Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ niệm 65 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam: Hành trình đến du lịch xanh, bền vững

Ngành du lịch Việt Nam bước vào tuổi 65 (9-7-1960 - 9-7-2025) với kết quả bứt phá ấn tượng khi đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024, vượt xa thời điểm trước đại dịch Covid-19 (gần 8 triệu lượt).

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai09/07/2025

Khách du lịch tham gia tour khám phá rừng Gia Canh tại xã Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Ảnh:N.Liên
Khách du lịch tham gia tour khám phá rừng Gia Canh tại xã Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Ảnh:N.Liên

Đây là kết quả từ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp, người dân trong quá trình xây dựng, phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam. Tại Đồng Nai, sau khi lập lại bản đồ hành chính mới, ngành du lịch của tỉnh cũng bước sang một diện mạo mới với quy mô lớn, góp phần gia tăng những giá trị cho ngành du lịch địa phương.

Những mốc son lịch sử

Ngày 9-7-1960, Công ty Du lịch Việt Nam ra đời theo Nghị định 26/CP của Chính phủ. Trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, sự ra đời của ngành du lịch Việt Nam đã khẳng định bước đi táo bạo nhưng mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước.

Sự bứt phá rõ nhất của ngành du lịch Việt Nam bắt đầu từ những năm 1990, với sự kiện thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam (năm 1992), tiếp sau đó là những chủ trương, chính sách, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch. Cụ thể như: Chỉ thị số 46 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (1994) về lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới; Kết luận của Bộ Chính trị (1998) về phát triển du lịch trong tình hình mới..., đã tạo nên nền móng cho ngành du lịch phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

6 tháng đầu năm 2025, Đồng Nai đón trên 2,67 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khách nội địa đạt khoảng 2,6 triệu lượt, khách quốc tế trên 70 ngàn lượt. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 1,9 ngàn tỷ đồng, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2024.

Đặc biệt, năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là nghị quyết đầu tiên về phát triển lĩnh vực du lịch, thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong việc đưa ngành công nghiệp “không khói” phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có của Việt Nam.

Đến nay, sau 65 năm hình thành và phát triển, ngành du lịch Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn, ngày càng lớn mạnh, khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Hiện nay, du lịch Việt Nam đã định hình hướng đi cho mình, có nhiều sự đột phá chiến lược và liên tiếp có những chính sách phát triển du lịch theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với từng biến cố, từng giai đoạn của đất nước.

Điển hình, sau giai đoạn khủng hoảng nặng nề do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ đã liên tục ban hành các chính sách mới như: Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; Quyết định số 509/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045…, và mới đây nhất là Công điện 34/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số.

Đồng Nai hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững

Tại Đồng Nai, ngành du lịch cũng bắt đầu có sự dịch chuyển khởi sắc từ những năm 1990. Khi đó, Đồng Nai đã có những điểm đến nổi tiếng như: Khu du lịch (KDL) Bửu Long, vườn bưởi Tân Triều, rừng Cát Tiên, Mộ cổ Hàng Gòn… đã tạo được dấu ấn trong lòng người dân, du khách.

Khách du lịch tham gia tour khám phá rừng Gia Canh tại xã Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Khách du lịch tham gia tour khám phá rừng Gia Canh tại xã Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Liên

Là KDL đã tồn tại hơn 30 năm tại Đồng Nai, KDL Bửu Long đến nay vẫn là điểm đến được du khách trong cả nước biết đến với không gian thiên nhiên xanh mát và nhiều cảnh quan ấn tượng, như hồ Long Ẩn được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ tại miền Nam.

Chia sẻ về hướng phát triển của KDL Bửu Long trong thời gian tới, quyền Giám đốc KDL Bửu Long Nguyễn Danh Thịnh cho biết, với thế mạnh là điểm du lịch sinh thái nằm ngay trung tâm tỉnh, vào các dịp lễ, Tết, KDL Bửu Long thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan. Dựa trên những thế mạnh sẵn có về cảnh quan và không gian thiên nhiên xanh mát, KDL Bửu Long thường xuyên có những thay đổi, trang trí để tạo thêm sự ấn tượng, mới lạ cho du khách. Đặc biệt, từ đầu năm 2025 đến nay, KDL Bửu Long đã có sự bứt phá ấn tượng. Lượt khách đến tham quan vào dịp cuối tuần, lễ, Tết tăng mạnh so với những năm trước. Thời gian tới, KDL Bửu Long sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, hướng đến phát triển Bửu Long thành KDL sinh thái hiện đại, xứng tầm quốc tế.

Trên cơ sở những chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Để cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng những kế hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, dựa trên những tài nguyên sẵn có của địa phương như: rừng, thác, hồ, kết quả từ xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt là việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2025 đạt mục tiêu 10%.

Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch Đồng Nai thời gian tới, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi tỉnh Đồng Nai mới mở rộng địa giới hành chính, trở thành một trong những địa phương có diện tích tự nhiên và tài nguyên du lịch phong phú bậc nhất cả nước. Với diện tích hơn 12,7 ngàn km², dân số gần 4,5 triệu người, Đồng Nai mới mang trong mình một hệ sinh thái du lịch liên hoàn - nơi mà rừng, hồ, sông, thác, núi, cùng các di tích, bản sắc văn hóa và cộng đồng các dân tộc cùng hiện diện hài hòa với nhau.

Đồng Nai sẽ có thêm những hình thái du lịch mới, tạo sự phong phú, hấp dẫn du khách như: Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, hồ Trị An, suối Mơ, thác Mơ, núi Bà Rá; các làng nghề truyền thống, làng dân tộc, mô hình nông nghiệp hữu cơ, du lịch cộng đồng, glamping sinh thái… Tất cả tạo thành một hệ sinh thái du lịch xanh, đa dạng, nguyên bản, đặc sắc.

Ngọc Liên

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/ky-niem-65-nam-thanh-lap-nganh-du-lich-viet-nam-hanh-trinh-den-du-lich-xanhben-vung-9d217f5/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm