Nhiều ý kiến cho rằng đây là một bước đi cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh và xây dựng một môi trường học đường lành mạnh.
Phụ huynh đồng lòng: Giúp con "thoát" thế giới ảo, kết nối đời thực
Đề xuất này đặc biệt nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía phụ huynh, những người chứng kiến trực tiếp tác động của việc lạm dụng điện thoại đến con em mình.
Anh Lương Văn Minh (phường Phú Nhuận, TP.HCM) có con đang học cấp 2 chia sẻ: "Tôi hoàn toàn đồng ý. Đáng lẽ giờ ra chơi con phải vận động, trò chuyện với bạn bè thì lại dán mắt vào điện thoại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mắt mà còn khiến con ít giao tiếp, rụt rè".
Anh Minh lo lắng điện thoại khiến học sinh đứt gãy kết nối với việc học, thầy cô, bạn bè, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cám dỗ mạng xã hội.
Cùng quan điểm, chị Đỗ Thúy Nga (phường Sài Gòn, TP.HCM), phụ huynh học sinh tiểu học bày tỏ sự tiếc nuối khi trẻ em ngày nay tiếp xúc điện thoại quá sớm, quá nhiều, khiến các em mất đi những khoảnh khắc tuổi thơ quý giá.

Từ Hà Nội, chị Phạm Thị Mai Anh (phường Cửa Nam), phụ huynh có hai con đang học THCS và THPT cũng đưa ra góc nhìn về sự cần thiết của việc cấm điện thoại ngay cả ở cấp THPT: "Lứa tuổi này dễ bị cuốn vào mạng xã hội, trò chơi trực tuyến. Giờ ra chơi là lúc duy nhất các con có thể thoát khỏi áp lực học hành, nhưng lại tiếp tục "online". Điều này không chỉ gây mỏi mắt, căng thẳng mà còn khiến các con bỏ lỡ cơ hội tương tác trực tiếp, xây dựng tình bạn, kỹ năng xã hội. Tôi mong quy định này sẽ được áp dụng đồng bộ trên toàn quốc".
Cơ hội phát triển toàn diện và sử dụng công nghệ có trách nhiệm
Không chỉ phụ huynh, các giáo viên cũng hoàn toàn hoan nghênh đề xuất của Sở GD&ĐT. Một giáo viên THCS tại TP.HCM cho biết: "Chúng tôi thường xuyên chứng kiến học sinh ôm điện thoại ngay cả trong giờ ra chơi, thậm chí lén lút xem video, chơi game trong lớp. Việc này làm giảm sự tập trung, ảnh hưởng đến kỷ luật và bầu không khí chung của trường".
Thầy Lê Văn Tám – giáo viên tiểu học tại Hà Nội nhấn mạnh lợi ích khi học sinh không có điện thoại: "Khi không có điện thoại, các em sẽ tự tìm đến nhau, tham gia trò chơi tập thể, đọc sách hoặc trò chuyện. Điều này giúp tăng cường gắn kết, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. Trường học sẽ trở thành nơi vui vẻ, năng động hơn".
Các chuyên gia tâm lý cũng khẳng định sự cần thiết của việc hạn chế sử dụng điện thoại di động trong trường học. ThS Tâm lý học đường Vũ Diễm nhận định: "Việc cấm thúc đẩy các em tham gia hoạt động thể chất, giảm thiểu các vấn đề về thị lực, béo phì. Hơn nữa, nó còn giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp trực tiếp, học cách đọc biểu cảm, vốn là những kỹ năng sống cực kỳ quan trọng".
ThS. Vũ Diễm cũng cảnh báo về nguy cơ nghiện công nghệ, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, và các vấn đề sức khỏe tâm thần do lạm dụng điện thoại.
Cùng quan điểm, TS. Phạm Thị Thúy, chuyên viên tâm lý, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II nhận định đây là chủ trương "rất đáng hoan nghênh". Bà nhấn mạnh việc cấm nhưng không tuyệt đối, chỉ cho phép sử dụng khi giáo viên cho phép, là hoàn toàn hợp lý.
Để triển khai hiệu quả và nhận được sự đồng thuận, TS. Phạm Thị Thúy cho rằng việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh rất quan trọng. "Trường học cần tuyên truyền để phụ huynh hiểu lợi ích, đồng thời thống nhất phương án quản lý điện thoại hợp lý, như nộp điện thoại theo lớp và cất giữ an toàn, để đảm bảo việc liên lạc khi cần thiết mà không gián đoạn giờ học", bà khuyến nghị.
TS. Thúy cũng nhấn mạnh sự linh hoạt trong triển khai quy định, tránh cứng nhắc, cần tính toán và lường trước những tình huống khẩn cấp. "Khi triển khai chủ trương này, hãy nhớ rằng chúng ta cấm vì lợi ích của học sinh. Mọi thứ cần được thiết kế dựa trên quyền lợi, sự an toàn và sự phát triển lành mạnh của các em".
Theo TS. Phạm Thị Thúy, đây là cơ hội tốt để giáo dục các em cách sử dụng điện thoại thông minh có trách nhiệm. "Chúng ta không phải cấm để ngăn cản hoàn toàn, mà để tạo ra môi trường học tập an toàn, hiệu quả và giúp các em hình thành thói quen sử dụng công nghệ đúng lúc, đúng chỗ", bà kết luận. "Khi nhà trường có lý, có tình, có phương án cụ thể, rõ ràng, minh bạch, phụ huynh sẽ ủng hộ. Khi ấy, học sinh cũng sẽ dễ dàng tuân thủ".
Nguồn: https://baolaocai.vn/de-xuat-cam-dien-thoai-o-truong-duoc-huong-ung-manh-me-post648607.html
Bình luận (0)