Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp và nhà đầu tư do Tỉnh Khánh Hòa tổ chức - Ảnh: VGP/HT
Khánh Hòa bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển
Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp và nhà đầu tư do tỉnh Khánh Hòa tổ chức có sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp hàng đầu, hoạt động trong các lĩnh vực trọng điểm mà Khánh Hòa ưu tiên phát triển: Công nghiệp, năng lượng, du lịch – dịch vụ – logistics và nông nghiệp công nghệ cao.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh quyết tâm của tỉnh trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Khánh Hòa. Đồng thời khẳng định: "Khánh Hòa xác định bước vào một thập niên nâng tầm phát triển với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và nâng thu nhập bình quân đầu người liên tục đạt hai con số trong mười năm tới".
Mục tiêu tỉnh đặt ra là đến năm 2030, hoặc sớm hơn nếu điều kiện thuận lợi, Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh hướng đến môi trường sống và phát triển nơi người dân có mức sống cao, đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, xã hội hài hòa và hạnh phúc. Bí thư Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh: "Quyết tâm của Khánh Hòa là về đích sớm, song song với mục tiêu của đất nước nhưng luôn chủ động đi trước".
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Khánh Hòa hiện nay hội tụ đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Các doanh nghiệp, doanh nhân, thông qua những phát biểu và clip tại hội nghị, đã ghi nhận rõ tiềm năng đặc biệt của địa phương sau hợp nhất, bao gồm cả khu vực từng thuộc Ninh Thuận. Phó Thủ tướng Nguyễn Trí Dũng – người am hiểu sâu sắc khu vực – cũng khẳng định Khánh Hòa đang sở hữu lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên và nguồn lực con người chưa từng có.
Theo Nghị quyết 09, Khánh Hòa coi kinh tế biển là nền tảng tăng trưởng. Tỉnh tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, logistics, du lịch nghỉ dưỡng và năng lượng tái tạo. Quy hoạch điện VIII xác định Khánh Hòa sẽ có công suất 20.000 - 25.000 MW điện vào năm 2030, chủ yếu từ các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, điện khí. Hơn nữa, 2 dự án nhà máy điện hạt nhân, đặt tại khu vực trước thuộc Ninh Thuận nay thuộc Khánh Hòa mới, cũng đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, tỉnh xác định bốn trụ cột phát triển chính: Công nghiệp, năng lượng, du lịch - dịch vụ - logistics và nông nghiệp công nghệ cao. Vùng biển nước sâu, nước triều sạch, không bão, không sóng lớn tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi để nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, một hướng đi đang được thử nghiệm và kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn mới.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/HT
Hạ tầng giao thông bứt phá, mở rộng kết nối
Người đứng đầu tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, những năm gần đây, tỉnh được Trung ương đầu tư lớn vào hạ tầng giao thông, kết hợp với nguồn vốn đối ứng của địa phương. Hệ thống đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt đều được nâng cấp, mở rộng, tạo đột phá trong kết nối.
Trong năm 2025, tuyến cao tốc Vân Phong – Nha Trang được khánh thành, rút ngắn hành trình di chuyển trong tỉnh và liên kết các khu kinh tế. Đầu năm 2026, tuyến Nha Trang – Buôn Ma Thuột sẽ đi vào hoạt động, giúp quãng đường từ Nha Trang đến trung tâm Tây Nguyên chỉ còn 2 giờ đồng hồ. Ngoài ra, dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt đang được trình Chính phủ, khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ biển Nha Trang đến cao nguyên Đà Lạt chỉ còn 60 phút. Đây sẽ là tuyến đường bộ đẹp nhất Việt Nam, tạo trục kết nối du lịch - kinh tế quan trọng.
Ngoài ra, Khánh Hòa hiện có 2 sân bay, theo quy hoạch hàng không đến năm 2030, sẽ có thêm 01 sân bay quốc tế đặt tại Vân Phong, nâng tổng số lên 3 sân bay. Đồng thời, chủ trương của Trung ương với đường sắt tốc độ cao, triển khai trước hai tuyến Hà Nội – Vinh và TPHCM – Nha Trang, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa TPHCM và Nha Trang xuống còn 2 tiếng. Qua đó, Khánh Hòa trở thành một trung tâm giao thông chiến lược của cả nước.
Hội nghị có tham dự của nhiều hàng đầu, hoạt động trong các lĩnh vực trọng điểm mà Khánh Hòa ưu tiên phát triển. Ảnh: VGP/HT
Theo lãnh đạo tỉnh, quy hoạch công nghiệp mới của Khánh Hòa dự kiến mở rộng diện tích tới 60.000 hecta. Hiện nay, tổng diện tích các khu công nghiệp của tỉnh chỉ khoảng 1.000 hecta, do đó dư địa phát triển và thu hút nhà đầu tư còn rất lớn. Sự có mặt của nhiều nhà đầu tư hàng đầu tại hội nghị lần này thể hiện sức hút đặc biệt của Khánh Hòa trong lĩnh vực công nghiệp.
