Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đảng ủy tại Nhật Bản và công tác quản lý các chi bộ lưu học sinh

Đảng bộ tại Nhật Bản là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Bộ Ngoại giao, có số lượng đảng viên đông thứ hai tại nước ngoài với 1.072 đảng viên tính đến ngày 30/5/2025, sinh sống, làm việc và học tập tại 47 tỉnh của Nhật Bản.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế17/07/2025

Đảng ủy tại Nhật Bản và công tác quản lý các chi bộ lưu học sinh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản nhân dịp thăm chính thức Nhật Bản tháng 5/2023. (Nguồn: VGP)

Đảng bộ tại Nhật Bản có 41 chi bộ trực thuộc, bao gồm 6 chi bộ cơ quan đại diện, 2 chi bộ phu nhân/phu quân, 1 chi bộ Báo chí, 1 chi bộ đóng tàu USC, 2 chi bộ lưu học sinh, 29 chi bộ ghép Lưu học sinh - Thực tập sinh (919 đảng viên, chiếm hơn 85% đảng viên sinh hoạt ở các chi bộ ngoài cơ quan đại diện - CQĐD). Ngoài ra, còn có 50 đảng viên sinh hoạt lẻ công tác, học tập tại các khu vực xa xôi, ngoài đảo, không đủ điều kiện để lập chi bộ.

Những năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ, hiện có hơn 630.000 người đang sinh sống, học tập và làm việc, hiện diện trên tất cả 47/47 địa phương của Nhật Bản.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản, tính tới tháng 1/2025, số lượng lưu học sinh (LHS) Việt Nam tại Nhật Bản đạt khoảng 95.000 người, theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trường tiếng Nhật, trong đó chủ yếu là du học diện tự túc kinh phí. Nhật Bản hiện có 257 đảng viên là LHS, chiếm 24% tổng số đảng viên tại Nhật Bản (1.072 đảng viên).

Quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhất là Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 28/10/2022 của Ban Bí thư về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài, Đại sứ quán luôn coi công tác đảng là “trọng tâm của trọng tâm”, đầu tư nguồn lực và trí tuệ để thực hiện tốt nhất các công tác liên quan. Theo đó, công tác quản lý đảng viên và phát triển Đảng trong LHS được Đảng bộ tại Nhật Bản hết sức quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng do một số đặc thù sau:

Thứ nhất, thành phần đảng viên là LHS hết sức đa dạng, từ Giáo sư, giảng viên đại học đến sinh viên đại học, học sinh trường tiếng Nhật; học tập, làm việc trong nhiều lĩnh vực...

Về cơ bản, hầu hết các nhà trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đều là đảng viên, là lực lượng có trình độ nhận thức cao, tham gia các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, phát triển KHCN... bao gồm các công nghệ mới như lượng tử, bán dẫn, AI, chuyển đổi số...

Thứ hai, đội ngũ đảng viên biến động nhanh, hàng năm biến động khoảng 30% do hết hạn visa, thực tập, du học...

Thứ ba, các đảng viên LHS sinh hoạt, cư trú không tập trung, trải rộng trên toàn quốc Nhật Bản với một số trung tâm lớn là Tokyo, Osaka, Nagoya, Hokkaido và Fukuoka...; hình thức sinh hoạt đa dạng, có chi bộ, sinh hoạt ghép hoặc sinh hoạt lẻ.

Đảng ủy tại Nhật Bản và công tác quản lý các chi bộ lưu học sinh
Đại hội đại biểu Đảng bộ tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2025-2030. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản)

Công tác quản lý đảng viên LHS ở địa bàn

Nhận thức sâu sắc đội ngũ trí thức, nhà khoa học là thành phần nòng cốt để thực hiện các mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước trong phát triển trong thời kỳ mới là KHCN, đổi mới sáng tạo; Đảng ủy tại Nhật Bản triển khai nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo, linh hoạt trong công tác quản lý đảng viên LHS, hỗ trợ, tạo điều kiện để họ phát huy tối đa năng lực, tăng cường đoàn kết, hướng về xây dựng quê hương, đất nước. Cụ thể:

Một là, kiện toàn các chi bộ, để mọi đảng viên đều được sinh hoạt trong tổ chức Đảng; hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho đảng viên làm thủ tục chuyển sinh hoạt từ trong nước sang Đảng ủy tại Nhật Bản; tiếp nhận, hướng dẫn, bố trí sinh hoạt đảng theo tổ chức và hình thức thích hợp với từng đối tượng.

Nơi có điều kiện, thành lập chi bộ theo tính chất công việc, học tập hoặc theo địa bàn cư trú, học tập, làm việc của đảng viên. Những nơi không đủ điều kiện thành lập chi bộ, thực hiện chế độ đảng viên sinh hoạt lẻ.

