Toàn cảnh Hội thảo tham vấn chuyên môn một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới. (Ảnh: Nguyệt Anh) |
Sáng nay (17/7), Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới.
Đáp ứng niềm mong mỏi của hơn 1 triệu người thầy
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, ngày 16/6/2025 Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo. Ngày 8/7, Chủ tịch nước đã công bố lệnh về Luật này.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua đáp ứng niềm mong mỏi của hơn 1 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước. Trong quá trình thực hiện, khi cần thiết luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện tốt hơn, đáp ứng mục tiêu là phát triển đội ngũ nhà giáo - lực lượng quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.
Cũng theo Thứ trưởng, Luật Nhà giáo được ban hành chứng tỏ cơ quan chủ trì là Bộ GD&ĐT cùng với các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tham vấn, xây dựng và hoàn thiện luật. Vì thế, khi trình Quốc hội, Luật nhận được 451/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm hơn 94% tổng số đại biểu).
Quan trọng hơn, Luật Nhà giáo đáp ứng được quan điểm, mục tiêu mà Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì đã xác định ngay từ đầu là: phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Thứ trưởng nhấn mạnh: "Luật Nhà giáo được ban hành là điều kiện quan trọng, căn cứ pháp lý cao nhất để triển khai. Đây cũng là những điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải ban hành, hướng dẫn, các văn bản dưới luật. Quá trình này, đòi hỏi công sức, trí tuệ, sự khảo sát, nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn và bài bản".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc. (Ảnh: Nguyệt Anh) |
Lần đầu tiên có đạo luật riêng dành cho nhà giáo
Báo cáo đề dẫn, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, ngày 16/6, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật Nhà giáo với 9 chương, 42 Điều. Đây là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với toàn bộ đội ngũ nhà giáo, với ngành Giáo dục mà còn có ý nghĩa lớn với cả dân tộc Việt Nam.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội ban hành đạo luật riêng quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo; cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo – lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.
Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh 5 điểm nổi bật đáng chú ý trong quy định tại Luật Nhà giáo. Cụ thể: Thứ nhất, khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo. Thứ hai, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Thứ ba, một số chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút tốt hơn đối với nhà giáo. Thứ tư, chuẩn hóa và phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ năm, tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục.
Việc thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, cùng với sự thay đổi trong hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, quản lý đội ngũ viên chức... tác động lớn đến các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, đòi hỏi quá trình xây dựng phải liên tục cập nhật, bảo đảm tính đồng bộ với những thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan.
Ông Vũ Minh Đức khẳng định: “Đứng trước những yêu cầu mới về chính sách đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; định hướng về đột phá giáo dục và đào tạo thời gian tới... đòi hỏi nội dung quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo phải mang tính cách mạng, vượt trội, đón đầu những xu hướng phát triển của thời đại trong kỷ nguyên mới”.
TS. Vũ Minh Đức phát biểu đề dẫn. (Ảnh: Nguyệt Anh) |
Tạo môi trường làm việc mang tính kiến tạo
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên gia giáo dục của UNESCO cho hay, Luật Nhà giáo, được xây dựng theo tinh thần “kiến tạo phát triển” của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị, là công cụ pháp lý mạnh mẽ để chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam. Nó không chỉ giải quyết bất cập hiện tại, mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho nghề dạy học, nơi nhà giáo được coi là tài sản quý giá nhất và động lực chính cho sự phát triển giáo dục.
Tuy nhiên, Luật Nhà giáo đi vào cuộc sống sẽ đối diện với những khó khăn không lường cùng những thách thức từ nhiều phía dưới tác động của các yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế, trong đó có nhiều yếu tố nằm ngoài giáo dục.
“Một trong những thách thức lớn hiện nay là ở nước ta cũng như trên thế giới, nghề dạy học đang trải qua những biến đổi sâu sắc cùng với giáo dục dưới tác động của những xu thế toàn cầu liên quan đến tiến bộ công nghệ, bất ổn thương mại, xung đột địa chính trị, chuyển đổi dân số, phát triển bền vững”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nói.
Đưa ra các giải pháp, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo theo hướng chuyển đổi, thích ứng và đáp ứng sự tiến hóa của nghề dạy học, đi trước một bước để sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi giảng dạy và học tập trong các cơ sở giáo dục. Sớm ban hành chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, với tư cách là các chuẩn mở, sẵn sàng bổ sung và cập nhật, làm cơ sở cho việc xây dựng và hình thành hệ sinh thái học tập suốt đời, phát triển nghề nghiệp liên tục của nhà giáo.
Đồng thời, phát huy quyền tự chủ, tự quyết cùng các kỹ năng lãnh đạo và quản lý của nhà giáo để thực hiện sáng tạo các hoạt động chuyên môn liên quan đến công việc của mình, từ chương trình giảng dạy và các hoạt động sư phạm đến quản lý lớp học, quản lý trường học. Trao quyền cho nhà giáo để thử nghiệm các phương pháp sư phạm mới dựa trên nhu cầu của người học, thúc đẩy tư duy hiếu kỳ và cởi mở, hỗ trợ nhà giáo trong việc phát triển khả năng tự điều chỉnh, tự tiến bước của người học.
Bên cạnh đó, thúc đẩy cơ chế hợp tác và làm việc nhóm trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo: Hợp tác ngày càng được xem là năng lực và kỹ năng lãnh đạo cốt lõi đối với nhà giáo. Bởi lẽ, việc bảo đảm thành công cho người học giờ đây phải là nỗ lực tập thể nơi sự phát triển chuyên môn và giải quyết vấn đề là trách nhiệm chung.
Cần xây dựng chế độ làm việc, môi trường làm việc hướng tới hợp tác, từ nhận thức đến hành động. Trong đó, bao gồm việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; tổ chức lớp học, thiết kế các không gian vật lý chuyên dụng cho chiêm nghiệm, làm việc nhóm; khuyến khích học tập giữa các trường để xây dựng bản sắc nghề nghiệp tập thể và chia sẻ kinh nghiệm…
Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai xây dựng và phát triển văn hóa học đường, với hạt nhân trung tâm là hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và hợp tác quốc tế trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, có giá trị cốt lõi là hạnh phúc với tư cách vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của giáo dục có chất lượng.
"Lấy văn hóa học đường làm nền tảng để hoàn thiện, phát triển, mở rộng ra toàn hệ thống các mô hình trường học thân thiện, trường học hạnh phúc, tạo môi trường làm việc mang tính kiến tạo cho nhà giáo", TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh.
Nguồn: https://baoquocte.vn/de-luat-nha-giao-som-di-vao-cuoc-song-321264.html
Bình luận (0)