Trung tuần tháng 6/2025, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.V. (74 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau thắt ngực dữ dội, khó thở, mệt lả. Kết quả đo điện tim cho thấy người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên (động mạch vành cung cấp máu nuôi cơ tim bị tắc nghẽn một phần, hoặc tắc nghẽn ở một nhánh của động mạch vành chính khiến lưu lượng máu đến tim bị giảm, gây tổn thương tim và gián đoạn khả năng bơm máu đi khắp cơ thể).
Bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến Đơn nguyên Tim mạch can thiệp thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc; ê kíp can thiệp thực hiện thủ thuật can thiệp mạch vành qua da. Bác sĩ CKI Lê Duy (Khoa Nội tim mạch – Lão học, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), thủ thuật viên chính, cho biết: “Bệnh nhân bị tắc nghẽn nặng nhánh động mạch vành liên thất trước. Ê kíp can thiệp đã tiến hành nong và đặt stent, tái thông thành công nhánh động mạch này. Sau ca can thiệp, bệnh nhân ổn định và được theo dõi tích cực tại Khoa Nội tim mạch – Lão học”.
Vài ngày sau, người bệnh đột ngột xuất hiện triệu chứng liệt nửa người bên phải và rối loạn ngôn ngữ, dù đang được điều trị bằng thuốc kháng kết tập tiểu cầu kép để phòng ngừa huyết khối hình thành gây tắc stent. Chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp, các y bác sĩ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (thuốc làm tan cục máu đông) đường tĩnh mạch để điều trị. Chỉ sau 24 giờ, bệnh nhân có thể cử động tay chân bên phải, nói thành câu, dù hơi chậm và yếu. Người bệnh tiếp tục được theo dõi, điều trị ngăn ngừa các biến cố tim mạch khác và hiện đã xuất viện trong tình trạng ổn định.
Trước đó không lâu, ê kíp cấp cứu - tim mạch can thiệp - hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cũng đã cấp cứu thành công một sản phụ bị viêm cơ tim cấp, có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Đó là bệnh nhân V.T.T.T. (26 tuổi, mới sinh con được 4 tháng, ở xã Ea Ly) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn nhiều, tụt huyết áp, mệt lả, nhịp tim chỉ còn 20 - 30 nhịp/phút. Điện tâm đồ cho thấy sản phụ bị block nhĩ thất độ III – một rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, có thể dẫn đến ngừng tim và tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
|
Một ca can thiệp mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. |
Rất nhanh chóng, ê kíp cấp cứu - tim mạch can thiệp - hồi sức tích cực được kích hoạt, tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời. Qua ống thông, bác sĩ đưa điện cực vào buồng tim người bệnh để điện cực phát xung nhằm tái tạo khử cực tim; tim sẽ co bóp theo xung điện đó. Được can thiệp kịp thời, nhịp tim và huyết áp ổn định trở lại, sản phụ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm; sau đó được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim cấp do Adenovirus. Sau hai tuần theo dõi và điều trị chuyên sâu nhưng cơ tim không hồi phục, bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Bác sĩ CKI Nguyễn Duy Hiếu (Khoa Nội tim mạch – Lão học, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) cho biết: “Viêm cơ tim cấp là một bệnh viêm nhiễm tại cơ tim, thường do virus hoặc do những bất thường trong đáp ứng miễn dịch. Trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến nhanh, làm suy giảm chức năng co bóp của tim, rối loạn dẫn truyền điện tim, gây block nhĩ thất độ III, đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được can thiệp kịp thời”.
Từ cuối năm 2016, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã triển khai kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, với sự chuyển giao của Bệnh viện Thống Nhất; qua đó giúp hàng trăm bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được điều trị tái tưới máu cơ tim, hồi sinh tim kịp thời. Năm 2025, bệnh viện triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tạm thời, cứu nhiều bệnh nhân nhịp tim chậm. |
Bác sĩ Nguyễn Duy Hiếu cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã tiếp nhận và xử trí cấp cứu hơn 50 ca rối loạn nhịp tim, trong đó đa phần là các ca nhịp nhanh trên thất, một số ca nhồi máu cơ tim cấp biến chứng block nhĩ thất và những ca viêm cơ tim ở người trẻ tuổi, có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được can thiệp kịp thời.
Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da được triển khai từ cuối năm 2016, với sự chuyển giao của Bệnh viện Thống Nhất. Những năm qua, hàng trăm bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đã được điều trị tái tưới máu cơ tim, hồi sinh trái tim kịp thời bằng kỹ thuật này. Chỉ tính riêng từ tháng 2/2025 đến nay, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp đã can thiệp cấp cứu hơn 150 ca nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh viện cũng đã triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tạm thời, cứu nhiều bệnh nhân nhịp tim chậm.
Nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị các bệnh tim mạch, từ tháng 5/2025, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên triển khai kỹ thuật thăm dò chức năng tim mạch bằng Holter điện tâm đồ. Đây là kỹ thuật đo điện tim liên tục trong vòng 24 - 48 giờ, thậm chí lâu hơn, giúp phát hiện những rối loạn nhịp tim không xuất hiện thường xuyên, điều mà điện tâm đồ thông thường dễ dàng bỏ qua. Sắp tới, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên sẽ phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, giúp cải thiện chức năng tim, ngăn ngừa nguy cơ suy tim và nguy cơ tử vong đối với những người bệnh rối loạn dẫn truyền hoặc rối loạn nhịp tim chậm có triệu chứng không phục hồi được. Bệnh nhân được tiếp cận kỹ thuật điều trị hiện đại ngay tại địa phương, không phải chuyển lên tuyến trên.
Từ cuối năm 2019, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã triển khai điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết. Thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân cải thiện triệu chứng sau khi điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đạt khoảng 75%. Như vậy, khoảng 75% trong tổng số bệnh nhân nhồi máu não sau khi điều trị đã giảm yếu – liệt, và rất nhiều người trong số đó không phải chịu di chứng đáng sợ của căn bệnh này. Có những bệnh nhân hồi phục ngoạn mục, dù đã cao tuổi.
Nguồn: https://baodaklak.vn/y-te-suc-khoe/202507/gianh-giu-su-song-cho-benh-nhan-tim-mach-1df1614/
Bình luận (0)