Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất quy định mới về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ16/07/2025

Đề xuất quy định mới về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng- Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất quy định mới về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý

Tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) là tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghệ số tập trung, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHT nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình giao, quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHT, bảo đảm tất cả các tài sản kết cấu hạ tầng đều xác định được chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong quản lý, hạch toán tài sản, xử lý, khai thác tài sản nhằm tăng cường công tác quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 90/2025/QH15 ngày 25 tháng 6 năm 2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (Điều 4) được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nguyên tắc như các Nghị định về tài sản kết cấu hạ tầng đã được ban hành. Ngoài ra, dự thảo đề xuất bổ sung thêm quy định trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về thẩm quyền, trình tự thủ tục giao quản lý, xử lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (bao gồm việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý, khai thác tài sản) so với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Tài sản kết cấu hạ tầng được giao cho cơ quan, đơn vị quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định này như sau:

1- Cơ quan quản lý tài sản, đơn vị quản lý tài sản ở trung ương được giao quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý.

2- Cơ quan, đơn vị quản lý tài sản ở địa phương (gồm: Cơ quan, đơn vị quản lý tài sản cấp tỉnh; cơ quan, đơn vị quản lý tài sản cấp xã) được giao quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý.

Dự thảo nêu rõ, việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cho các cơ quan, đơn vị quy định trên được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản.

Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được giao theo quy định trên được thực hiện theo quy định tại Nghị định này, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan.

Trường hợp cơ quan quản lý tài sản ở trung ương phân cấp hoặc ủy quyền hoặc giao cho các tổ chức hành chính trực thuộc (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), cơ quan quản lý hạ tầng cấp tỉnh phân cấp hoặc ủy quyền hoặc giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (đối với tài sản thuộc phạm vi quản lý của cơ quan quản lý hạ tầng cấp tỉnh) thực hiện kế toán, quản lý hồ sơ, lưu trữ hồ sơ, bảo trì, kê khai, đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng và các nội dung khác (nếu có) thì phải được Bộ, cơ quan trung ương (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) đồng ý bằng văn bản và phải có văn bản của cơ quan quản lý tài sản quy định rõ nội dung phân cấp hoặc ủy quyền hoặc giao và quy trình nội bộ để đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại Nghị định này.

Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý cho cơ quan, đơn vị quản lý tài sản được áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng hiện có tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản giao cho cơ quan, đơn vị quản lý.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, đơn vị quản lý thì thẩm quyền, thủ tục giao, điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng là kết quả của quá trình thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước:

Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án và đối tượng thụ hưởng là cơ quan, đơn vị quản lý tài sản thì sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, mua sắm, chủ đầu tư, chủ dự án, ban quản lý dự án có trách nhiệm bàn giao tài sản cho đối tượng thụ hưởng (cơ quan, đơn vị quản lý tài sản); không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án nhưng đối tượng thụ hưởng không phải là cơ quan, đơn vị quản lý tài sản thì xử lý như sau:

Nếu đối tượng thụ hưởng là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội thì sau khi đối tượng thụ hưởng tiếp nhận tài sản, thực hiện việc điều chuyển tài sản từ đối tượng thụ hưởng sang Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản; việc điều chuyển được thực hiện theo quy định tại (*) dưới đây.

Nếu đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội thì đối tượng thụ hưởng thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp có nhu cầu điều chuyển tài sản cho cơ quan quản lý tài sản thì thực hiện theo quy định tại (*) dưới đây.

Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt không xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao hoặc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng cho cơ quan, đơn vị được thực hiện theo quy định về xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

Theo dự thảo, đối với tài sản kết cấu hạ tầng do các đối tượng không phải là cơ quan, đơn vị quản lý tài sản quản lý mà đối tượng đang quản lý có nhu cầu điều chuyển tài sản sang Bộ, cơ quan trung ương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao tài sản cho cơ quan, đơn vị quản lý tài sản thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản thì được áp dụng thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản quy định tại Nghị định này để quyết định và thực hiện điều chuyển tài sản. (*)

Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng khác (ngoài đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 Nghị định này) thì việc giao tài sản, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp pháp luật chuyên ngành chưa có quy định hoặc quy định chưa đầy đủ về việc giao tài sản, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn


Nguồn: https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-quan-ly-su-dung-khai-thac-tai-san-ket-cau-ha-tang-102250716150421676.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm