
Thiếu năng lực cạnh tranh
Theo Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh, thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ đã có những bước phát triển tích cực nhờ chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm được cung cấp đầy đủ trong nước và xuất khẩu tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ… như dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa…
Đặc biệt, có khoảng 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia; số doanh nghiệp cấp 2 và cấp 3 vào khoảng 700 đơn vị. Tiêu biểu có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 và 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2 cho Tập đoàn Samsung.
Tuy nhiên, dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp Việt Nam nhưng sự liên kết còn lỏng lẻo; nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân, dù có tới 900 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước, song ngành này tại Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, doanh nghiệp thiếu nguồn lực để đổi mới. Năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp chưa đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu…
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện MBT Trần Văn Nam cho biết, hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho tới máy móc, thiết bị của MBT đều phải nhập khẩu, bởi chất lượng các sản phẩm, máy móc trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.
Không chỉ MBT, theo ông Trần Văn Nam, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt là các hiệp hội trong vai trò quy tụ doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực, làm đầu mối kết nối nhu cầu giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện hợp tác tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở ra nhiều bạn hàng mới và đẩy mạnh tiêu thụ.
Thêm chính sách hỗ trợ

Nhận định rõ những điểm yếu nội tại và bất cập về chính sách, ngày 17-7-2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 205/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Có hiệu lực từ ngày 1-9-2025, nghị định mang đến nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ mạnh mẽ hơn về công nghệ, nhân lực, tài chính, đất đai, thủ tục hành chính... Từ đó, tạo kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển hướng sang sản xuất trong nước.
Tiến sĩ Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội nhận định, doanh nghiệp đứng trước cơ hội mới khi Chính phủ đã mở rộng các ưu đãi về vốn, công nghệ, nhân lực và thị trường, tạo cú hích chiến lược để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bứt tốc trong thời gian tới. Hàng loạt cơ chế hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và thị trường sẽ được mở rộng. Hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ… cũng được chú trọng hơn với mức hỗ trợ lên tới 70%.
Theo Tổng Giám đốc Công ty KNTECH Nguyễn Trung Kiên, chính sách ưu đãi giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận công nghệ tiên tiến, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành được hưởng các hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm tư vấn pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho rằng, việc tăng ưu đãi cho doanh nghiệp là “liều thuốc” cần thiết trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu và số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài còn khiêm tốn.
Khi được triển khai bài bản và minh bạch, Nghị định số 205/2025/ NĐ-CP sẽ đóng vai trò "đòn bẩy" thúc đẩy cả hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập. Đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tránh lệ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu; đồng thời tăng khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực, tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư quốc tế. Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, đây là cú hích chiến lược, giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản chi phí đầu tư, tiếp cận thị trường quốc tế và xây dựng năng lực sản xuất độc lập.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/cu-hich-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-710607.html
Bình luận (0)