Với mục tiêu “xanh hóa” môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 10-7 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô), đặt ra lộ trình giảm rác thải nhựa siết chặt theo từng năm.

Thay đổi hành vi tiêu dùng
Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn Thủ đô, căn cứ theo điểm d, khoản 2, Điều 28 Luật Thủ đô năm 2024, đặt ra những mục tiêu và lộ trình cụ thể nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày.
Theo đó, từ 1-1-2026, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, và điểm du lịch sẽ không được phép sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm cũng như các loại bao bì nhựa dùng một lần để đựng kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể và các sản phẩm tương tự.
Trong các hoạt động sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính nhà nước, thành phố yêu cầu tuyệt đối không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, bao gồm túi ni lông và hộp nhựa xốp đựng thực phẩm, trừ trường hợp các sản phẩm này được cấp nhãn sinh thái Việt Nam.
Đối với hoạt động thương mại và phân phối, thành phố yêu cầu kể từ ngày 1-1-2027, các chợ và cửa hàng tiện lợi không được phép cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học. Từ ngày 1-1-2028, các cơ sở kinh doanh này cũng sẽ không được lưu hành và sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, bao gồm túi ni lông, hộp nhựa xốp sử dụng để đóng gói hoặc chứa đựng thực phẩm.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các sản phẩm và hàng hóa đã được đóng gói sẵn với loại bao bì nói trên trước thời điểm có hiệu lực. Bên cạnh đó, các đơn vị bán hàng trực tuyến cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa và vật liệu chống sốc làm từ nhựa. Các doanh nghiệp này phải chủ động thu hồi các loại bao bì và vật liệu kể trên để tránh gây thất thoát ra môi trường.
Với lĩnh vực sản xuất, kể từ ngày 1-1-2028, các doanh nghiệp có sử dụng nhựa PE và PP trong sản xuất bao bì sẽ bắt buộc phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục được nâng lên tối thiểu 30% kể từ ngày 1-1-2030. Thành phố cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và những mặt hàng có chứa vi nhựa.
Đặc biệt, từ ngày 1-1-2031, Hà Nội sẽ dừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, ngoại trừ những sản phẩm đã được cấp chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam
Căn cứ pháp lý thúc đẩy giảm phát thải nhựa
Đón nhận thông tin trên, ông Dương Ngọc Lưu ở phường Cầu Giấy đánh giá, đây là bước tiến rõ ràng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của thành phố, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách về trách nhiệm môi trường đối với mọi thành phần trong xã hội.
Nhiều tiểu thương cũng bày tỏ sự ủng hộ với quy định này. Chị Nguyễn Thị Nhung, đang kinh doanh tạp hóa tại phường Hà Đông chia sẻ, thay thế túi ni lông bằng những sản phẩm không làm hại môi trường như túi giấy thì trước mắt có thể làm tăng giá sản phẩm lên vài trăm đồng, nhưng lợi ích về lâu dài cho sức khỏe cộng đồng thì gấp hàng chục, hàng trăm lần. Bởi phần lớn túi ni lông trên thị trường là loại tái chế từ nhựa bẩn, có nguy cơ chứa chì, cadimi, kim loại nặng gây tổn thương gan, thận, vô sinh hoặc dậy thì sớm. Đặc biệt, khi dùng để đựng thực phẩm nóng, các chất phụ gia trong nhựa dễ bị thôi nhiễm vào đồ ăn, tạo ra những tác động lâu dài đến nội tiết và sức khỏe. Vì vậy, bản thân chị đã không chờ lệnh cấm mà chủ động thay đổi từ bên trong ngay từ những hành vi nhỏ nhất trong cuộc sống thường ngày.
Về vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, bên cạnh chủ trương giảm rác thải nhựa siết chặt theo từng năm, cần có ngay chính sách áp dụng mức thuế cao đối với việc sản xuất và tiêu thụ túi ni lông khó phân hủy, qua đó làm tăng chi phí sử dụng và giảm động lực tiêu dùng. Cùng với đó, thành phố cần ban hành các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và độ an toàn cho các sản phẩm thay thế như túi sinh học, hộp giấy, túi vải...
Ở góc nhìn khác, luật gia Lê Quang Vững đánh giá, để kiểm soát ô nhiễm nhựa, Hà Nội cần tận dụng các quy định trong Luật Thủ đô 2024, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền trong việc xây dựng các chương trình phân loại rác tại nguồn và áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải.
Quá trình giảm rác thải nhựa còn đòi hỏi những giải pháp bền vững từ doanh nghiệp và cộng đồng. Việt Nam nên công nhận các chứng chỉ quốc tế uy tín dành cho sản phẩm sinh học. Chẳng hạn như chứng chỉ compostable của châu Âu hoặc Mỹ - để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong quá trình sản xuất, tiếp cận thị trường và tiếp thị sản phẩm. Đây sẽ là động thái rõ ràng, thể hiện tầm nhìn chiến lược, bài toán cân bằng giữa phát triển và kiểm soát ô nhiễm nhựa.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ha-noi-hanh-dong-quyet-liet-vi-mot-tuong-lai-khong-rac-thai-nhua-710106.html
Bình luận (0)