Dự án "Quan họ Intern" được tổ chức tại đình Đình Bảng vào các ngày Chủ nhật của tháng 7 là một minh chứng sinh động cho hành trình đưa quan họ vào đời sống “Gen Z”.
Không còn khoảng cách giữa truyền thống và hiện đại, những hoạt động của dự án đã kết nối, tạo cơ hội cho người trẻ tiếp cận văn hóa quan họ một cách tự nhiên, từ kỹ năng ca hát cho đến lề lối ứng xử; từ cách têm trầu, vận áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ đến việc cầm ô, che nón, đi đứng, thưa gửi của người quan họ…
Người khởi xướng dự án là Nguyễn Thị Thủy Nguyên - một người trẻ đầy nhiệt huyết với văn hóa xứ Kinh Bắc, cô chia sẻ: "Ban đầu, em chỉ nghĩ đơn giản, là người Bắc Ninh thì phải biết hát quan họ. Từ mong muốn giản dị ấy, chúng em triển khai dự án phi lợi nhuận này, tạo cơ hội cho các bạn trẻ học hát quan họ để thêm hiểu, thêm yêu và tự hào hơn về vốn quý của quê hương. Chúng em cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của Ban Quản lý di tích đình Đình Bảng để dự án được diễn ra trong không gian đậm chất Kinh Bắc". "Với em, quan họ là niềm tự hào, là câu chuyện mong muốn được chia sẻ, lan tỏa với bạn bè muôn phương. Càng tìm hiểu, em càng thấy quan họ đẹp. Ước mơ lớn của em là tạo ra một cộng đồng trẻ yêu quan họ, từ đó lan tỏa sứ mệnh giữ gìn di sản" - Thủy Nguyên bày tỏ.
Lớp trẻ cùng các nghệ sĩ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tham gia dự án "Quan họ Intern" tại di tích đình Đình Bảng. |
"Quan họ Intern" là chuỗi hoạt động trải nghiệm, định hướng giáo dục dành cho người trẻ, hướng tới gìn giữ và lan tỏa quan họ Bắc Ninh theo cách tiếp cận gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng trong đời sống. Không khuôn sáo, không áp đặt, dự án mở ra một không gian giao lưu đúng với tinh thần người trẻ. Dự án còn thu hút sự tham gia của những người trẻ ở các tỉnh, thành phố khác. Ví như Bùi Quang Huy sinh ra ở Đắk Lắk, học tại Thành phố Hồ Chí Minh và làm việc ở Hà Nội, Huy tìm đến quan họ bởi tình yêu dân ca thừa hưởng từ mẹ. Em trải lòng: "Từ nhỏ em được nghe mẹ hát dân ca Nam Bộ. Ra Hà Nội làm việc, em biết đến dân ca Quan họ Bắc Ninh, muốn tìm hiểu thêm về những nét đặc biệt trong văn hóa ấy nên đăng ký tham gia. Sau một buổi trải nghiệm, em thực sự ngỡ ngàng vì nhiều điều thú vị. Ấn tượng nhất là phong tục kết bạn trong quan họ".
Tương tự, Nguyễn Trần Thu Mai, sinh năm 2003 đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Em thích viết, thích kể chuyện, mà muốn kể chuyện hay phải có chất liệu thật. Những buổi trải nghiệm như thế này giúp em không chỉ hiểu mà còn cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa quan họ. Từ đó, em có thể chia sẻ với các bạn khác về những câu chuyện độc đáo ấy qua các nền tảng số".
Đằng sau sự hồn nhiên, trẻ trung của “Gen Z” là một thái độ lao động nghiêm túc, cầu thị và đầy trách nhiệm. Các bạn trẻ hiểu rằng quan họ không chỉ là ca hát, mà còn là lề lối ứng xử, là cách sống thấm đẫm triết lý nhân sinh. Từ chiếc áo tứ thân, miếng trầu têm cánh phượng đến lời chào, câu hát, tất cả đều ẩn chứa lớp lang, chiều sâu văn hóa được trao truyền qua các thế hệ.
Đồng hành cùng các bạn trẻ trong vai trò người hướng dẫn cách mặc trang phục liền chị quan họ, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Thùy, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhận xét: "Ban đầu, các em còn vụng về, hát chưa tròn, chít khăn chưa đẹp nhưng tôi thấy mừng vì các em chủ động tìm hiểu, sáng tạo và làm mới di sản theo cách của thế hệ mình. Tôi tin vào tài năng, tình yêu và sức sáng tạo của các bạn trẻ hôm nay".
Không chỉ học hát quan họ, lớp trẻ còn tận dụng mạng xã hội, công nghệ để sáng tạo những hình ảnh, video ngắn, những câu chuyện đầy cảm xúc về phong tục, lễ nghi, lề lối, cách hát đối đáp của người quan họ. Đặc biệt, họ còn thiết kế bộ nhận diện quan họ theo phong cách hiện đại, trẻ trung, từ những sản phẩm thủ công như gấu bông Kinh Bắc, áo phông liền anh, liền chị cho tới cách đặt tên đồ uống đều lấy cảm hứng từ nón quai thao, áo tứ thân, khăn mỏ quạ…
Đi nhiều nơi, trực tiếp tham gia truyền dạy quan họ cho nhiều bạn trẻ, nghệ sĩ Hữu Duy, Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật 2, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh khẳng định: “Giới trẻ hôm nay rất yêu văn hóa truyền thống theo cách riêng. Dân ca là quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Những bạn trẻ hãy tiếp tục yêu và giữ gìn những làn điệu dân ca, đó chính là tâm hồn, mạch nguồn của cha ông chúng ta cần được bảo tồn và trao truyền cho thế hệ mai sau. Và những mô hình như "Quan họ Intern" đang cho thấy hướng đi đầy triển vọng, vừa khai thác được sức sáng tạo trẻ, vừa gắn kết di sản với đời sống hôm nay”.
Dẫu chỉ là một dự án nhỏ trong chuỗi hoạt động kết nối văn hóa truyền thống với giới trẻ, “Quan họ Intern” cùng hàng trăm lớp truyền dạy quan họ cho thanh, thiếu niên, nhi đồng trong và ngoài tỉnh đều mang ý nghĩa thiết thực. Các hoạt động này góp phần khơi dậy tình yêu, niềm tự hào và ý thức gìn giữ, lan tỏa văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc trong thế hệ trẻ. Có thể khi dự án kết thúc, không phải ai cũng trở thành “liền anh, liền chị” thực thụ, nhưng chắc chắn những giá trị thẩm mỹ, tinh thần văn hóa quê hương sẽ được bồi đắp, nuôi dưỡng và tiếp tục lan tỏa.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/gen-z-lan-toa-tinh-yeu-quan-ho-postid421864.bbg
Bình luận (0)