Lao động sản xuất tại Công ty CP Da giầy Huế

Tận dụng cơ hội

Thời điểm này, Công ty CP Da giầy Huế đang tập trung sản xuất để đáp ứng đơn hàng cho thị trường Nhật Bản, đồng thời theo dõi sát sao thông tin cụ thể về chính sách thuế quan chi tiết cho từng mặt hàng từ thị trường Mỹ để có những bước đi mới. Ông Nguyễn Xuân Tịnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Da giầy Huế cho biết: "Chúng tôi sẽ tiến hành thương lượng, đàm phán lại với các khách hàng từ Mỹ để có hướng đi phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của hai bên, vì đây là thị trường giàu tiềm năng từ nhiều năm nay của công ty”. Cùng với đó, ông Tịnh cũng đã có chuyến khảo sát thực tế tại các nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, với kỳ vọng tiếp cận thêm được thị trường mới.

Ông Tịnh chia sẻ, ba tháng trước, khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế suất lên đến 46% vào các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, ông khá lo lắng. Hai lô hàng lớn của công ty đang trong giai đoạn hoàn thiện để xuất khẩu sang thị trường Mỹ đối diện với nguy cơ bị áp thuế rất cao. May mắn là lúc đó phía Mỹ đã gia hạn thêm ba tháng để hai bên tiến hành đàm phán thương mại. Tận dụng thời gian đó, DN đã hoàn thiện và xuất khẩu thành công hai lô hàng đúng kế hoạch vào tháng 6 vừa qua.

Chiến lược bám trụ thị trường Mỹ, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường mới không chỉ riêng Công ty CP Da giầy Huế áp dụng, mà đã trở thành giải pháp chung của nhiều DN xuất khẩu tại Huế.

Theo ông Trần Văn Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế, thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty và công ty chưa bao giờ có ý định từ bỏ thị trường này. Theo ông Mỹ, Việt Nam đã nỗ lực đàm phán thương mại để có được mức thuế hợp lý. Bên cạnh đó, Scavi cũng tiến hành nghiên cứu kỹ hơn về thị trường Mỹ, nỗ lực đáp ứng tất cả các yêu cầu ngày càng cao từ khách hàng để không chỉ giữ vững, mà còn có thể mở rộng thị phần tại thị trường này.

Ông Mỹ cũng nhấn mạnh: "Qua câu chuyện thuế quan lần này, các DN cần nhìn lại và cơ cấu lại toàn bộ quy trình vận hành sản xuất. Chúng ta cần chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, hiện đại, minh bạch nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Ban đầu có thể khó khăn, nhưng đây chính là con đường tạo ra lợi thế bền vững trong tương lai".

Công ty CP Da giầy Huế chủ động tìm kiếm thị trường mới 

Sức mạnh từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Trước những diễn biến về thuế quan mới của Mỹ, Công ty CP Dệt may Huế chọn cách theo dõi sát tình hình và tập trung tối đa vào sản xuất. Hiện, hơn 4.000 lao động của Công ty CP Dệt may Huế đang thi đua sản xuất để đáp ứng các đơn hàng phục vụ thị trường nhiều nước trên thế giới, trong đó có thị trường Mỹ. Theo bà Nguyễn Hồng Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế, việc chủ động dự báo rủi ro và xác định tâm thế hoạt động trong bối cảnh thị trường luôn biến động là nguyên tắc xuyên suốt trong điều hành sản xuất, kinh doanh, nhằm giúp DN không bị động hay “sốc” trước các thay đổi đột ngột.

Bà Liên cũng khẳng định, "sức đề kháng" của Công ty chính là sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể, cùng việc phát huy trí tuệ nội lực và đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Công ty cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ AI để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, DN còn thường xuyên tổ chức các chuyến khảo sát thực tế tại nhiều quốc gia nhằm nắm bắt xu hướng tiêu dùng, từ đó điều chỉnh sản xuất kịp thời, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. "Khi nắm bắt đúng nhu cầu, việc cung ứng sẽ trở nên thuận lợi hơn", bà Liên nhấn mạnh.

Mỹ là thị trường trọng điểm, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành chủ lực tại TP. Huế, đặc biệt là ngành dệt may. Theo thống kê, hiện toàn thành phố có hơn 60 DN sản xuất hàng dệt may, đóng góp khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động. Bên cạnh Mỹ, các thị trường chủ lực khác còn có Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và nhiều nước châu Âu.

Hiệp hội DN TP. Huế luôn đồng hành cùng DN trong vai trò là cầu nối. Đại diện Hiệp hội cho biết, đã đề xuất chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp trọng tâm, bao gồm: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường sang các khu vực ít chịu tác động bởi thuế quan; hỗ trợ tín dụng thông qua việc giãn, khoanh nợ và cho vay ưu đãi; cung cấp thông tin pháp lý, cập nhật nhanh chóng các quy định về thuế và tiêu chuẩn xuất khẩu; tổ chức các khóa đào tạo quản trị rủi ro, chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu.

Theo các chuyên gia kinh tế, DN xuất khẩu Huế cần chủ động đa dạng hóa thị trường, tận dụng tốt hơn các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và mở rộng thị trường nội địa. Đồng thời, từng bước đổi mới mô hình sản xuất, cải thiện chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới kinh doanh bền vững.

Bên cạnh nỗ lực từ phía DN, các chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ cần triển khai mạnh mẽ hơn các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, hỗ trợ DN kết nối đối tác và tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định FTA hiện hành, tạo sức mạnh tổng hợp để giúp DN trong nước nói chung vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển ổn định trong tương lai.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/khong-de-bi-dong-truoc-rao-can-thuong-mai-155766.html