Trưởng thôn Tân Lợi, xã Minh Hóa Cao Tiến Viện cập nhật thông tin cho người dân qua kênh mạng xã hội - Ảnh: X.P
Kết nối đến mọi nhà
Trước đây, mỗi khi có việc cần thông báo đến người dân, ban cán sự thôn Tân Lợi, xã Minh Hóa phải dùng loa truyền thanh hoặc giao cho các trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận đến từng nhà thông báo. Nhưng hơn một năm nay, mọi thông tin liên quan đến khu dân cư, người dân đều được cập nhật nhanh chóng chính xác, kịp thời trên nhóm Zalo của thôn.
Trưởng thôn Tân Lợi Cao Tiến Viện, cho biết, toàn thôn có hơn 200 hộ thì hầu hết đều được đưa vào nhóm Zalo này, số ít còn lại chủ yếu người già, hộ nghèo không sử dụng điện thoại thông minh. Mỗi khi có thông tin mới cần tuyên truyền, phổ biến, ban điều hành thôn sẽ chủ động đưa lên nhóm Zalo để người dân dù đang ở đâu, làm việc gì cũng có thể kịp thời nắm bắt thông tin. Tỉ lệ tiếp cận thông tin qua Zalo đạt trên 80%.
Theo anh Viện, với một số hộ gia đình đi làm ăn xa, đi rừng thì ban ngày họ không thể nắm bắt được hết các thông tin của thôn, xã. Đến khi về, thông qua nhóm zalo, họ nắm bắt kịp thời hơn về các vấn đề như tuyên truyền an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm và vận động các phong trào ủng hộ gây quỹ.
Mới đây nhất, thôn Tân Lợi đã sử dụng nhóm Zalo để chuyển tải công văn của UBND xã Minh Hóa về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, nhờ đó đã giúp bà con, nhất là người chăn nuôi có ý thức trong bảo vệ đàn vật nuôi, tăng cường phòng, chống dịch.
Anh Đinh Minh Đồng ở thôn Tân Lợi có đầu tư phát triển chăn nuôi lợn. Khi phát hiện lợn bị ốm, anh chỉ nghĩ lợn ốm thông thường như mọi khi, cho uống thuốc là khỏi. Tuy nhiên, qua nhóm Zalo, anh tiếp cận được công văn phòng, chống dịch do thôn cung cấp nên chủ động kiểm tra và phát hiện đàn lợn của gia đình đã bị nhiễm bệnh. Anh đã báo ngay cho thôn và được các ngành chức năng xuống kiểm tra, xử lý tiêu hủy kịp thời.
Mở lối giảm nghèo
Khảo sát ở một số địa phương khu vực miền núi, nông thôn cho thấy, hầu hết ở các thôn, bản, tiểu khu đều sử dụng mạng xã hội để kết nối, liên lạc với người dân; số gia đình tham gia đạt từ 50% - 80%. Thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội, thông tin được cán bộ thôn, bản cập nhật để bà con dễ dàng nắm bắt kịp thời và luôn có tương tác 2 chiều để cán bộ có hướng giải quyết, không để phát sinh những vấn đề phức tạp. Đặc biệt, việc tiếp cận các chủ trương, chính sách về hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững luôn được ưu tiên.
Theo chị Hồ Thị Khuynh, bản Y Leng, xã Dân Hóa: Thông qua các nhóm trên mạng xã hội của các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, chị được phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp cận các phong trào, hoạt động hội cũng như các kiến thức để xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái, hỗ trợ tập huấn kiến thức phát triển kinh tế, khởi nghiệp... Nhờ đó, chị và nhiều người dân trong bản đã phát triển được các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, biết cách kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng mạng xã hội để tăng thu nhập.
Ông Trần Giang Hà, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Minh Hóa cho biết, trong quá trình triển khai hoạt động tín dụng chính sách, nhất là khi phải phối hợp với nhiều tổ chức hội, UBND xã và các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, việc nắm bắt thông tin nhanh và truyền đạt chỉ đạo kịp thời là yếu tố then chốt. Chính vì vậy, đơn vị đã chủ động ứng dụng mạng Zalo như một kênh điều hành công việc hàng ngày.
Qua các nhóm Zalo được phân theo từng xã, từng hội đoàn thể, đơn vị có thể gửi lịch giao dịch, thông báo chính sách mới, theo dõi tình hình thu hồi nợ, xử lý nợ quá hạn, thậm chí trao đổi nghiệp vụ trực tiếp với cán bộ phụ trách xã. Cách làm này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà còn tăng tính chủ động, linh hoạt cho cả ngân hàng và các đơn vị phối hợp.
Ông Đinh Xuân Khoáng, tổ dân phố 5, xã Minh Hóa là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn có thâm niên trên 20 năm. Ông Khoáng chia sẻ, từ khi có nhóm Zalo để kết nối với ngân hàng chính sách, chúng tôi nhận thông tin nhanh hơn nhiều. Lịch giao dịch, các biểu mẫu, nguồn vốn cấp về... đều được cập nhật trên nhóm, rất tiện lợi.
Bên cạnh đó, thông qua các nhóm Zalo, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã phối hợp với lực lượng công an xã, biên phòng nắm bắt thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn để nhanh chóng giải quyết.
Nhằm khai thác tối đa tiện ích của mạng xã hội và các nền tảng số trong thời gian tới, chính quyền cơ sở cần tiếp tục nâng cao nhận thức số cho cán bộ và người dân, nhất là phát huy vai trò của các hội đoàn thể, đội ngũ tình nguyện viên số trong việc đưa công nghệ đến gần hơn với cộng đồng. Đây chính là bước đi thiết thực, góp phần giảm nghèo thông tin, mở lối thoát nghèo cho người dân ở các địa bàn nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong kỷ nguyên số.
X.Phú
Nguồn: https://baoquangtri.vn/giam-ngheo-thong-tin-thoat-ngheo-ben-vung-196015.htm
Bình luận (0)