NHIỀU KỲ VỌNG
Cùng với nhân dân, cộng đồng DN tại Đồng Tháp cũng đang đặt nhiều kỳ vọng khi sáp nhập tỉnh từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đến mở rộng thị trường tiêu thụ, cũng như tiếp cận các chính sách hỗ trợ…
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong tham quan dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH TMDV Trí Sơn. |
Công ty TNHH Giống cây trồng Sen Hồng (phường Đạo Thạnh) là DN hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng, phục vụ phát triển nông nghiệp. Ông Cao Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Sen Hồng cho biết, sau khi sáp nhập tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp thành tỉnh Đồng Tháp mới, đến thời điểm này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn ổn định, chưa phát sinh khó khăn gì lớn ngoài việc thay đổi thông tin DN trên bao bì và một số giấy tờ pháp lý có liên quan.
DN tin tưởng rằng, việc thành lập tỉnh Đồng Tháp mới trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh có thế mạnh trong vùng về sản xuất nông nghiệp thì việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của DN sẽ thuận lợi hơn. Đơn vị cũng như cộng đồng DN mong muốn sẽ có được môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và tốt hơn trong thời gian tới.
Hiện nay, khu vực Đồng Tháp và Tiền Giang sau khi sáp nhập thành tỉnh Đồng Tháp mới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi chim yến. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, khu vực này không chỉ ghi nhận sự gia tăng về số lượng nhà yến, mà còn nổi bật với chất lượng tổ yến đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn cao.
Theo ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Trí Sơn (phường Đạo Thạnh), việc thành lập tỉnh Đồng Tháp mới đã mở ra nhiều cơ hội to lớn để thúc đẩy ngành nuôi chim yến, một lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng của khu vực. Với sự kết hợp nguồn lực từ cả 2 tỉnh trước đây, ngành yến sào được kỳ vọng sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc, không chỉ về sản lượng, mà còn về chất lượng và giá trị kinh tế.
Sự hợp nhất giữa Đồng Tháp và Tiền Giang tạo điều kiện để quy hoạch lại các vùng nuôi yến một cách hiệu quả hơn. Sau sáp nhập, việc xây dựng chuỗi liên kết giữa các nhà nuôi yến, DN chế biến và các đối tác xuất khẩu được kỳ vọng sẽ trở nên chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Bùi Băng Sơn, tỉnh Đồng Tháp mới được thành lập là cơ hội để ngành yến sào bứt phá, từ việc tối ưu hóa nguồn lực, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, đến mở rộng thị trường xuất khẩu. Với sự đồng hành của chính quyền, DN và người dân, khu vực này có thể trở thành trung tâm nuôi yến hàng đầu Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế to lớn và góp phần nâng cao đời sống cộng đồng.
DN cam kết đồng hành cùng các bên để hiện thực hóa những kỳ vọng này, đưa yến sào Đồng Tháp trở thành niềm tự hào của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sau sáp nhập, DN kỳ vọng tỉnh sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho ngành yến sào, bao gồm: Hỗ trợ vốn ưu đãi, xúc tiến thương mại và quảng bá, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
ĐỒNG HÀNH CÙNG DN
Với việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành, hỗ trợ DN, thời gian qua, nhiều DN đã tin tưởng đầu tư vào tỉnh. Một số DN sau thời gian hoạt động đã tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và cam kết gắn bó với địa phương lâu dài.
Công ty TNHH TMDV Trí Sơn đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết giữa các nhà nuôi yến. |
Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang) là cơ sở sản xuất cốt lõi tại Việt Nam do Công ty cổ phần Lốp xe Quý Châu đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án là 615 triệu USD, được triển khai theo 3 giai đoạn. Đến nay, công ty đã hình thành mô hình công nghiệp theo định hướng “lốp thương mại và lốp du lịch song hành, hợp tác toàn cầu”.
Năm 2024, công ty đã đạt doanh thu 256 triệu USD; năm 2025 dự kiến đạt doanh thu trên 300 triệu USD, tăng 18% so với năm 2024. Với việc đầu tư mở rộng sản xuất, năm 2027 kế hoạch của DN sẽ đạt doanh thu 500 triệu USD, tăng 25% so với năm 2025.
Theo đại diện Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam, DN luôn kiên định với phương châm “Gắn bó với Đồng Tháp, phục vụ Đồng Tháp”, tăng cường xây dựng địa phương hóa và tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Tính đến thời điểm hiện tại, trong giai đoạn 1 và 2 của dự án, công ty đã tuyển dụng tổng cộng 1.200 lao động địa phương.
Công ty TNHH TMDV Trí Sơn đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết giữa các nhà nuôi yến. |
Tỷ lệ lao động địa phương trong tổng số nhân viên của công ty chiếm trên 95%. Sau khi giai đoạn 3 của dự án đi vào hoạt động, công ty dự kiến sẽ tạo thêm khoảng 500 việc làm mới, góp phần thúc đẩy thị trường lao động tỉnh Đồng Tháp ổn định và nâng cao kỹ năng lao động.
Đại diện Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam cho biết thêm: “Tỉnh Đồng Tháp là căn cứ chiến lược cho sự phát triển ra nước ngoài của công ty. Sự hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan là nguồn động lực vững chắc để chúng tôi gắn bó và phát triển lâu dài. Trong tương lai, công ty sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm góp phần nâng cấp ngành công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng việc làm và đóng góp cho ngân sách của tỉnh Đồng Tháp”.
Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Tiền Giang có vốn đầu tư 158,4 triệu USD. Công ty là DN đóng góp vào nguồn thu ngân sách đứng đầu tỉnh. Năm 2024, công ty nộp ngân sách nhà nước 2.842 tỷ đồng và 1.427,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025.
Ông Trần Minh Triết, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam cho biết, việc sáp nhập địa giới hành chính vừa qua đã mở ra cho Đồng Tháp một không gian phát triển kinh tế rộng lớn; đồng thời, nâng tầm vị thế chiến lược của tỉnh trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Công ty tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và quyết đoán của lãnh đạo tỉnh, cùng sự đồng lòng của toàn thể Đảng bộ và chính quyền, Đồng Tháp sẽ phát huy tối đa các tiềm năng hiện có, tạo ra những đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Trong hành trình ấy, Heineken Việt Nam cam kết là đối tác tin cậy và đồng hành lâu dài của tỉnh, không chỉ thông qua hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn qua những đóng góp thiết thực cho phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực địa phương và tăng trưởng bền vững tại Đồng Tháp.
Hiện nay, Heineken Việt Nam đang vận hành 5 nhà máy bia trên toàn quốc, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 3.000 người lao động. Tỉnh Đồng Tháp còn là nơi đặt một trong những nhà máy chủ lực của Heineken tại Việt Nam. Đồng Tháp hiện là địa phương mà Heineken Việt Nam có mức đóng góp lớn nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn trên phương diện phát triển xã hội.
“Với những điều chỉnh về địa giới hành chính, chúng tôi cam kết tiếp tục là đối tác phát triển quan trọng của tỉnh Đồng Tháp, thông qua đóng góp ngân sách ổn định, hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng địa phương, tạo việc làm bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và đầu tư vào các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng” - ông Trần Minh Triết nhấn mạnh.
Với những tiềm năng, cơ hội sau sáp nhập cùng phương châm kiến tạo, đồng hành, Đồng Tháp đang là điểm đến hứa hẹn của nhà đầu tư cũng như cộng đồng DN trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
ANH THƯ
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202507/dong-thap-kien-tao-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-1046859/
Bình luận (0)