Indonesia đã làm mưa nhân tạo để dập tắt toàn bộ các điểm nóng cháy rừng tại tỉnh Riau của nước này. Thời gian qua, biện pháp này được sử dụng hiệu quả trong nỗ lực phòng chống cháy rừng trong bối cảnh số "điểm nóng" cháy rừng tăng mạnh và xảy ra trên diện rộng.
Ngày 26/7, phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời Giám đốc BMKG Dwikorita Karnawati cho biết hoạt động tạo mưa nhân tạo do Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) phối hợp cùng Cơ quan Quản lý Thảm họa quốc gia (BNPB) thực hiện.
Hoạt động điều chỉnh thời tiết này được triển khai từ ngày 21/7, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng và cháy đất như Rokan Hulu và Rokan Hilir. Trong vòng 4 ngày, lực lượng chức năng đã thực hiện 23 chuyến bay, rải tổng cộng 20,8 tấn Natri Clorua (NaCl) lên các đám mây để kích thích mưa.
Theo BMKG, biện pháp gieo mây đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc giảm nhiệt điểm và hỗ trợ dập lửa tại những khu vực khó tiếp cận bằng đường bộ. Hiệu ứng mưa lan rộng còn mang lại lợi ích cho các vùng lân cận như huyện Guguak, tỉnh Tây Sumatra - nơi cũng ghi nhận mưa vừa nhờ hệ thống kích hoạt thời tiết nhân tạo.
BMKG khẳng định sẽ tiếp tục triển khai hoạt động làm mưa nhân tạo tại các khu vực có nguy cơ cao khác nhằm kiểm soát hiệu quả cháy rừng trong suốt mùa khô năm nay.
Trong khi đó, tại Tây Aceh, Cơ quan Quản lý Thảm họa Tây Aceh (BPBD) cho biết khoảng 70% diện tích rừng bị cháy trong khu vực quận Woyla, đã được khống chế.
BPBD đã điều động lực lượng tiếp tục dập lửa nhằm ngăn hỏa hoạn lan rộng, đặc biệt trong bối cảnh đám cháy gây thiệt hại đến thảm thực vật và các đồn điền cọ dầu của người dân địa phương, cũng như ảnh hưởng đến không khí và sức khỏe người dân khu vực lân cận./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/indonesia-kich-hoat-mua-nhan-tao-nham-dap-tat-chay-rung-post1052025.vnp
Bình luận (0)