Các chi bộ có số lượng đông đảng viên thì hướng dẫn chi bộ phân thành tổ đảng ở các trường và nơi cư trú, cơ cấu chi ủy phân đều ra các tổ đảng để tiện cho công tác quản lý đảng viên, triển khai các hoạt động của chi bộ và cũng tạo điều kiện cho đảng viên có thể sinh hoạt và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, thường xuyên củng cố, kiện toàn chi ủy đủ số lượng, có năng lực, phẩm chất đạo đức và phương pháp công tác đảng. Ưu tiên lựa chọn các đảng viên nghiên cứu sinh, LHS hoặc từng là LHS có đủ các tiêu chuẩn, có uy tín cao, nhiệt tình với công tác đảng tham gia cấp ủy để có thể điều hành tốt các hoạt động của chi bộ.

Những đồng chí đảng viên giữ chức vụ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong các cơ quan, giảng viên trong các trường đại học, cán bộ của các tỉnh, thành cử đi học hoặc đã có quá trình học tập, công tác, sinh hoạt hội đoàn vì các đồng chí này đã trải qua công tác trưởng thành từ thực tiễn, có lập trường tư tưởng tốt và kinh nghiệm tổ chức lãnh đạo, điều hành hoạt động chi bộ.

Ba là, tăng cường sự quản lý trực tiếp của Đảng ủy. Đảng ủy lập danh sách đầu mối các cấp ủy trực thuộc, kết nối, phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng ủy cấp trên, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng, công tác quản lý đảng viên thường xuyên để duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Đồng thời, kịp thời phổ biến chính sách, quán triệt nghị quyết và sự chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên, các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng và Nhà nước, tình hình thời sự trong và ngoài nước cho đảng viên; giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các chi bộ ngoài CQĐD, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên và quần chúng, để mọi đảng viên hiểu và xác định rõ vị trí, nhiệm vụ của mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bốn là, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, làm tốt công tác đánh giá phân loại tổ chức đảng và chất lượng đảng viên hàng năm là cơ sở để quản lý tốt đảng viên. Với vai trò hạt nhân chính trị của mình, các chi bộ mà đứng đầu là các đồng chí cấp ủy lãnh đạo đảng viên, quần chúng chấp hành tốt đường lối, chủ trương chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập.

Ngoài ra, tham gia tích cực vào các hoạt động hội đoàn tuyên truyền vận động cộng đồng đoàn kết, tương trợ nhau trong học tập và cuộc sống; thực hiện tốt các quy định của cơ quan đại diện, làm tốt công tác ngoại giao nhân dân, tổ chức các hoạt động giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần củng cố phát triển quan hệ ngoại giao giữa nước ta với sở tại.

Đảng ủy tại Nhật Bản đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các đảng viên tổ chức các hội/đoàn theo lĩnh vực, chuyên môn để phát huy tối đa năng lực, đóng góp cho sở tại và cộng đồng, hướng về quê hương đất nước như: Hội Trí thức, Hội Nữ Trí thức, Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam tại Nhật Bản (VADX)... ĐSQ cũng tích cực hỗ trợ các hội/đoàn trong hoạt động chuyên môn (kết nối các hội, đoàn với các địa phương Nhật Bản...).

Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Hội thanh niên sinh viên (VYSA) đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về đất nước như tổ chức Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản và nhiều buổi hội thảo, tọa đàm với các chủ đề “Việt Nam chuyển mình: Giá trị mới - cách thức mới”… Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện Festival về văn hóa, các Lễ hội về ẩm thực, trình diễn áo dài, tư vấn việc làm cho thanh niên sinh viên, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở trong nước…

Năm là, gắn chặt công tác quản lý đảng viên với công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, chống âm mưu mua chuộc, lôi kéo của các thế lực thù địch; thực hiện kỷ luật nghiêm minh.

Sáu là, làm tốt công tác phát triển đảng; biểu dương, khen thưởng kịp thời những đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2024, Đảng ủy đã tặng Giấy khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho 177 đảng viên.

Bảy là, thúc đẩy sáng tạo trong công tác đảng, đặc biệt trong tổ chức sinh hoạt chi bộ với các chuyên đề hấp dẫn, sát thực tế, thu hút sự tham gia của các đảng viên và đóng góp hiệu quả cho công tác nghiên cứu, học tập, làm việc của từng đảng viên.

Tám là, gắn công tác đảng với công tác cộng đồng, phối hợp với các cơ quan liên quan của Nhật Bản (Cảnh sát quốc gia...) xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cộng đồng, trong đó có tầng lớp học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng, chính trị, giảm thiểu vi phạm pháp luật tại Nhật Bản.

Đảng ủy tại Nhật Bản và công tác quản lý các chi bộ lưu học sinh
Đại hội đại biểu Đảng bộ tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2025-2030. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản)

Tăng cường phát triển Đảng trong LHS

Đảng ủy tại Nhật Bản luôn coi công tác phát triển đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tổ chức thực hiện theo đúng quy định, quy trình, thủ tục về công tác kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức cho đảng viên dự bị, chú trọng lấy chất lượng, không chạy theo chỉ tiêu, thành tích.

