Năm 2025 có 1.126.726 thí sinh dự thi môn Ngữ văn. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, điểm trung bình môn Ngữ văn 2025 là 7.
Môn Ngữ văn cũng có 7 bài thi bị điểm 0 và 87 bài thi dưới điểm 1.
Nếu như năm 2024 có 2 thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn, thì năm nay không có thí sinh nào giành được mức điểm này.


Môn Ngữ văn có 1,15 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó thí sinh dự thi theo chương trình 2018 là 1,13 triệu, số thí sinh thi theo chương trình 2006 là 19.000.
Năm 2025, đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT được nhận định là đảm bảo tốt định hướng phát triển phẩm chất - năng lực của chương trình Ngữ văn 2018 và đạt được mức phân hóa cao.
Nhận xét về đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2025, thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, Giảng viên Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mang đậm hơi thở cuộc sống, gắn bó mật thiết với hiện tình đất nước, vừa đánh thức ý thức trân trọng quá khứ vừa khơi gợi tinh thần trách nhiệm với những chuyển mình của dân tộc.
Phần Đọc hiểu sử dụng ngữ liệu là đoạn trích một truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu - cây bút nổi bật với phong cách tự sự mang đậm tính triết luận. Chủ đề và nội dung ngữ liệu là chất liệu tốt để học sinh khai thác, đặc biệt ở phần nghị luận xã hội.
Hệ thống câu hỏi đọc hiểu bám sát yêu cầu cần đạt về kĩ năng đọc truyện ngắn của Chương trình Ngữ văn 2018 khi đề cập đến các yếu tố như ngôi kể, chi tiết tiêu biểu, nội dung chủ đề và một số nét đặc sắc nghệ thuật. Câu hỏi thứ 5 không chỉ hay mà còn đáp ứng được yêu cầu so sánh văn bản văn học, vốn là một kiểu bài phổ biến ở lớp 12.
Phần viết đoạn nghị luận văn học đưa ra yêu cầu phân tích tình cảm của nhân vật Lê dành cho nhân vật Sơn, thực chất là yêu cầu gắn với 1 biểu hiện cụ thể của thế giới tình cảm, cảm xúc trong nhân vật, vừa giúp người đọc hiểu rõ về nhân vật hơn, đáp ứng yêu cầu triển khai đoạn văn với sự tập trung vào một vấn đề cụ thể, đồng thời có sẵn bằng chứng từ phần đọc hiểu. "Đó chính là 'lối thoát hiểm' tinh tế mà người ra đề hỗ trợ cho học sinh", thầy Khôi nói.
Đối với phần viết bài nghị luận xã hội, thầy Khôi cho rằng, đề thi đã gợi lên nhận thức sâu sắc, ý nghĩa không có sự phân biệt giữa quê hương và Tổ quốc, không có sự phân cách giữa vùng đất quê hương và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, không có sự phân biệt giữa tình yêu quê hương và lòng yêu nước. Tính phân hóa của đề thi cũng tập trung vào nội dung này khi không dễ dàng để xác định các luận điểm trung tâm và luận điểm mở rộng. Dẫu vậy, nếu bám sát vào nội dung ngữ liệu, tận dụng tốt phần trả lời của câu hỏi đọc hiểu số 5, học sinh có thể nhẹ nhàng “vượt ải” .
Nguồn: https://vietnamnet.vn/co-bao-nhieu-thi-sinh-dat-diem-10-mon-ngu-van-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-2421105.html
Bình luận (0)