Hợp tác xã Mý Dao (xã Sìn Hồ) bổ sung lá sâm đương quy và nhiều loại thảo dược tự nhiên vào thức ăn cho ngựa bạch
Mô hình được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương. Bởi, ngựa bạch không chỉ là loài vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đang có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường. Với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh thú y, kết hợp chăn thả tự nhiên và chuồng trại theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, mô hình không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX.
Được biết, khởi điểm, HTX Mý Dao nuôi tổng đàn 17 con ngựa bạch, đến nay tăng lên 30 con, từng bước hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ khép kín, gắn với bảo tồn nguồn gen ngựa bản địa quý hiếm. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế với thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng, mô hình còn mở ra cơ hội mới trong chuyển đổi sinh kế cho người dân địa phương, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thị trường nông sản ngày càng khắt khe với tiêu chuẩn chất lượng. Trong tương lai, nếu được đầu tư bài bản hơn về kỹ thuật, con giống và thị trường tiêu thụ, mô hình có thể nhân rộng ra nhiều địa phương có điều kiện tương đồng trong tỉnh.
Từ hiệu quả bước đầu, HTX Mý Dao đang từng bước hoàn thiện quy trình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, từ khâu chọn con giống, phối giống, chăm sóc, đến chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch theo hướng dược liệu. Anh Giàng Xuân Cường - Giám đốc HTX Mý Dao chia sẻ: “Nuôi ngựa bạch không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn gắn với bảo tồn nguồn gen ngựa bản địa. Đây là vật nuôi rất phù hợp khí hậu, địa hình vùng cao. Đặc biệt, ngựa bạch được chăm sóc theo phương thức này, sản phẩm có giá trị dược liệu”.
Theo anh Cường, quy trình nuôi ngựa bạch được HTX xây dựng bài bản, theo hướng hữu cơ và khép kín, đảm bảo các yếu tố từ con giống, nguồn thức ăn, vệ sinh chuồng trại đến kiểm soát dịch bệnh. Ngựa được chăn thả tự nhiên tại các triền đồi, đồng thời bổ sung thảo dược bản địa như: lá đương quy, đẳng sâm… vào khẩu phần ăn để tăng đề kháng, thay thế kháng sinh thông thường. Định kỳ, HTX phối hợp với cán bộ thú y kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng và ghi chép sổ theo dõi chặt chẽ cho từng cá thể ngựa. Bên cạnh đó, quy trình sơ chế và chế biến sản phẩm từ ngựa bạch cũng được đầu tư đúng mức. Ngựa sau khi đạt độ tuổi và trọng lượng tiêu chuẩn sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng để chế biến các dòng sản phẩm. Ngoài ra, phân chuồng ủ vi sinh để làm phân bón hữu cơ cho các mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Toàn bộ quy trình đều được giám sát nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Hiện tại, HTX đang phối hợp với một số viện nghiên cứu, doanh nghiệp dược liệu trong và ngoài tỉnh chuẩn hóa các quy trình chăn nuôi, chế biến, tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý và mã vùng nguyên liệu. Đây là bước quan trọng nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm, đồng thời khẳng định vai trò của HTX trong chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với y học cổ truyền và phát triển bền vững. Không chỉ mang tính kinh tế, mô hình còn tạo ra nhiều việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Ông Lê Bá Sơn - Chủ tịch UBND xã Sìn Hồ cho biết: “Mô hình chăn nuôi ngựa bạch của HTX Mý Dao đồng thời là hướng phát triển kinh tế mới, là điểm tựa để địa phương hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế xanh, nông thôn thông minh. Trong định hướng thời gian tới, xã tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình thông qua lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Từ mô hình kinh tế nhỏ giữa vùng cao Sìn Hồ, chăn nuôi ngựa bạch theo hướng dược liệu đã dần khẳng định hiệu quả kinh tế rõ nét và mang tính định hướng lâu dài. Không chỉ tạo sinh kế bền vững, bảo tồn giống vật nuôi bản địa, còn góp phần đặt nền móng cho hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp đặc sản vùng. Đây là minh chứng sinh động cho cách làm sáng tạo của người dân bản địa. Nếu được đầu tư đúng hướng, đồng bộ về chính sách, hạ tầng, thị trường và kết nối khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi ngựa bạch ở xã Sìn Hồ hoàn toàn có thể vươn ra khỏi cao nguyên đá, chạm đến những thị trường lớn, nơi giá trị không nằm ở số lượng, mà là chất lượng.
Nguồn: https://baolaichau.vn/kinh-te/huong-phat-trien-kinh-te-moi-1265546
Bình luận (0)