Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga, thể hiện chiều sâu của mối quan hệ văn hóa và giáo dục kéo dài hàng thập kỷ giữa hai quốc gia.
Tham dự Lễ khai mạc vào ngày 23.7 có phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm, bà Ngô Phương Ly; Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Lê Văn; Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi.
Về phía Liên bang Nga có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nga Andrey Malayshev; Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko; Vụ trưởng Vụ Thông tin-Báo chí, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova; Giám đốc Học viện Nghệ thuật Nga Vasily Tsereteli.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh những kết quả vượt bậc của chặng đường 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, trong đó có những đóng góp tích cực của nền tảng từ hợp tác văn hóa sâu sắc, cũng như những nhịp cầu hữu nghị bền bỉ trong giao lưu giữa nhân dân Việt Nam và Nga.
Theo Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình, triển lãm “Người thầy – học trò: Giai điệu của hành trình” cho thấy sự bền chặt, những nỗ lực không ngừng nghỉ từ quá khứ đến hiện tại và nhân dân hai nước đang tiếp tục xây đắp cho tương lai.
Dẫn câu ngạn ngữ Nga “Thầy giáo là người cha thứ hai của mỗi con người”, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình khẳng định, các mối quan hệ, tình cảm thầy trò Việt-Nga đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nên sự gắn bó, tình cảm thủy chung giữa Việt Nam và Nga.
Cảm ơn cảm ơn Bộ Văn hóa Nga, Học viện Nghệ thuật Nga, những người thầy và người bạn Nga, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình cho rằng, sáng kiến tổ chức triển lãm thể hiện sự hòa quyện giữa các giá trị truyền thống của nền văn hóa Việt Nam và Nga, là đạo nghĩa Thầy – trò giữa các giá trị nghệ thuật với những đặc trưng riêng của mỗi nền văn hóa, cũng như sự tiếp thu – sáng tạo của trò Việt Nam được học thầy giáo Nga.
Phát biểu chào mừng triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nga Andrey Malyshev nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hợp tác trong đào tạo về lĩnh vực sáng tạo giữa hai nước đã được triển khai rộng rãi từ lâu, để ngày nay đã hình thành nên “con đường” nghệ thuật gắn bó như tên gọi triển lãm “Người thầy – học trò”. Triển lãm là minh chứng sinh động cho tình hữu nghị bền chặt và sự hợp tác giữa hai dân tộc, đồng thời thể hiện sự giao thoa và gần gũi giữa hai nền văn hóa.
Triển lãm trưng bày khoảng 90 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc và nghệ thuật trang trí của các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ – từ những tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật Liên Xô và Nga, đến những học trò Việt Nam đã học tập tại các học viện nghệ thuật Nga từ năm 1962 cho đến nay. Triển lãm là lời tri ân dành cho mối quan hệ thiêng liêng giữa người thầy và người học trò – một hành trình tinh thần và đạo đức xuyên suốt.
Nền mỹ thuật quốc gia Việt Nam được hình thành qua nhiều thế kỷ dưới tác động của các yếu tố lịch sử, truyền thống bản địa, địa hình và cảm quan thẩm mỹ đặc trưng của dân tộc.
Sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925 tại Hà Nội là cột mốc quan trọng đưa nghệ thuật phương Tây, đặc biệt là hội họa sơn dầu trên toan, đến với các họa sĩ Việt Nam. Chỉ trong hai thập kỷ tồn tại (1925–1945), trường đã đào tạo 48 họa sĩ và 7 nhà điêu khắc, nhiều người trong số đó trở thành những tên tuổi lớn, góp phần đặt nền móng cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử kháng chiến và phong trào giải phóng dân tộc đặt ra yêu cầu về một nền nghệ thuật mới, gần gũi với nhân dân và mang bản sắc dân tộc. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cùng với việc giành độc lập đã khơi dậy sự quan tâm sâu sắc của giới văn nghệ sĩ đến di sản nghệ thuật truyền thống – từ tranh lụa, tranh sơn mài cho đến kỹ thuật trang trí dân gian.
Ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950 và ký kết các hiệp định giáo dục – văn hóa, nhiều sinh viên Việt Nam đã được gửi sang Liên Xô học tập. Họ chính là cầu nối giữa hai nền văn hóa, và cũng là minh chứng sống động cho thành quả của chính sách hợp tác song phương.
Một điểm nhấn đặc biệt là triển lãm có trưng bày 5 tác phẩm của họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân, thân phụ của phu nhân Ngô Phương Ly – một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học tại Liên Xô từ những năm 1960.
Sau những năm học tập tại Liên Xô, ông Ngô Mạnh Lân đã trở thành họa sĩ hoạt hình lớn, nhà giáo đáng kính của nhiều thế hệ học sinh. Nhiều trẻ em Việt Nam đã lớn lên cùng những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của NSND Ngô Mạnh Lân như Dế mèn phiêu lưu ký (1959), Cái Tết của Mèo con (1970), Con sáo biết nói (1970) và những tác phẩm khác.
Xúc động trước tình cảm và sự trân trọng từ phía Nga dành đoàn, dành cho các tác phẩm của các thế hệ nghệ sỹ mỹ thuật Việt Nam nói chung và các tác phẩm của hoạ sĩ Ngô Mạnh Lân nói riêng, phu nhân Ngô Phương Ly khẳng định, triển lãm là minh chứng của tình cảm hữu nghị giữa Thày trò Nga – Việt, nó phản ánh sinh động tình hữu nghị Việt – Nga, đồng thời cho thấy kết quả tốt đẹp trong hợp tác đào tạo nói chung, đào tạo mỹ thuật giữa hai nước nói riêng.
Phu nhân nhấn mạnh, nhiệm vụ của chúng ta là tiếp nối dòng chảy này để cùng nhau mạnh mẽ bước vào tương lai của hai đất nước mà những trang sử đẹp đẽ đã gắn kết chúng ta qua nhiều nhiều thế hệ. Phu nhân cũng dành những lời cảm ơn chân tình trong những dòng lưu bút tại Học viện.
Khán giả yêu nghệ thuật, trân quý tình hữu nghị Việt-Nga có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật hòa quyện giữa sự tận tình dìu dắt của người Thầy Nga và sự tiếp thu – sáng tạo của Trò Việt Nam đến ngày 28.9.2025 tại Học viện Nghệ thuật Nga, Thủ đô Moskva.
Chiều ngày 25.7.2025, phu nhân Ngô Phương Ly sẽ dự và cắt băng khai mạc Lễ hội Văn hoá Việt Nam tại Quảng trường Đỏ, Thủ đô Moskva của Liên bang Nga.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/giai-dieu-hanh-trinh-trong-nghe-thuat-155781.html
Bình luận (0)