Sáng 5.7, nhà báo Lê Phi (Trưởng đại diện Báo Pháp luật TP.HCM tại TP.Đà Nẵng) tổ chức buổi ra mắt cuốn sách Đi ngược – tập hợp 21 truyện ngắn do Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa ấn hành.
Nhà báo Lê Phi chia sẻ, cuốn sách là đứa con tinh thần mà anh đã ấp ủ trong suốt 4 năm qua. Nửa đầu cuốn sách, độc giả sẽ bắt gặp những câu chuyện vừa mang tính tự truyện lại vừa có chút hư cấu gắn liền với làng quê xứ Nghệ cách nay khoảng 30 năm.
Nhà báo Lê Phi chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm trong quá trình viết "Đi ngược"
ẢNH: HOÀNG SƠN
Ở đó, người đọc sẽ không khỏi ám ảnh với những nhân vật trở về sau cuộc chiến, từ "cha tôi" trong Đào ngũ cho đến ông Trảng, ông Quảng trong Bóng lính lang thang ở chùa Khê…
Ở nửa sau cuốn sách, với giọng văn châm biếm và bằng những trải nghiệm nghề nghiệp của mình, nhà báo Lê Phi đã mô tả hiện thực xã hội với lối tả thực sống động.
Những toan tính, băng nhóm lợi ích cá nhân, những câu chuyện dở khóc dở cười khi cả xã hội nháo nhào chạy theo đường đua cơm áo gạo tiền… được thể hiện qua các truyện ngắn: Mạng nhện ngầm, Hai thằng trời đánh, Về hưu trước tuổi, Chuyện ở Vụ Cờ…
Cuốn sách Đi ngược của nhà báo Lê Phi được thai nghén trong 4 năm qua
ẢNH: HOÀNG SƠN
"Từ thời sinh viên, tôi đã bắt đầu viết. Không những viết ra giấy mà viết trong đầu khi có những nhân vật như muốn thì thầm điều gì đó thật khó gọi tên. Họ như bước ra từ ký ức, từ vết thương của thời gian, từ một câu chuyện ai đó kể dở dang bên hiên nhà đầy gió Lào và tiếng ve rền rĩ", nhà báo Lê Phi trải lòng và cho biết anh đã giữ họ trong suốt một thời gian dài mới đủ tĩnh tại để ngồi lại và gọi tên từng người trở về trên trang giấy.
Tại buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào đã rất xúc động khi đề cập đến những nội dung trong cuốn sách. Tâm hồn nhạy cảm của nữ nhà văn đồng cảm với những phận đời, mẩu chuyện, bối cảnh làng quê xứ Nghệ… của mấy mươi năm về trước.
Nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào đã nghẹn giọng khi nói đến những ký ức về làng quê xứ Nghệ
ẢNH: HOÀNG SƠN
Nhà văn nhận xét, tập truyện ngắn Đi ngược chứa đựng quá khứ, nỗi tuyệt vọng, buồn đau và khát vọng sống, khát vọng "lội ngược dòng" của tác giả để có thể chạm vào quá khứ, tồn tại trong hiện thực xã hội đương thời cùng hàng loạt thay đổi đang diễn ra trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tác giả "neo" trong mình khát vọng trao tặng lại dòng cảm xúc ấy cho bạn đọc bằng chính sự tỉ mẩn kể chuyện của mình.
Nhà thơ Từ Dạ Thảo (tên thật Phạm Xuân Hùng, đang công tác tại VTV8 - Đà Nẵng) chia sẻ những cảm xúc sau khi đọc "Đi ngược"
ẢNH: HOÀNG SƠN
Đi ngược để tĩnh lặng, bước tiếp vào dòng đời cuộn chảy ngoài kia...
Đọc tập truyện ngắn của tác giả Lê Phi, người đọc có thể cảm nhận và thấu tỏ cùng người viết đôi điều chưa trọn vẹn về nơi sinh ra, về đấng sinh thành, về những "vết sẹo" đeo bám trong tiềm thức, khó có thể chữa lành...
Đi ngược mở ra một ký ức không mấy trọn vẹn, đủ đầy của nhân vật tôi (tác giả), cũng gói lại một chương ký ức mà tác giả dám đối diện, hiện diện và viết lên trang giấy trong nhiều nỗi suy tư, trăn trở và thú nhận với chính mình.
Tác giả không có ý sắp đặt vị trí trước - sau của 21 truyện ngắn trong tập truyện này, nhưng nếu tinh tế, người đọc sẽ nhận ra đây là một mạch chảy. Mỗi truyện ngắn là một lát cắt, nhưng khi đọc từ đầu đến cuối, đó là một bức tranh hoàn chỉnh về một xã hội, một đời sống, một thân phận con người thu nhỏ với đủ đầy cung bậc cảm xúc.
Nhà báo Lê Phi ký tặng sách cho đồng nghiệp, bè bạn
ẢNH: HOÀNG SƠN
"Với một tác phẩm đầu tay, Đi ngược của Lê Phi vẫn còn đó một vài điều chưa nói hết, viết hết. Nhưng tôi tin, hành trình con chữ luôn có một lối dẫn đường để người viết có thể nhìn thấy và đi xa hơn. Văn học sẽ mở ra một không gian tĩnh lặng khác cho tâm hồn mỗi người có thể lắng lại ở đó để tiếp thêm chút sức mạnh, bước tiếp vào dòng đời cuộn chảy ngoài kia", nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cung-di-nguoc-voi-nha-bao-le-phi-ve-ky-uc-lang-que-xu-nghe-185250705115659327.htm
Bình luận (0)