Giờ học Tiếng Anh sôi nổi của học sinh Hệ thống giáo dục Chu Văn An -Ảnh: M.H
Khi trẻ là trung tâm
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, song nhiều năm qua, Trường mầm non Hương Hóa (xã Tuyên Sơn mới) luôn nỗ lực đổi mới, ứng dụng các mô hình giáo dục hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Hóa Cao Thị Hồng Xoan cho biết: Nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, rèn luyện tư duy, khả năng khám phá, sáng tạo ở trẻ, trường đã triển khai mô hình giáo dục STEAM/STEM vào các hoạt động trải nghiệm. Không chỉ bố trí góc học tập, vui chơi ở các nhóm, lớp, trường còn xây dựng khu trải nghiệm giáo dục STEAM ngoài trời, tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các dự án STEAM, làm những thí nghiệm nhỏ như tạo cầu vồng, lọc nước, quan sát côn trùng...
Trường đã thiết lập các góc học tập “mở”, sử dụng vật liệu tự nhiên, gần gũi với cuộc sống như sỏi đá, lá cây, vỏ ốc... để trẻ thỏa sức sáng tạo. Trong mỗi năm học, trường luôn tổ chức cho trẻ tham quan chợ quê, thăm đồng ruộng, dâng hương tại di tích lịch sử... để trẻ tiếp cận thực tế, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, kỹ năng xã hội.
Trường còn ưu tiên quỹ đất để trồng các loại rau, củ, quả và sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương (gà vườn, cá suối, rau rừng)... phục vụ bữa ăn bán trú bảo đảm an toàn thực phẩm và giàu dinh dưỡng cho trẻ. Mô hình vườn rau xanh không chỉ là giải pháp giáo dục gắn với thiên nhiên mà còn là sân chơi bổ ích giúp trẻ trải nghiệm thực tế qua các hoạt động như làm cỏ, trồng cây, tưới cây, thu hoạch rau...
Từ những việc làm tưởng chừng đơn giản ấy, trẻ được học cách chăm sóc cây cối, hiểu hơn về quá trình phát triển của thực vật, từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường, biết trân trọng thành quả lao động.
Một trong những hoạt động được nhà trường hết sức chú trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV), xem đây là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, lấy trẻ làm trung tâm, trường còn xây dựng “góc sáng kiến, sáng tạo” để GV đề xuất ý tưởng mới nhằm nghiên cứu áp dụng trong thực tiễn.
Các hoạt động ngoại khóa như “Bé tập làm nội trợ”, “Bé vui Tết Trung thu”, “Ngày hội ẩm thực quê em”, giáo dục kỹ năng an toàn giao thông, phòng tránh đuối nước... được tổ chức thường xuyên có sự phối hợp của phụ huynh, tạo sự gắn bó giữa nhà trường, gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Mai Thị Liên Giang cho biết: Những năm qua, ngành GD-ĐT luôn triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, qua đó xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu với những mô hình hay, cách làm mới. Cùng với Trường mầm non Hương Hóa, Trường THCS-THPT Chu Văn An, ngành còn có nhiều tập thể xuất sắc như: Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Trường THCS Quách Xuân Kỳ, Trường tiểu học Đồng Phú... cùng nhiều GV, HS tiêu biểu trong phong trào “Dạy tốt-Học tốt”, góp phần lan tỏa tinh thần thi đua sâu rộng trong toàn ngành. |
Xây dựng môi trường giáo dục hiện đại
Một trong những điểm sáng tiêu biểu của phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là Hệ thống giáo dục Chu Văn An, đặc biệt là Trường THCS-THPT Chu Văn An với việc xây dựng môi trường giáo dục “mở”, hiện đại.
Trường mầm non Hương Hóa triển khai hiệu quả mô hình giáo dục STEAM/STEM vào các hoạt động trải nghiệm cho trẻ - Ảnh: M.H
Phó Hiệu trưởng nhà trường Đặng Thị Khánh Quyên cho hay: Trường được đầu tư đồng bộ từ hệ thống phòng học, phòng chức năng, thư viện mở, nhà ăn... bảo đảm an toàn, tiện nghi, hiện đại, có khuôn viên xanh, sạch, đẹp với hơn 100 loài cây, hoa, vườn rau sạch... Bằng các hình thức như phân công cho các lớp đảm nhận trồng, chăm sóc vườn rau, vườn hoa, đẩy mạnh giáo dục môi trường, học sinh (HS) của trường được rèn luyện tinh thần trách nhiệm, ý thức tập thể, hình thành lối sống xanh, thân thiện với thiên nhiên.
Trường luôn tổ chức tốt các buổi ngoại khóa như “Ngày hội đổi phế liệu lấy cây xanh”, hội thi thiết kế sản phẩm tái chế và các đợt dã ngoại, trải nghiệm thực tế về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học... nhằm nâng cao nhận thức cho HS về vai trò của môi trường trong đời sống.
Nhiều năm qua, Trường THCS-THPT Chu Văn An đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ tâm lý học đường cho HS, tổ chức nhiều chuyên đề thiết thực về giáo dục giới tính, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường, kỹ năng giải quyết xung đột.
Đường dây nóng, hòm thư “Điều em muốn nói” được thành lập, duy trì để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HS, đồng hành cùng HS trong quá trình trưởng thành. Trường còn có Câu lạc bộ Teenyeeu là nơi để HS tìm hiểu về quyền trẻ em và được hỗ trợ tâm lý phù hợp với lứa tuổi. Câu lạc bộ còn kết nối với các chuyên gia, ban tư vấn nhằm lắng nghe, đồng hành và chia sẻ cùng HS trong mọi tình huống.
Với phương châm “Dạy những gì HS cần, giúp HS vươn tầm thế giới”, nhà trường rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Tiếng Anh theo chuẩn quốc tế Cambridge và định hướng dạy học Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Trường đã phối hợp với các trung tâm khảo thí Cambridge để triển khai kiểm định chất lượng dạy học Tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Nhiều HS của trường đạt chứng chỉ IELTS trên 5.0 ngay từ lớp 6, đạt chứng chỉ Cambridge PET (B1 Preliminary) từ lớp 8.
Với đội ngũ GV được đào tạo bài bản, cùng hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, đặc biệt là phòng STEM hiện đại, trường đã triển khai hiệu quả Chương trình STEM Robotics từ năm học 2020-2021. HS được tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn “mở”như: Thư viện số, lớp học thông minh, ứng dụng AI... và luôn được khuyến khích đổi mới, cá nhân hóa trong quá trình học tập.
Công tác giáo dục kỹ năng sống, thể chất, nghệ thuật được tăng cường với nhiều hoạt động đa dạng. Từ năm học 2019-2020, môn bóng rổ được đưa vào giảng dạy định kỳ 1 tiết/tuần. Hàng năm, trường tổ chức hơn 25 sự kiện, trải nghiệm ngoại khóa và dã ngoại với nhiều chủ đề hấp dẫn, cùng các hội thi nghệ thuật như Chu Văn An Got Talent, thi văn nghệ, giáo dục trải nghiệm địa phương và nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện ý nghĩa.
Nhờ đổi mới toàn diện từ công tác quản lý, phương pháp giảng dạy, học tập, chất lượng giáo dục của các trường ngày càng được nâng cao, tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện... Đây chính là nền tảng vững chắc để ngành GD-ĐT tỉnh nhà phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập.
Nh.V
Nguồn: https://baoquangtri.vn/khoi-nguon-sang-tao-thuc-day-doi-moi-195843.htm
Bình luận (0)