Không chỉ vậy, Khánh Hòa là tỉnh duy nhất được hưởng đồng thời hai nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù, giúp tạo khung pháp lý và cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bí thư Nghiêm Xuân Thành khẳng định Khánh Hòa sẽ chuyển mạnh từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, coi sự thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. Chính quyền cam kết cắt giảm ít nhất 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thiết lập bộ KPI để đánh giá hiệu quả phục vụ của từng sở, ngành và từng cán bộ.
"Hàng tuần, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành duy trì chương trình "Cà phê doanh nhân" sáng thứ Bảy để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ đó, tỉnh tạo điều kiện tối đa để các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ, đồng thời nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp.Tỉnh cam kết nghĩ lớn, nói thật, làm thật và hiệu quả thật. Tiềm năng và cơ hội rất lớn, chúng tôi sẽ hành động bằng kết quả thực chất", Bí thư Nghiêm Xuân Thành khẳng định.
Theo biên bản ghi nhớ ký kết với UBND tỉnh Khánh Hòa, Vietcombank cam kết cấp tín dụng tổng quy mô 50.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, cho các dự án trọng điểm - Ảnh: VGP/HT
50.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho dự án lớn tại Khánh Hòa
Tại hội nghị, nhiều hợp đồng tín dụng và hợp tác đầu tư đã được ký kết minh chứng cho cam kết đồng hành từ hệ thống tài chính. Dưới góc độ ngân hàng, ông Lê Quang Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank cam kết luôn đồng hành cùng tỉnh Khánh Hòa và cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Vietcombank đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tốc độ hợp lý, trên cơ sở đảm bảo thanh khoản và các chỉ số an toàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, hạ tầng, công nghiệp cùng các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chủ trương của Chính phủ. Đến 30/6/2025, tổng tín dụng toàn hệ thống Vietcombank đạt 1.601.922 tỷ đồng, tăng 159.489 tỷ đồng (11,1%) so với cuối năm 2024. Chất lượng dư nợ tiếp tục được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%.
Với các định hướng phát triển và quy hoạch hiện nay, Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm năng lượng và năng lượng sạch lớn nhất cả nước. Đến nay, Vietcombank đã cam kết tín dụng 8.000 tỷ đồng cho các dự án điện tại tỉnh như Điện lực Vân Phong 1, Điện Sông Giang, BP Solar 1, Thiên Tân Solar và tiếp tục đồng hành cùng các dự án năng lượng mới...
Vietcombank cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như đường bộ cao tốc, khu đô thị, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI và tạo động lực tăng trưởng lan tỏa...
Bên cạnh các lợi thế về vốn và kinh nghiệm thu xếp cho các dự án trọng điểm quốc gia, Vietcombank còn là ngân hàng dẫn đầu thị phần xuất nhập khẩu với 20% giao dịch và là đối tác tài chính của hơn 2.000 doanh nghiệp FDI, trong đó có nhiều tập đoàn tài chính đa quốc gia.
Nhờ hệ sinh thái rộng (Công ty chứng khoán VCBS, Công ty quản lý quỹ VCBF liên kết Franklin Templeton, Công ty cho thuê tài chính VCB Leasing, Công ty chuyển tiền kiều hối tại Mỹ và Việt Nam, Công ty tài chính tại Hồng Kông VVC), Vietcombank cung cấp chuỗi sản phẩm dịch vụ khép kín từ tín dụng, bảo lãnh, tài trợ thương mại, phát hành trái phiếu, thanh toán, quản trị dòng tiền, đến tư vấn IPO và M&A cho doanh nghiệp đầu tư tại Khánh Hòa.
Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay: Trong thời gian tới, Vietcombank phối hợp với tỉnh Khánh Hòa triển khai đồng bộ các giải pháp tài trợ vốn tín dụng. Đáng chú ý, theo biên bản ghi nhớ ký kết với UBND tỉnh Khánh Hòa, Vietcombank cam kết cấp tín dụng tổng quy mô 50.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, cho các dự án trọng điểm thuộc công nghiệp, công nghệ cao, hạ tầng, năng lượng, giao thông, cảng biển, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và bất động sản.
Ngoài ra, Vietcombank xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, khách hàng lớn khi sử dụng sản phẩm dịch vụ, đồng thời hỗ trợ tư vấn, thiết kế giải pháp tài chính phù hợp cho từng dự án, trên cơ sở giới thiệu của UBND tỉnh.
Anh Minh
Nguồn: https://baochinhphu.vn/khanh-hoa-mo-rong-ket-noi-quyet-tam-tang-toc-phat-trien-102250727183142225.htm
Bình luận (0)