Chiếc chõ quý trong vườn cây
Bảo vật quốc gia chõ gốm Đông Sơn được tìm thấy khoảng những năm 2000, khi người dân Thanh Hóa đào hố trồng cây.
Sau đó, chõ được chuyển nhượng cho một nhà sưu tập tư nhân tại địa phương, trước khi được nhà sưu tập Phạm Gia Chi Bảo (TP.HCM) sưu tầm và sở hữu hợp pháp. Hiện vật gần như nguyên vẹn, mép thành miệng chõ có vài vết sứt nhỏ, trên thân có 1 vết nứt (dài 26 cm, rộng gần 1 cm), đã được vá lại. Chõ đang được đặt tại phòng trưng bày của nhà sưu tầm Phạm Gia Chi Bảo.
Chõ gốm Đông Sơn trong bộ sưu tập của ông Phạm Gia Chi Bảo - ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP
Bảo vật quốc gia chõ gốm văn hóa Đông Sơn được làm bằng đất nung, sét mịn pha cát, bã thực vật, sạn nhỏ, pha bột thổ hoàng. Xương gốm màu xám đỏ, được chế tác bằng đất sét mịn nhào kỹ, trộn với cát. Do được nhào kỹ, cát mịn, tỷ lệ phù hợp nên thân chõ gần như không có các biến dạng như nứt, rạn, vênh méo, xương chắc, bề mặt chõ mịn.
Chõ được tạo dáng bằng kỹ thuật bàn xoay kết hợp với bằng tay. Bàn xoay giúp chõ gốm có hình dáng cố định. Người thợ gốm đã tạo ba phần riêng biệt thân chõ, nồi và vỉ sau đó gắn lại với nhau khi xương gốm đã se. Lỗ thủng ở vỉ được xuyên từ trên mặt xuống dưới. Thân chõ dày hơn phần nồi để giữ nhiệt, thân nồi mỏng hơn để bắt lửa/nhiệt nhanh hơn.
Theo hồ sơ bảo vật, chõ sau đó được nung ở ngoài trời, không có lò cố định. Vì không có buồng lò nên nhiệt độ nung không đều, tạo ra những mảng màu khác nhau trên chõ gốm. Đây là kiểu nung gốm phổ biến trong thời tiền sơ sử VN. Hiện nay người Chăm ở Bàu Trúc (Ninh Thuận cũ, nay thuộc tỉnh Khánh Hòa) vẫn nung gốm theo truyền thống tương tự.
Cũng theo hồ sơ bảo vật, chõ gốm được chia làm 3 phần: thân chõ, nồi và vỉ bên trong. Ba phần này được làm riêng, sau đó được gắn chắp vào với nhau. Phần chõ được chế tác trước, sau đó được gắn vào thân nồi bên dưới. Kỹ thuật gắn chắp chõ gốm đã đạt trình độ cao, nên mối ghép khó bị phát hiện, tạo cảm giác như chõ được chế tác liền khối.
Chõ gốm văn hóa Đông Sơn được tìm thấy không nhiều nếu so với các loại đồ gốm khác như nồi, chậu, bát, thạp, bình, vò, nồi nấu đồng, khuôn đúc... Thống kê do cố GS Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, chủ trì cho thấy nếu như các nhà khoa học (tính đến 1994), tìm thấy 579 nồi, 74 bát, 422 bình, 213 vò… thì họ chỉ phát hiện 7 chiếc chõ Đông Sơn. Chõ cũng quý giá với người Đông Sơn đến mức khi chủ nhân chết, chõ được chôn theo.
Sáng chế thuộc văn hóa Đông Sơn lần đầu được phát hiện
Một khảo cứu đã được dẫn trong hồ sơ bảo vật để chứng minh sự độc đáo, quý hiếm của chõ gốm Đông Sơn thuộc sở hữu nhà sưu tầm Phạm Gia Chi Bảo. Theo đó, dấu tích lúa gạo ở VN đã tìm thấy từ thời văn hóa Phùng Nguyên trước văn hóa Đông Sơn hàng nghìn năm. Đến thời văn hóa Đông Sơn, hình ảnh hạt lúa đã được sử dụng để trang trí trên một số đồ đồng. Hình ảnh chế biến lúa gạo như giã gạo, sàng sảy gạo… đã xuất hiện trên một số trống đồng và thạp đồng Đông Sơn.
Chiếc chõ cho thấy kỹ thuật nấu ăn của người xưa - ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP
Khảo cứu đánh giá cao kỹ thuật mới trong việc đun chín, đồ, hấp... cách thủy bằng hơi nước đun sôi. Hội đồng Di sản (hội đồng thẩm định bảo vật quốc gia) cũng đồng ý đây là phát minh, sáng chế tiêu biểu chỉ phát hiện lần đầu trong văn hóa Đông Sơn, có giá trị thực tiễn rất cao, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển xã hội Đông Sơn, tăng trưởng về thể chất của cư dân Việt cổ.
Theo nghiên cứu, gạo nếp - xôi chỉ xuất hiện trong những dịp đại lễ. Gạo nếp được dùng để nấu cơm lam, cơm nếp, đồ xôi bằng chõ. Dần về sau tục ẩm thực này đã hòa vào cộng đồng cư dân Đông Sơn, gạo nếp được thư tịch cổ ghi chép khá nhiều. Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh, Kiều Phú) chép: Đất sản xuất được nhiều gạo nếp. Phát minh này từ thời Đông Sơn cũng chính là câu chuyện của chiếc chõ Đông Sơn bảo vật.
PGS-TS Bùi Văn Liêm cho rằng việc ăn chín uống sôi giúp con người thời các vua Hùng dựng nước nâng tầm hơn về thể chất. "Cao cấp hơn cả là ăn chín, uống sôi..., trong đó tiến bộ nhất, khoa học nhất, văn minh nhất thời Đông Sơn là phát minh, sáng chế ra kỹ thuật đun chín bằng cách hấp, đồ, cách thủy tạo sản phẩm xôi, cơm, thức ăn...", PGS-TS Liêm cho biết.
Chính vì thế, chõ gốm Đông Sơn thuộc sưu tập Phạm Gia Chi Bảo còn quý vì đã kể được câu chuyện con người, về văn minh nông nghiệp, về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Việt cổ thời đại Đông Sơn. Nghiên cứu chõ cung cấp bằng chứng về đời sống vật chất (ăn, mặc, ở) cũng như tinh thần (lễ hội, tín ngưỡng).
"Việc phát hiện những chiếc chõ trong khai quật khảo cổ học tại các di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn, ngoài việc khẳng định tính nguyên bản của chõ, còn chứng minh được rằng người Việt cổ thời Đông Sơn đã biết sử dụng gạo nếp, dùng hơi làm chín gạo nếp tạo thành đồ ăn đặc sắc (xôi nếp) thời kỳ đó", hồ sơ bảo vật quốc gia nhấn mạnh. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-la-bao-vat-quoc-gia-cho-gom-dong-son-nau-xoi-dip-dai-le-18525070923084313.htm
Bình luận (0)