Đảng ủy đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên hàng năm; lựa chọn những quần chúng ưu tú có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, động cơ, mục đích lý tưởng vào đảng đúng đắn, trong sáng, rõ ràng, phải có chất lượng và hiệu quả trong công tác, học tập và có nhiều đóng góp trong công tác cộng đồng tại địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ đến 15/6/2025, toàn Đảng bộ kết nạp 141 đảng viên (trong đó có 119 đảng viên LHS); công nhận đảng viên chính thức cho 148 đảng viên dự bị. Từ đầu năm 2025 đến nay, kết nạp được 19 đảng viên mới (trong đó có 18 đảng viên LHS) và công nhận đảng viên chính thức cho 20 đảng viên dự bị.

Trong công tác phát triển đảng, Đảng ủy có thuận lợi cơ bản như sau:

Đảng ủy tại Nhật Bản thường xuyên nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên, Đảng ủy Bộ, sự phối hợp của các hội đoàn.

Đảng ủy tại Nhật Bản với Văn phòng Đảng ủy tại Tokyo và các Đảng ủy viên tại TLSQ tại Osaka, Fukuoka nằm ở 3 địa bàn trải dài theo lãnh thổ Nhật Bản, thường xuyên chỉ đạo và hỗ trợ các chi bộ. Bên cạnh đó, cấp ủy các chi bộ trực thuộc cơ bản có vị trí trong cơ quan, trường học, tham gia ban chấp hành các hội đoàn thể quần chúng, có nhiều người đã từng nắm giữ vai trò lãnh đạo phong trào thanh niên, sinh viên, lưu học sinh, nên việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Đảng ủy, CQĐD phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn liên quan như Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động của Hội như mở rộng các chi hội thanh niên, sinh viên ở các tỉnh, qua đó nắm bắt và lãnh đạo trực tiếp VYSA hoạt động đúng hướng; thông qua các hoạt động của Hội phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình thời sự trong nước, quốc tế; kết hợp lồng ghép công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau học tập và cuộc sống... cũng như thông qua các hoạt động của VYSA để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực, giới thiệu cho chi bộ bồi dưỡng phát triển đảng.

Đảng ủy thường xuyên chỉ đạo các chi bộ cử đảng viên tham gia làm nòng cốt Ban chấp hành các Hội đoàn cộng đồng người Việt Nam và phối hợp với các tổ chức hội, đoàn kết nối, hỗ trợ cộng đồng, thông qua đó phát hiện các quần chúng ưu tú trong cộng đồng.

Hàng năm, các học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ sang Nhật Bản học tập theo diện học bổng Chính phủ đều giữ liên lạc với Đảng ủy; Đảng ủy tìm hiểu nguyện vọng phát triển Đảng trong những quần chúng LHS này để giới thiệu cho các chi bộ theo địa bàn phù hợp.

Đảng ủy định hướng, chi bộ quan tâm làm tốt công tác phát triển đảng viên ngay từ bước bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp đảng viên đến giao việc thử thách đối với quần chúng phấn đấu vào Đảng để đánh giá đúng động cơ và năng lực quần chúng trước khi chi bộ đề nghị Đảng ủy xem xét quyết định.

Tuy nhiên, công tác phát triển đảng cũng gặp một số khó khăn, có thể kể đến: Cộng đồng hơn 630.000 người Việt Nam tại Nhật Bản đa phần là giới trẻ và ít kinh nghiệm sống, dễ bị các thế lực thù địch tuyên truyền lôi kéo, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng.

Địa bàn sinh hoạt, cư trú phân tán, không tập trung, trải rộng khắp lãnh thổ 47 tỉnh của Nhật Bản; số lượng đảng viên thường xuyên biến động (khoảng 30% hàng năm), dẫn đến khó quản lý, tuyên truyền. LHS du học diện tự túc chủ yếu là học tập tại các trường tiếng, thời gian học tập ngắn, không đủ thời gian để phát triển đảng viên.

Tại nhiều địa phương có rất ít đảng viên, không ổn định nên không đủ điều kiện thành lập chi bộ, đảng viên phải sinh hoạt ghép hoặc sinh hoạt lẻ. Nhiều tổ chức hội đoàn, trong đó có VYSA, khó khăn về kinh phí hoạt động, nên tính lan tỏa trong cộng đồng chưa cao.

Vi phạm pháp luật sở tại hiện là một trong những tồn tại lớn đối với cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, ảnh hưởng tới hình ảnh của người Việt Nam trong mắt người dân sở tại.

Nguồn: https://baoquocte.vn/dang-uy-tai-nhat-ban-va-cong-tac-quan-ly-cac-chi-bo-luu-hoc-sinh-321199.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những hình ảnh đầu tiên máy bay vận tải ghép đội hình luyện diễu binh mừng 2/9
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm