Trường đại học phải lo cho nguồn tuyển

Năm nay, Trường Đại học Văn hóa TPHCM đưa ra mức điểm sàn xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT cho tất cả các ngành là 15. Mức này thấp hơn điểm chuẩn nhiều ngành năm 2024 từ 11 đến gần 13 điểm. Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành như Du lịch, Quản trị du lịch - lữ hành, Quản trị văn hóa, Truyền thông văn hóa đều ở mức rất cao, từ 26,5 đến 27,85 điểm. Đây là một trong những trường có điểm sàn thấp và chênh lệch với điểm chuẩn năm ngoái nhiều nhất. Hàng loạt trường đại học khác cũng có điểm sàn thấp hơn điểm chuẩn năm trước 7-10 điểm.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TPHCM nói rằng điểm sàn là chuẩn chất lượng đầu vào, còn khi xét tuyển sẽ thực hiện từ cao xuống thấp.

“Chúng tôi đưa ra mức sàn là 15. Nhưng nếu ngành ấy có 100 thí sinh đăng ký trong khi chỉ tiêu là 50, khi xét tuyển, chúng tôi sẽ lấy từ cao xuống”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, điểm sàn thì gần như trường nào cũng đưa rất thấp. Rất ít trường đưa điểm sàn sát với điểm chuẩn mà chỉ lấy ngưỡng được Bộ GD-ĐT chấp thuận. 

“Bản thân chúng tôi không biết sẽ có bao nhiêu thí sinh đăng ký. Chúng tôi cũng không thể dự đoán được điểm sàn tiệm cận. Nếu đưa ra mức sàn cao là lấy dây buộc vào chân mình”, Hiệu trưởng ĐH Văn hóa TPHCM quả quyết.

Ông Nhân cho rằng người học sẽ phải tự tính toán, xem ngành học nào năm trước đưa điểm chuẩn ra sao để đăng ký nguyện vọng.

“Nhà trường đưa ra điểm sàn thấp như vậy còn người học nắm, theo dõi điểm chuẩn năm trước, căn cứ vào đó để nộp nguyện vọng. Tuy nhiên, không phải ngành nào cũng 'hot', chúng tôi đưa ra điểm sàn chung chứ không thể đưa ra từng ngành”, ông Nhân cho hay và nói thêm rằng, thí sinh có nhiều cơ hội, cứ đăng ký nhiều nguyện vọng thì chắc chắn sẽ trúng tuyển.

Giám đốc tuyển sinh một trường đại học ở TPHCM cho rằng, vấn đề các trường đặt lên hàng đầu hiện nay là làm sao đủ chỉ tiêu và có chất lượng tốt vì phần lớn lo tuyển sinh thiếu chỉ tiêu. Cho nên trường đưa ra điểm sàn thấp để thu hút thí sinh đăng ký nguyện vọng. Khi có nhiều thí sinh đăng ký thì chắc chắn điểm chuẩn sẽ cao hơn nhiều so với điểm sàn. 

“Trường đại học phải lo cho bản thân mình chứ không phải lo cho thí sinh. Có người học thì mới phát triển được và ngược lại không có người học thì khó mà phát triển. Do vậy, thí sinh phải nhìn nhận thật kỹ và suy nghĩ trước khi đăng ký nguyện vọng”, ông nói. 

W-thpt tphcm nguyen hue 18 2618.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Nguyễn Huế

Ngoài ra, việc đưa ra mức điểm sàn thấp có thể cũng là một chiến lược thu hút nhiều thí sinh đăng ký, tăng danh tiếng và độ phổ biến. Do vậy, thí sinh phải lưu ý đến thương hiệu của trường, nếu thương hiệu tốt mà điểm sàn thấp thì phải suy xét. Thí sinh có thể cứ đăng ký nguyện vọng vào trường đó, nếu may mắn thì trúng tuyển. Năm nay Bộ GD-ĐT cho thí sinh thoải mái trong việc chọn lựa ngành nên "có tiền là có tất cả".

"Đừng thấy điểm sàn thấp mà đăng ký bừa"

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật, cho rằng việc nhiều trường đại học đưa ra điểm sàn thấp trong khi điểm chuẩn năm trước khá cao là bình thường. Lý do là, theo thống kê phổ điểm của các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, mặt bằng chung là điểm thấp hơn so với năm 2024, đặc biệt là ở các môn Toán, Hóa, Sinh. 

Cũng theo thống kê, nguồn tuyển những thí sinh đạt trên 7 điểm/môn giảm rất nhiều so với năm 2024. Do đó các trường cẩn trọng điều chỉnh điểm sàn xuống là điều tất yếu, nhằm đảm bảo nguồn tuyển và xét chọn được những thí sinh có năng lực tốt so với mặt bằng chung. 

Theo ông Tiến, điều này không gây bất lợi cho thí sinh. Ngược lại, việc điều chỉnh này sẽ giúp các thí sinh an tâm và tự tin hơn khi xây dựng chiến lược sắp xếp nguyện vọng vào các ngành, các trường mình yêu thích.

Đại diện một đại học cho rằng, trong bối cảnh tuyển sinh năm nay, xuất hiện nhiều tình huống mới, trong đó có nhiều trường công bố điểm sàn giảm so với năm 2024 nên thí sinh cũng lo lắng về độ tin cậy khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Do vậy, các trường đại học khi công bố điểm sàn ngoài việc căn cứ theo quy chế cũng cần tính toán đến phương án làm thế nào để thí sinh an tâm khi chọn ngành, chọn trường theo học, đảm bảo tính phù hợp giữa điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển, tránh để thí sinh hụt hẫng, mất niềm tin.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Công thương TPHCM khuyên, thí sinh không đặt toàn bộ niềm tin vào điểm sàn vì điểm chuẩn có thể sẽ cao hơn nhiều.

Điểm sàn là mức điểm tối thiểu mà thí sinh cần đạt để được xét tuyển vào ngành/trường đó. Điểm sàn không đồng nghĩa với điểm trúng tuyển hay còn gọi là điểm chuẩn. Trên thực tế, điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn 1-2 điểm hoặc tới 9-10 điểm, tùy theo lượng thí sinh đăng ký và chỉ tiêu từng ngành. 

Như vậy, một số trường top giữa hoặc top trên cố tình hạ điểm sàn để mở rộng phễu xét tuyển nhưng vẫn giữ điểm chuẩn cao tương đương như các năm trước. Vì vậy, thí sinh không nên thấy điểm sàn thấp mà đăng ký bừa vào các ngành/trường không phù hợp năng lực, sở thích chỉ vì “nghe nói sẽ dễ đậu”.

Đặc biệt, những ngành/trường có điểm sàn thấp có thể thu hút quá đông thí sinh dẫn đến điểm chuẩn bị đẩy cao đột biến. Thí sinh cần theo dõi kỹ dữ liệu tuyển sinh cũng như so sánh điểm sàn và điểm chuẩn trong các năm trước để đánh giá xu hướng ngành và xác định tỷ lệ trúng tuyển của mình có cao không.

Và nên tập trung vào thông tin chính thức của các trường đại học, của Bộ GD-ĐT, của các chuyên gia tư vấn tuyển sinh ở các trường đại học và tránh nghe theo đồn đoán, mạng xã hội mà không kiểm chứng thông tin gì hết nhé.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/diem-san-thap-nhu-pheu-hut-thi-sinh-dua-diem-san-cao-la-tu-buoc-chan-minh-2425722.html