Với sự kết nối giữa cao nguyên đại ngàn và biển xanh đầy nắng, cùng với sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, sau hợp nhất, tỉnh Quảng Ngãi hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến lý thú cho du khách, qua đó tạo ra đà bứt phá cho ngành du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết:
" Sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ có sự kết hợp độc đáo giữa vùng biển Quảng Ngãi và cao nguyên Kon Tum – tạo nên không gian du lịch biển và rừng liền mạch, đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các tuyến, tour liên vùng hấp dẫn hơn. Các điểm đến đặc sắc của Kon Tum như Nhà thờ gỗ, rừng thông Măng Đen, các làng văn hóa du lịch cộng đồng sẽ tiếp tục được nâng tầm, gắn kết chặt chẽ với các di sản văn hóa và tài nguyên du lịch biển của Quảng Ngãi. Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ thu hút khách mà còn bảo tồn nét đặc sắc văn hóa dân tộc."
Ông Bùi Viết Hà, Chủ tịch Hội Du lịch Măng Đen, tỉnh Quảng Ngãi nhận định:
"Riêng cái địa phận huyện Kon Plong, chủ yếu là thị trấn Măng Đen, vị trí địa lý nó nằm ở trung tâm, và chúng tôi tin chắc rằng nó sẽ phát triển, phát triển rất nhanh. Vì khi sáp nhập 2 tỉnh vào thì nguồn lực Quảng Ngãi rất lớn, người ta sẽ dành cho đầu tư hạ tầng. Các lãnh đạo cũng sẽ nhìn thấy Măng Đen là trung tâm du lịch của tỉnh mới, nên tôi nghĩ là nó sẽ phát triển."
Trong buổi làm việc với 2 tỉnh trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sau khi hợp nhất, ba vùng sinh thái chủ đạo của tỉnh Quảng Ngãi mới là vùng núi cao nguyên, vùng đồng bằng và biển đảo sẽ cùng hiện diện trong một địa bàn thống nhất, mở ra một khả năng phát triển kinh tế đa ngành, bền vững, từ nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ đến kinh tế biển, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ là “kim chỉ nam” cho tỉnh Quảng Ngãi mới phát triển du lịch có chiều sâu, bền vững theo thế mạnh của từng vùng, từng khu vực.
Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết:
"Yếu tố được xem là “chìa khóa” quan trọng nhất để kết nối du lịch biển và rừng chính là hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch đồng bộ. Khi các tuyến đường kết nối từ cao nguyên Kon Tum xuống biển Quảng Ngãi được nâng cấp, rút ngắn thời gian di chuyển, sẽ tạo điều kiện lý tưởng để hình thành các sản phẩm như “sáng biển – chiều rừng”, “du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm văn hóa”… Ngoài ra, chuyển đổi số, liên kết doanh nghiệp lữ hành, và phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao cũng sẽ là yếu tố then chốt."
Với sự chỉ đạo từ Tổng Bí thư, cùng sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, phía tây tỉnh Quảng Ngãi mới (tức tỉnh Kon Tum cũ) được kỳ vọng sẽ bứt phá về du lịch, sớm vượt xa con số mục tiêu của năm 2025 là đón 3 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Nguồn: https://quangngaitv.vn/kon-tum-hop-nhat-voi-quang-ngai-co-hoi-cho-du-lich-but-pha-6504457.html
Bình luận (0)