Chung tay vì môi trường học đường an toàn
Bạo lực học đường vẫn luôn là một vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và tâm hồn của học sinh. Tình trạng bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở bạo lực thể chất như đánh nhau, tấn công thân thể, mà còn là những hành vi bạo lực tinh thần, bạo lực mạng như xâm phạm quyền riêng tư, lan truyền thông tin sai lệch hay những lời nói xúc phạm.

Bạo lực học đường không chỉ là câu chuyện của riêng nhà trường, gia đình hay xã hội, mà đòi hỏi sự chung tay của toàn cộng đồng. Trong hành trình đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (SEDIDCO) đang tích cực thể hiện vai trò, trách nhiệm của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, bằng những hành động cụ thể, thiết thực nhằm đẩy lùi vấn nạn này.
Những năm gần đây, bạo lực học đường trở thành vấn đề nhức nhối, gây lo lắng cho phụ huynh, thầy cô và toàn xã hội. Từ những vụ việc bạo lực thể chất, bắt nạt tinh thần đến các hành vi miệt thị trên mạng xã hội, tất cả đều để lại những hệ lụy nặng nề đối với học sinh, đặc biệt là về mặt tâm lý.
Hiểu rõ điều đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam không chỉ tập trung vào việc cung cấp sách giáo khoa, thiết bị giáo dục mà còn chú trọng các hoạt động đồng hành cùng học sinh, phụ huynh và nhà trường trong công tác phòng chống bạo lực học đường.
Vào ngày 31/3, tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hồ Chí Minh), Giáo dục Phương Nam đã phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi giao lưu và ra mắt sách "Kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường", thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo cùng các cơ quan báo chí.

Trang bị kỹ năng - Chìa khóa phòng ngừa bạo lực
Tại chương trình, các chuyên gia tâm lý nổi tiếng đã có dịp trao đổi, chia sẻ thẳng thắn với học sinh và phụ huynh về những kỹ năng nhận diện và ứng phó với bạo lực học đường. Những câu hỏi thực tế, tình huống cụ thể được đưa ra dưới góc nhìn đa chiều, giúp học sinh hiểu rõ hơn về cách tự bảo vệ bản thân và xây dựng mối quan hệ lành mạnh trong môi trường học đường.
Đặc biệt, hai cuốn cẩm nang "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" dành cho học sinh cấp tiểu học và trung học, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ biên soạn đã chính thức được giới thiệu tại sự kiện.
Mỗi cuốn sách được biên soạn theo hai phần chính: “Những điều em cần biết về bạo lực học đường” và “Các tình huống thực tế của bạo lực học đường”.
Phần đầu giúp học sinh nhận diện rõ các hành vi được coi là bạo lực học đường, hiểu được những tác động tiêu cực mà bạo lực gây ra.
Phần nội dung thứ hai của sách được dành để xây dựng các tình huống thực tế gần gũi, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng xử lý vấn đề, giao tiếp, phản ứng phù hợp và chủ động hơn khi gặp tình huống khó xử trong môi trường học đường.
Bà Mai Ngọc Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam cho biết, những cuốn sách này không chỉ là tài liệu tham khảo đơn thuần, mà là người bạn đồng hành hữu ích, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em tự tin ứng phó với các tình huống bạo lực học đường. Chúng tôi tin rằng, việc trang bị kỹ năng cho học sinh chính là giải pháp căn cơ, bền vững để ngăn ngừa bạo lực học đường.

Lan tỏa thông điệp yêu thương, trách nhiệm
Không chỉ dừng lại ở việc phát hành sách, Giáo dục Phương Nam còn tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về phòng chống bạo lực học đường. Các cơ quan báo chí lớn như Tuổi Trẻ, HTV, Người Lao Động, Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Dân Trí… đều đồng loạt đưa tin, phản ánh sâu rộng về chương trình cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh.
Qua đó, dư luận xã hội ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề bạo lực học đường, đồng thời nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, giáo viên trong việc kịp thời phát hiện, hỗ trợ và đồng hành cùng các em học sinh khi gặp phải tình huống xấu.
Đánh giá cao những nỗ lực của Giáo dục Phương Nam, chuyên gia tâm lý Tô Nhi A nhấn mạnh, phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Những chương trình, tài liệu thiết thực như của Giáo dục Phương Nam chính là nguồn lực bổ trợ quý giá cho nhà trường và gia đình.

Doanh nghiệp giáo dục với trách nhiệm xã hội
Những năm qua, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam luôn được biết đến là đơn vị uy tín trong cung ứng sách giáo khoa, thiết bị trường học. Song song với hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp này luôn thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Từ các chương trình trao tặng sách giáo khoa, học bổng cho học sinh nghèo đến các hoạt động hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, Giáo dục Phương Nam đã và đang đồng hành cùng hàng triệu học sinh trên cả nước, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh.
Với triết lý "Giáo dục là nền tảng cho tương lai", doanh nghiệp này không chỉ cung cấp tri thức qua những trang sách, mà còn chú trọng nuôi dưỡng tâm hồn, rèn luyện kỹ năng sống, trang bị cho học sinh bản lĩnh để đối mặt với những vấn đề xã hội, trong đó có bạo lực học đường.
Chung tay vì môi trường học tập an toàn
Bạo lực học đường không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, càng không thể chỉ trông chờ vào nhà trường hay gia đình. Để đẩy lùi vấn nạn này, cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có vai trò thiết thực của các doanh nghiệp trách nhiệm như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam.
Những cuốn sách, những buổi giao lưu bổ ích, những hoạt động đồng hành giàu tính nhân văn mà Giáo dục Phương Nam triển khai thời gian qua chính là những viên gạch nhỏ, góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho một môi trường học đường an toàn, lành mạnh. Đó cũng là cách mà doanh nghiệp này khẳng định vị thế, uy tín và trách nhiệm với cộng đồng, vì một thế hệ tương lai trưởng thành không chỉ tri thức mà còn đủ kỹ năng, bản lĩnh để vững vàng trước những thử thách của cuộc sống.
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/chung-tay-phong-chong-bao-luc-hoc-duong-lan-toa-trach-nhiem-vi-the-he-tuong-lai-i774849/
Bình luận (0)