Thời gian qua, dư luận bất ngờ khi nhiều trường ĐH hạ thấp điểm sàn xét tuyển so với năm 2024, chỉ 15-16 điểm ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Càng ngạc nhiên hơn khi một số trường ĐH xác định điểm sàn dưới 15.
Bộ GD-ĐT quy định ra sao về điểm sàn xét tuyển?
Cụ thể, nhiều ngành của Trường ĐH Quang Trung (tỉnh Gia Lai) chỉ lấy điểm sàn 13, như quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính – ngân hàng, công nghệ kỹ thuật xây dựng, quản trị khách sạn – nhà hàng, quản trị dịch vụ du lịch – lữ hành. Các ngành còn lại lấy 14 điểm gồm ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin, y tế công cộng.
Toàn bộ các ngành Trường ĐH Thành Đông (TP.Hải Phòng) lấy điểm sàn 14, trừ các ngành khối sức khỏe. Năm 2024 trường cũng có mức điểm sàn này.
Các trường ĐH được chủ động xác định điểm sàn xét tuyển các ngành ngoài khối sư phạm, sức khỏe, luật. Tuy nhiên nếu điểm sàn và điểm chuẩn quá thấp có thể khiến người học và trường gặp khó khăn trong quá trình đào tạo
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Hầu hết các ngành Trường ĐH Lao động xã hội cũng có mức điểm sàn là 14, một số ngành có mức điểm sàn cao hơn như ngôn ngữ Anh 14,5 (tổ hợp D14), tâm lý học và công tác xã hội 15,5 điểm (tổ hợp C00), luật kinh tế 18 điểm cho tất cả các tổ hợp (do ngành này phải theo quy định về chuẩn đầu vào của Bộ GD-ĐT). Trong khi năm ngoái, tất cả các ngành của trường có điểm sàn 16.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cũng có mức sàn 13-14 điểm, giảm sâu khi năm 2024 điểm sàn của trường dao động từ 15-19 điểm. Trong khi đó, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM lấy điểm sàn 12 cho tất cả các ngành, giảm 3 điểm so với năm trước.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trường phòng Đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, Bộ GD-ĐT chỉ quy định điểm sàn xét tuyển cho khối ngành sức khỏe, giáo viên, luật, các ngành còn lại do các trường ĐH chủ động xác định.
"Quy chế tuyển sinh nêu rõ, căn cứ yêu cầu đảm bảo chất lượng, cơ sở đào tạo xác định và công bố ngưỡng đầu vào cho các ngành nhóm ngành và phương thức tuyển sinh trước thời gian kết thúc đăng ký dự tuyển ít nhất 10 ngày. Đối với ngưỡng đầu vào đào tạo ngành giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp giấy phép hành nghề, ngưỡng đầu vào do cơ sở đào tạo xác định không được thấp hơn quy định của Bộ GD-ĐT", thạc sĩ Mai Bình cho hay.
Nếu điểm chuẩn dưới 15, có ảnh hưởng chất lượng đào tạo?
Về điểm chuẩn, theo bà Mai Bình, quy chế của Bộ GD-ĐT quy định điểm trúng tuyển được xác định để số lượng tuyển được theo từng ngành, chương trình đào tạo phù hợp với số lượng chỉ tiêu đã công bố, nhưng không thấp hơn ngưỡng đầu vào.
Được biết năm 2024, tất cả các ngành của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM có điểm chuẩn 15, bằng với điểm sàn mà trường đưa ra. Trường ĐH Thành Đông cũng lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn là 14, trừ khối ngành sức khỏe.
Nhiều ngành Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên năm ngoái lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn như điện lạnh và điều hòa không khí, công nghệ may, kinh tế, công nghệ kỹ thuật hóa học, công nghệ hóa thực phẩm, cùng 15 điểm… Một số ngành có điểm chuẩn cao hơn, 15,5; 16; 17 điểm nhưng đây cũng chính là điểm sàn. Chỉ riêng ngành sư phạm tiếng Anh điểm chuẩn cao hơn điểm sàn 5,74 điểm và ngôn ngữ Trung Quốc điểm chuẩn cao hơn điểm sàn 4 điểm.
Điều đó cho thấy đa số các trường này năm trước lấy điểm chuẩn nhiều ngành tương đương điểm sàn.
Nói về điểm chuẩn năm nay, thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình cho biết do đến thời điểm này trường chưa có dữ liệu thí sinh đăng ký nên chưa thể dự đoán là bao nhiêu.
Theo tiến sĩ Huỳnh Ngọc Hào, Giám đốc phân hiệu Trường ĐH Xây dựng miền Trung tại Đà Nẵng, các trường lấy điểm sàn dưới 15 và lấy điểm chuẩn bằng mức này là không vi phạm quy chế của Bộ GD-ĐT.
"Tuy các trường xác định đầu vào có thể thấp, quan trọng là cả người học và nhà trường cùng nỗ lực trong quá trình dạy và học, nhưng điều này chỉ có thể chỉ phù hợp với những ngành về khoa học xã hội, kinh tế. Còn với các ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, thì đầu vào thấp có thể gây khó khăn cho cả người học, nhà trường và sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo", tiến sĩ Ngọc Hào nhận định.
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM, cũng cho rằng với khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), nếu thí sinh có điểm quá thấp sẽ khó có đủ năng lực để theo đuổi ngành học trong suốt 4 năm ĐH. "Các em không học nổi dẫn đến chán và bỏ học giữa chừng, sẽ rất lãng phí cho chính các em và cho xã hội", vị trưởng phòng cho hay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/diem-san-xet-tuyen-va-diem-chuan-duoi-15-co-vi-pham-quy-che-185250728170657118.htm
Bình luận (0)