Lộc, đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nhớ lại quãng thời gian tham gia chiến đấu của những cô gái dân quân năm xưa, bà Nguyễn Thị Thứ nay đã ở tuổi 78 (khẩu đội trưởng đội súng máy PK 12,7 ly), hiện đang sinh sống cùng chồng và con, cháu tại xã Hoa Lộc, xúc động chia sẻ: “Với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, những cô gái dân quân Hoa Lộc ngày ấy hầu hết tuổi đời còn rất trẻ, tuổi mười tám, đôi mươi, không ngại khó, ngại khổ, ngại hy sinh đã đứng lên một lòng xung phong ra trận và chiến đấu rất anh dũng, ngoan cường, quyết giữ yên bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc. Trong số 14 cô gái dân quân ngày ấy, hiện nay chỉ còn 5 người sinh sống tại địa phương, một số người sinh sống ở các tỉnh ngoài và 3 người đã mất. Cuộc sống của các cô gái dân quân Hoa Lộc ngày ấy, bây giờ đa phần ổn định, con cái thành đạt, song cũng còn có một số người cuộc sống còn nhiều khó khăn, ốm đau, bệnh tật triền miên không đủ điều kiện thuốc thang, chữa bệnh... Tuy vậy, cứ mỗi năm đúng vào dịp thành lập của trung đội, chúng tôi nhắc nhau tìm về gặp mặt, ôn lại những năm tháng hào hùng, cùng nhau chia sẻ, động viên mỗi người ngày càng sống vui, sống khỏe, sống có ích và tự hào giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng quê hương Hoa Lộc nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung ngày càng giàu mạnh”.
Để ghi lại những chiến công của Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Thanh Hóa và địa phương đã đầu tư Dự án Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc.
Dự án Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc được khởi công xây dựng tháng 6/2023 (xây dựng tại xã Hoa Lộc với diện tích 1,51ha). Dự án gồm 4 khu chính: Khu vực đối ngoại; khu tái hiện mô hình trận địa Đông Ngàn; khu vực tượng đài (gồm tượng đài và sân hành lễ, sân trải nghiệm); khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích. Các hạng mục chính gồm: Hạng mục xây dựng hạ tầng kỹ thuật (gồm nhà quản lý, đón tiếp, trưng bày; khu tái hiện mô hình trận địa Đông Ngàn; cổng chính, cổng phụ; biển giới thiệu di tích...). Hạng mục mỹ thuật gồm tượng đài. Tượng đài có chiều cao từ mặt đế tượng đến đỉnh tượng là 16m. Nội dung, đế tượng đài thể hiện hoa văn văn hóa Hoa Lộc; đài tượng thể hiện xác máy bay Mỹ, tượng thể hiện 5 cô gái đại diện cho Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc và 1 khẩu súng 12 ly 7. Chất liệu tượng đài bằng đá grannit tự nhiên. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hậu Lộc (nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Hậu Lộc) triển khai thực hiện...
Xác định đây là công trình trọng điểm, địa phương vận động Nhân dân xã Hoa Lộc đã đồng thuận, ủng hộ, sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công làm nhiệm vụ. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Hậu Lộc tăng cường cán bộ lên công trường chỉ đạo, giám sát kỹ thuật, chất lượng từng hạng mục công trình; thường xuyên họp giao ban tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, kịp đưa vào sử dụng đúng kế hoạch.
Sau 2 năm triển khai, Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc. Dự án đưa vào sử dụng nhằm tri ân và tôn vinh chiến công vẻ vang của Trung đội dân quân gái anh hùng xã Hoa Lộc; xây dựng di tích trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp Nhân dân.
“Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc được quy hoạch và xây dựng thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh, đáp ứng tâm nguyện của cán bộ và Nhân dân địa phương. Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc sẽ trở thành điểm du lịch được nhiều người lựa chọn trên hành trình về nguồn, tìm hiểu lịch sử dân tộc; là địa chỉ đỏ để các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh về tham quan, tìm hiểu về những chiến công trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Cán bộ và Nhân dân xã Hoa Lộc xác định phát huy truyền thống tốt đẹp trên quê hương anh hùng cách mạng, cùng với các giá trị về lịch sử, văn hóa trên địa bàn, Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc đã trở thành nguồn lực nội sinh, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hoa Lộc đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng quê hương Hoa Lộc ngày càng giàu đẹp và văn minh” - đồng chí Hoàng Viết Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc, chia sẻ.
Bài và ảnh: Hoàng Lộc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tran-dia-dong-ngan-va-tuong-dai-trung-doi-dan-quan-gai-hoa-loc-dia-chi-do-tren-hanh-trinh-ve-nguon-255369.htm
Bình luận (0)